Nhiều rào cản với lao động di cư tiếp cận chính sách an sinh

23/12/2015 08:08

Mặc dù lao động di cư là nhóm dễ bị tổn thương tại đô thị nhưng họ lại rất ít được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội. Một trong những rào cản lớn nhất cản trở việc tiếp cận đó là hầu hết các chính sách an sinh xã hội đều gắn với hộ khẩu.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo trình bày kết quả nghiên cứu “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội” do Oxfam tại Việt Nam tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội.

Lao động di cư ít tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Lao động di cư ít tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)



Nghiên cứu “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội” do Oxfam và Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với các tổ chức phi chính phủ Việt Nam trong mạng lưới Hành động vì quyền của lao động di cư triển khai từ cuối năm 2014 tại Hà Nội, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Nghiên cứu tập trung vào 4 ngành có đông người lao động di cư là may, điện tử, xây dựng và bán hàng rong nhằm chỉ ra những rào cản, đồng thời cũng tìm kiếm các sáng kiến, các thực hành tốt trong việc hỗ trợ người lao động di cư. Từ kết quả nghiên cứu, Oxfam đã đề xuất các giải pháp để nhóm đối tượng đông đảo nhưng yếu thế này có thể tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội tốt hơn.

Ông Lê Thanh Sang Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết, theo kết quả nghiên cứu, về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư và một bộ phận đáng kể có công việc thiếu ổn định. Mức thu nhập cơ bản hầu hết của người lao động di cư chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu và họ thường không tiếp cận được các chương trình giảm nghèo và vay vốn tạo việc làm.

“Một bộ phận đáng kể trong số những người lao động di cư hiện có công việc thiếu ổn định, bấp bênh, đặc biệt là khu vực phi chính thức. Trong khi đó, 99% người lao động di cư khu vực chính thức không có bảo hiểm xã hội để hỗ trợ giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già, và chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc mất do các rủi ro đó,” ông Lê Thanh Sang nói.

Đa số người lao động di cư khu vực không chính thức và hầu hết người lao động di cư khu vực phi chính thức không hiểu biết đầy đủ về các quyền và lợi ích của mình tại nơi làm việc và nơi cư trú. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là các chính sách an sinh xã hội ít được tuyên truyền hoặc hoạt động truyền thông không đến được với họ.

Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị cần phải rà soát và loại bỏ các quy định hưởng chinh sách an sinh xã hội gắp với hộ khẩu vì đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tiếp cận an sinh xã hội của người lao động di cư. Các chuyên gia cũng cho răng cần phải tuyên truyền để tăng khả năng tiếp cận thông tin cho lao động di cư và nhân rộng các mô hình hỗ trợ tốt cho lao động di cư./.

Theo Vietnamplus

TIN LIÊN QUAN