Điểm nóng cũ, nhân tố mới

24/01/2016 09:24

(Baonghean) - Bên cạnh một số sự kiện mang tính bột phát như tấn công khủng bố, xả súng hay chìm tàu người di cư, nổi bật nhất trên bản đồ thời sự quốc tế tuần vừa qua vẫn là những điểm nóng ngoại giao - chính trị lớn như Trung Đông, Nga - phương Tây. Nếu như mối quan hệ giữa Nga với phương Tây không có dấu hiệu chuyển biến tích cực thì bàn cờ Trung Đông đang mở ra những nước đi mới với sự xuất hiện của nhân tố mới…

Chảo lửa Trung Đông “giữ nhiệt”

Sức nóng của “bãi mìn ngoại giao” này vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống và tiếp tục là tâm điểm chú ý của các thế lực, phe phái trên thế giới. Nếu như ở bên kia Thái Bình Dương, Mỹ vẫn “trung thành” với chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để đối phó với Iran thì Trung Quốc đã lựa chọn một hướng đi hoàn toàn khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước một cuộc gặp mặt tại Tehran - Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước một cuộc gặp mặt tại Tehran - Ảnh: AFP

Ngày 19/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức đến 3 nước Trung Đông gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Iran. Đáng chú ý, 2/3 điểm dừng chân của nhà lãnh đạo Trung Quốc là “kép chính” của cuộc đối đầu nảy lửa đang nổi lên như một điểm nóng mới của khu vực, bên cạnh cuộc nội chiến Syria và sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố.

Đây có vẻ là một động thái “nước đôi” khó hiểu và gây hoài nghi về hiệu quả, bởi các quốc gia Trung Đông vốn là những đối tác ngoại giao vô cùng đa nghi và cứng rắn. Điều gì khiến Trung Quốc tự tin sẽ điều phối được mối quan hệ giữa 2 nước thù địch lâu đời, nhất là trong thời điểm nhạy cảm như thế này?

Bàn về mối quan hệ phức tạp giữa Saudi Arabia và Iran, cả 2 đều là những quốc gia có tiềm lực quân sự và kinh tế lớn trong khu vực, cùng có nền tảng là nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào. Tuy nhiên, nếu Saudi Arabia đã là đồng minh thân cận của phương Tây, nhất là Mỹ, từ nhiều năm nay thì Iran lại vừa bước ra khỏi thời gian cấm vận, cô lập kéo dài vì chương trình hạt nhân chịu nhiều chỉ trích. Hay ít ra đó là trên lý thuyết - bởi mới đây nhất, mặc dù vừa tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Tehran và giải quyết tranh chấp liên quan đến các tài sản của Iran bị phong toả từ năm 1979, Washington đã “vội” đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với quốc gia Trung Đông.

Một động thái mà Iran cho là thể hiện thái độ “lừa dối” của nước Mỹ, khi nước này tìm cách trì hoãn các biện pháp trừng phạt để đạt được các thoả thuận có lợi cho mình. Tất nhiên, thái độ “vừa đấm vừa xoa” của Mỹ đối với Iran cũng là hệ quả của nhiều luồng ý kiến trái chiều tại quốc gia cờ hoa về vấn đề hạt nhân Tehran. Tựu trung, vẫn phải khẳng định, Mỹ chưa hoàn toàn tin tưởng vào Iran và tương tự, Iran cũng không mấy vừa lòng với sự thay đổi chóng vánh của Mỹ. Tuy nhiên, cách xử sự của Mỹ khó tránh khỏi gây nhiều hoài nghi về hiệu quả bởi đồng minh Saudi Arabia đã thể hiện sự “mếch lòng”, nhất là sau khi thoả thuận hạt nhân lịch sử được ký kết. Liệu Mỹ có duy trì được sự chi phối với đôi bên, hay là “xôi hỏng bỏng không”?

Trong khi đó, nước đi của Trung Quốc có phần khôn ngoan khi lựa chọn tiếp cận từ lĩnh vực kinh tế. Thứ nhất, đây cũng là mục tiêu hàng đầu mà Trung Quốc tìm kiếm để tiếp sức cho nền kinh tế đang chững lại và có dấu hiệu đi xuống của mình. Trong bối cảnh năng lượng có sức chi phối rõ rệt đối với tình hình kinh tế thế giới, không có lý gì Trung Quốc tiếp tục làm ngơ với mảnh đất Trung Đông dồi dào tài nguyên năng lượng. Đó cũng là một trong những lý do chính “níu chân” Mỹ và phương Tây tại vùng đất phức tạp này, bằng chứng là việc thiết lập quan hệ đồng minh từ rất sớm với Saudi Arabia - một trong những “ông lớn” về dầu mỏ tại khu vực. Thứ hai, Trung Quốc chắc chắn muốn gia tăng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông một cách toàn diện, nhưng xét bối cảnh chính trị - quân sự ở thời điểm hiện tại, kinh tế là một nước cờ an toàn hơn và “rộng cửa” hơn nhiều.

Một lý do khác để Trung Quốc “nhảy vào” bàn cờ Trung Đông, cụ thể là mối quan hệ căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran lúc này có khả năng là để đề phòng nguy cơ tư tưởng cực đoan tôn giáo “xuất khẩu” ra khỏi khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho các nhóm có tư tưởng đối lập với chính quyền Bắc Kinh hoạt động.

Nga tiếp tục bị phương Tây “ghẻ lạnh”

Mối quan hệ đổ vỡ giữa Nga và phương Tây có lẽ sẽ khó chuyển biến tốt lên trong thời gian ngắn tới đây, khi mà các quốc gia phương Tây liên tục có động thái không mấy thiện chí với đất nước bạch dương.

Con trai và vợ của cựu điệp viên Alexandre Litvinenko trong buổi họp báo ngày 21/1/2016, Luân Đôn. Ảnh: AP
Con trai và vợ của cựu điệp viên Alexandre Litvinenko trong buổi họp báo ngày 21/1/2016, Luân Đôn. Ảnh: AP

Thứ Năm ngày 21/1, một “cơn bão ngoại giao” đã bùng phát giữa Luân Đôn và Moska khi Quan toà người Anh Robert Owen kết luận chính phủ Nga và Tổng thống Vladimir Putin có liên quan trong vụ sát hại cựu điệp viên tình báo người Nga Alexandre Litvinenko hồi năm 2006. Ông Litvinenko đã bị đầu độc bằng Polonium 210, một chất phóng xạ kịch độc và hầu như không thể bị phát hiện.

Quan toà kết luận rằng “nhiệm vụ thực thi bởi FSB (cơ quan tình báo mật Nga - “người kế nhiệm” của KGB) đã được thông qua bởi cựu Giám đốc FSB là ông Nikolai Patrouchev và Tổng thống Putin”. Đáp lại, Moskva cho rằng đây chỉ là một “trò đùa”.

Tuy nhiên, có vẻ như Luân Đôn không hề có ý định đùa giỡn với “gấu” Nga khi triệu tập Đại sứ Nga tại Anh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Theresa May, đồng thời tuyên bố phong toả tài sản của 2 đối tượng được cho là trực tiếp tiến hành vụ đầu độc. Hai nhân vật này đã uống trà cùng ông Litvinenko ở khách sạn Millennium vào chiều 01/11/2006. Buổi tối cùng ngày, ông này có dấu hiệu không ổn và sau đó 3 tuần thì qua đời. Litvinenko tị nạn ở Anh từ năm 2000 và bị FSB xem như kẻ phản bội vì đã tham gia điều tra các mối liên quan giữa điện Kremlin và các mạng lưới mafia. Ông này cũng hợp tác với các cơ quan tình báo Anh và được cấp quốc tịch Anh.

Bình luận về những tuyên bố mới nhất của Anh, người phát ngôn của văn phòng Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho rằng động thái này “đã làm xấu thêm mối quan hệ song phương” giữa hai bên song cũng thể hiện rằng điện Kremlin không bận tâm nhiều đến vụ việc này.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Mỹ ngày 22/1 ra tuyên bố không công nhận 5/6 lãnh sự danh dự của Nga tại Mỹ với lý do Nga có những động thái cản trở các hoạt động ngoại giao và lãnh sự của Washington ở Nga. Một trong số đó được Mỹ nêu ra là việc đóng cửa Trung tâm Mỹ tại Moskva hồi tháng 9/2015.

Trái với vụ việc liên quan đến phán quyết của quan toà người Anh, động thái này đã ngay lập tức bị Nga lên tiếng phản đối. Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ đang “khiêu khích” các nhà ngoại giao Nga - một biện pháp mới nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế?

Thục Anh

(Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN