Gà đen người Mông "cao giá" vẫn đắt hàng.
(Baonghean.vn) - Gà đen (hay còn gọi là gà ác) là giống gà truyền thống của người Mông được nuôi trên vùng núi cao. Vào những ngày Tết, đặc sản gà đen rất “đắt hàng”.
Ban đầu, việc nuôi gà đen đối với người Mông chỉ nhằm mục đích phục vụ nhu cầu trong gia đình và sử dụng vào việc cúng tế, song hiện nay, do chất lượng thịt thơm, ngon và săn chắc nên ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Một số người dân ở các xã Nậm Cắn, Na Ngoi cho hay, ngày trước, gà đen chỉ được người Mông nuôi tách biệt trên vùng núi cao hay tập trung trong nương rẫy để tránh dịch bệnh. Giống gà đen cũng phù hợp với khí hậu vùng núi cao nên phát triển nhanh trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, ngày trước người Mông chỉ nuôi với số lượng nhỏ lẻ. Khi gia đình có việc cúng tế hay vào ngày Tết mới dám đưa về làm thịt.
Trang trại gà đen của Lầu Vả Mềnh, bản Ca Trên, Na Ngoi, Kỳ Sơn. |
Những người Mông cho biết, hiện nay, một số thương lái đưa rất nhiều gà tương tự như giống gà đen ra bán tại các thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), Hòa Bình (Tương Dương) nhưng đó không phải là gà đen đích thực. Nếu quan sát kỹ thì loại gà đó da có màu như hạt dẻ và thịt không thơm ngon bằng gà đen.
Gà đen chính hiệu phải đen từ chân đến đầu, khi vạch lớp lông ra xem da có màu đen tuyền. Khi mổ gà ra, xương cũng có một lớp đen bao phủ phía ngoài. Nếu người mua không sành rất khó để phân biệt 2 loại này. Giá của chúng cũng chênh lệch nhau, loại gà lai chỉ có giá 130 nghìn đồng/kg, còn gà đen giá tới 170 nghìn đồng/kg.
Giống gà đen chủ yếu ăn những thức ăn tự nhiên và đây cũng là một trong những lý do khiến cho sản phẩm thịt từ gà đen được rất nhiều người ưa chuộng, tin tưởng. |
Với việc chỉ sử dụng thức ăn có sẵn trong tự nhiên làm nên thương hiệu “gà sạch” nên gà đen được bán với giá cao hơn gà trắng rất nhiều. Ông Lầu Pà Xo (bản Trường Sơn –Nậm Cắn) là hộ gia đình hiện đang nuôi hơn 100 con gà đen cho hay: “Giống gà đen chỉ phù hợp với thức ăn là ngô và các loại cây cỏ tự nhiên. Chúng tôi không bao giờ cho ăn cám tăng trọng nên mặc dù gà hơi chậm lớn nhưng vẫn giữ được thương hiệu”.
Tại bản Trường Sơn còn rất nhiều hộ gia đình nuôi gà đen phục vụ Tết như hộ ông Lầu Chống Tủa (nuôi 200 con), Lầu Chơ Thái (184 con)…Các hộ gia đình này cho hay, bình thường gà đen đã đắt hàng, dịp gần Tết, các thương lái miền xuôi đổ xô lên săn gà đen “sạch” càng nhiều nên càng không đủ cung cấp. Như hộ ông Lầu Pà Xo, mới cách đây mấy ngày đã bán 25 con để sắm Tết và tiếp tục vài ngày nữa ông lại bán lứa tiếp theo để phục vụ nhu cầu thị trường.
Do nhu cầu thực phẩm từ thịt gà đen rất lớn nên lượng cung vẫn chưa đáp ứng được, đặc biệt vào dịp Tết. Trong ảnh, người dân bán gà đen tại khu vực thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). |
Tại xã Na Ngoi hiện đang có tổng số gà đen nhiều nhất huyện Kỳ Sơn với gần 3 nghìn con. Với đặc điểm địa hình vùng núi cao, thức ăn sẵn trong tự nhiên nên gà đen ở các bản Buộc Mú, Ca Trên, Tổng Khư…đều được người tiêu dùng ưa thích. Ông Lầu Vả Mềnh (bản Ca Trên) là hộ nuôi nhiều nhất với 512 con cho biết: “Bình thường giá gà đen chỉ dao động từ 170-180 nghìn/kg nhưng vào Tết giá tăng lên 200 nghìn/kg vẫn không đủ bán. Mặc dù hiện nay loại gà lai đen được bán rất nhiều nhưng người tiêu dùng vẫn ưa thích và tìm đến thịt gà đen chính hiệu”.
Trang trại của ông Vả Mềnh nằm cách nhà chừng hơn 1 km được ông đầu tư các trang thiết bị hiện đại để nuôi và chăm sóc gà đen. Từ việc ấp trứng, chăm sóc con nhỏ đều được thực hiện khoa học nên dịch bệnh ít. “Quan trọng trong việc nuôi loại gà này là nguồn thức ăn và không gian cho gà sinh sống. Gà đen chỉ ăn ngô và thức ăn có sẵn trong tự nhiên, cần khoảng không gian lớn, thoáng mát để sinh sống” – Ông Lầu Vả Mềnh cho biết thêm.
Gà đen thuần chủng là giống gà đen từ thịt tới xương. |
Trên các địa bàn người Mông sinh sống, việc nuôi gà đen đã trở nên quen thuộc. Từ việc bó hẹp trong cộng đồng người Mông, hiện nay gà đen đã trở thành một loại thực phẩm được tiêu thụ rộng rãi nhờ vào chất lượng thịt của nó. Những ngày Tết vì thế gà đen càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết.
Mô hình nuôi gà của gia đình ông Làu Pà Xo, bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). |
Thịt gà đen còn được bán ở các chợ phiên ở huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, |
Đào Thọ - Hồ Phương
TIN LIÊN QUAN