Phi công đầu tiên thử nghiệm máy bay "made in Việt Nam"

04/12/2015 16:38

(Baonghean) - Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn toát lên cái dáng vẻ đầy vững chãi và rắn rỏi. 43 năm phục vụ trong quân ngũ thì đến 40 năm ông trực tiếp lái máy bay. Ông nói, dường như mình sinh ra để...bay. Ông còn là phi công đầu tiên bay thử nghiệm máy bay do Việt Nam sản xuất. Ông là Đại tá phi công Nguyễn Văn Sửu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt tay động viên phi công Nguyễn Văn Sửu trong lần bay biểu diễn chiếc máy bay gio Việt Nam sản xuất
Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt tay động viên phi công Nguyễn Văn Sửu trong lần bay biểu diễn chiếc máy bay gio Việt Nam sản xuất

Đại tá Nguyễn Văn Sửu là con thứ 3 trong một gia đình thuần nông ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên (hiện nay ôn sunh sống tại Hà Nội). Lớn lên trong những tiếng bom dội rền rã của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi còn là một cậu học sinh cấp 2, ông đã nhiều lần nằng nặc đòi cha mẹ cho gia nhập quân ngũ. Tuy nhiên phải đến năm 20 tuổi, trong một đợt tuyển chọn phi công đầu tiên ở miền Trung, ông mới chính thức được gia nhập quân ngũ.

Với những cống hiến về thời gian, sức lực, trí tuệ cho Tổ quốc, ông được Quân đội và Nhà nước tặng thưởng hàng chục huân, huy chương các loại trong đó có 5 huân chương chiến công, một kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học kỹ thuật và rất nhiều bằng khen, giấy khen của Quân chủng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngang tàng dưới bầu trời lửa đạn

Năm 1966 đại tá Nguyễn Văn Sửu được cử đi học lái máy bay MiG-17 ở Liên Xô. Hơn 2 năm sau ông trở về nước phục vụ cách mạng. Ông được điều về các trung đoàn không quân để thực hiện các nhiệm vụ như bay đề cao, bay máy bay chiến lợi phẩm thu được của Mỹ hay có khi lại được điều đi xây dựng tiểu đoàn mới… Khi đất nước đổ máu trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam rồi đến cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông trực tiếp tham gia láy máy bay chiến đấu.

Để phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, năm 1977, đại tá Nguyễn Văn Sửu được điều động trở lại Trung đoàn Không quân 917 thuộc Sư đoàn 372 vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa huấn luyện đào tạo phi công mới. Với cương vị là phi đội trưởng phi đội bay trinh sát, ông đã có mặt trong hầu hết các chiến dịch. Nhớ lại những ngày đó, đôi lúc, ông cũng không hiểu vì sao mình còn sống sót.

Thời gian ấy có biết bao trận đánh đáng nhớ nhưng nhớ nhất vẫn là lần ông chỉ huy ném bom trận địa pháo của địch, cách thị xã Châu Đốc khoảng 10 km về phía Campuchia. Để xác định vị trí chính xác của trận địa pháo trong 10 vị trí dự đoán, ông đã phải liều mình rà máy bay xuống thấp, sát với nòng pháo của địch để kiểm tra. Cái giây phút máy bay chạm gần đến nòng pháo của địch, ông cứ ngỡ như mình đang nhìn thấy gương mặt tử thần bởi chỉ cần 2 giây thôi ông đã có thể tan thành trăm mảnh. Tuy vậy cũng chính bởi những giây phút như thế ông Sửu mới thấy rằng không có điều gì có thể khuất phục được sự can đảm và ý chí của ông, ngay cả cái chết.

Đặc biệt đã có lúc ông dám làm những việc tưởng chừng như không bất kỳ phi công nào dám làm. Có lần ông ra lệnh cho trung đoàn trưởng, thay đổi quyết định hành động của cả một biên đội. Đó là trong một chiến dịch tiêu diệt quân xâm lấn Khmer Đỏ, không cho chúng vượt qua kênh Vĩnh Tế rút về bên kia biên giới. Trận đánh đang căng thẳng, các biên đội đang hiệp đồng với nhau để tiêu diệt bọn địch dồn quân ở bến phà Nước Lương.

Trong khi biên đội trực thăng số 2 sẵn sàng chuẩn bị công kích mục tiêu thì nhận được lệnh của biên đội trưởng không cho công kích với ý đồ bắt sống địch. Tuy nhiên, ở vị trí của một phi công trinh sát, lúc đó ông Sửu nắm chắc tình hình rằng có 4 chiếc trực thăng của địch đang vòng lên độ cao khoảng 800 độ. Đúng lúc đó lại có tiếng ai đó vang lên “coi chừng chúng đang bắn chúng ta”. Hơn nữa phía dưới mặt đất các mũi tấn công của ta đang bị quân địch chặn lại và có thể bị thương vong.

Là người nắm rõ toàn bộ tình hình, trong một giây phút, ông đã can đảm chen ngang lời trung đội trưởng: “dồn toàn bộ hỏa lực tấn công vào bến phà”. Sau mệnh lệnh đó, từ trên cao nhìn xuống, ông thấy hàng loạt bọn Khmer Đỏ bị dồn vào chân tường.

Giây phút đó buồn vui lẫn lộn, niềm vui xen lẫn nỗi sợ hãi. Bởi một bên ông đã “chống lại” người chỉ huy mà không biết hậu quả sẽ thế nào. Nhưng một bên lại là niềm vui bảo toàn sinh mạng cho các đồng đội mình. Điều may mắn là trận đánh thắng lớn. Kể cả trung đội trưởng trận đấy cũng đã rất hài lòng về ông cũng như tinh thần chiến đấu ấy.

“Đối với những phi công như mình không ngang tàng, không liều lĩnh thì không thể sống nổi” - ông chia sẻ. Người ta có thể sinh ra từ chiếc chõng tre rồi chết đi trên ấy nhưng là một phi công - những người “chân không đến đất, cật không đến trời” thì luôn chênh vênh giữa sự sống và cái chết. Họ buộc phải “xem trời bằng vung”, xem thường đạn bom, xem thường nòng pháo của kẻ thù thì mới có thể vượt qua được những năm tháng ác liệt ấy.

Tình nguyện làm “phi công thí mạng”

“Phi công thí mạng” là tên gọi quen thuộc dành cho những phi công bay thí nghiệm. Bởi không một công việc nào lại nguy hiểm và rủi ro cao như công việc ấy.

Sau năm 1975, ở Việt Nam đã có một số người có ý tưởng chế tạo máy bay. Tuy nhiên, phải đến tháng 1 năm 1978, dự án “Xây dựng cơ sở thiết kế và chế thử máy bay cánh quạt loại nhỏ” mới ra đời. Dự án được Quân ủy Trung ương phê chuẩn, cho phép Quân chủng Không quân tổ chức thực hiện. Chủ nhiệm dự án là Phó tiến sĩ Trương Khánh Châu. Sản phẩm của dự án là máy bay trinh sát liên lạc TL-1 được thiết kế và chế tạo trong vòng hơn 2 năm.

Đại tá phi công Nguyễn Văn Sửu
Đại tá phi công Nguyễn Văn Sửu, người bay thử nghiệm máy bay do Việt Nam sản xuất

Đầu năm 1980, trong một lần về Hà Nội, ông Sửu đi cùng chuyến xe với cán bộ của Viện Kỹ thuật Quân sự Không quân. Khi về đến Quân chủng, theo như lời mời lúc trên xe, ông được đồng chí Viện trưởng Trương Khánh Châu dẫn đi xem một chiếc máy bay rất lạ - chiếc máy bay đầu tiên do Việt Nam tự chế tạo mang tên TL-1 đang trong giai đoạn lắp ráp.

Trước khi chia tay, ông Sửu có để lại một lời nói đùa rằng “nếu không tìm được phi công bay thử thì các anh cứ gọi tôi”. Sau đó hơn 1 tháng, ông được nhận được quyết định điều về Viện Kỹ thuật Quân sự Không quân để trở thành một trong những phi công thử nghiệm đầu tiên của Không quân Việt Nam.

Lúc đó ông cũng nhận được nhiều lời khuyên “rút”, sao mà lại gàn dở, liều lĩnh thế chứ? Cũng có người cho rằng, hẳn ông vì số tiền thù lao lớn mà cả gan đánh cược số mạng mình. Bằng một ánh mắt lấp lánh niềm tự hào, ông đã nói rằng chỉ vì yêu bầu trời, muốn góp sức mình cho sự phát triển của công nghiệp hàng không Việt Nam mà thôi.

Sau 2 năm miệt mài lao động, chiếc máy bay cũng được đưa lên sân bay Hòa Lạc để chuẩn bị bay thử. Lúc đấy mỗi lần cho máy bay “cất cánh giả” để từng bước xác định khả năng bay của máy bay là mỗi lần ông trải qua những cảm giác căng thẳng tột độ.

Nhớ nhất là lần cất cánh giả thứ 3, vào thời điểm máy bay chuẩn bị rời mặt đất thì động cơ đột ngột ngừng làm việc do ống xăng bị tắc. Sau giây phút bàng hoàng, ông mừng rỡ reo lên “may quá”. Các bộ, nhân viên kỹ thuật ai cũng hết thảy ngạc nhiên nhưng chỉ ông và những phi công khác mới hiểu rằng chỉ cần động cơ tắt chậm một chút nữa thôi, cả phi công và may bay sẽ có chuyện chẳng lành.

Tuy nhiên, ngày 25/09/1980, sau vài lần kiểm tra thì các phi công quyết định sẽ cho máy bay cất cánh lên trời. Cái giây phút đi vòng quanh kiểm tra lại máy bay lần cuối rồi lặng lẽ bước vào buồng lái, lúc đó, ông thấy tim mình tràn ngập sự hồi hộp, nỗi lo lắng cùng sự căng thẳng như các chiến sĩ sắp sửa bước vào trận đánh lớn. Trong chuyến bay ấy, phi công Nguyễn Xuân Hiển là lái chính, ông Sửu chịu trách nhiệm sử dụng động cơ, theo dõi trạng thái, điều chỉnh số liệu và tham gia vào điều khiển khi thật cần thiết.

Chiếc máy bay đầu tiên của Việt Nam đã bay lên độ cao 320m, giữ tốc độ 160km/h, bay theo hình “củ tỏi” - theo các diễn đạt của ông Sửu và hạ cánh theo hướng ngược lại. Mọi việc diễn ra rất tốt đẹp. “Tôi lâng lâng như người trên trời rơi xuống vậy” - đại tá Nguyễn Văn Sửu nhớ lại.

Với ông, đã 30 năm có lẻ kể từ ngày bay thử thành công máy bay TL-1 nhưng mọi thứ vẫn chưa hề phai dấu. Thậm chí 40 năm lái hàng chục loại máy bay khác nhau với gần 3.000 giờ bay nhưng khoảng thời gian 7 phút 30 giây của lần bay thử ấy mãi mãi là những giây phút ý nghĩa nhất, đậm sâu nhất trong cuộc đời là một phi công.

Vinh - Hoa

TIN LIÊN QUAN