Tâm thức và tâm linh

08/02/2016 18:39

(Baonghean.vn) - Đầu năm đi lễ chùa cầu an lành, thịnh vượng đã trở thành nét văn hóa của người dân các vùng miền. Từ trong tâm thức đến với tâm linh, mỗi người đều mong muốn gia đình bình an, đất nước phát triển.

mb
Người dân TP Vinh trang trọng dâng hương lên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự biết ơn các bậc tiền bối hy sinh cuộc đời, vì dân, vì nước.

Hoà cùng dòng người xuất hành đón Xuân Bính Thân 2016, như cảm nhận thấy đất trời đang giao hoà. Con người dường như cũng trở nên cởi mở hơn ở chốn linh thiêng, những người dù mới gặp lần đầu cũng sẵn sàng trao nhau nụ cười trìu mến.

Tiếng chuông chùa dìu dặt ngân vang giữa hơi sương sớm, hương khói, hoa, lễ... tạo nên không khí yên bình, làm mỗi người khi đến chốn trầm mặc này thấy tâm hồn thanh tịnh lạ kỳ! Có lẽ cũng vì thế, mỗi dịp đầu năm, mọi nẻo đường đều hướng về cõi Phật.

m
Những nén tâm hương ngày đầu năm hướng về Quán Thế Âm Bồ Tát

Từ tinh mơ sáng mùng Một Tết, gia đình ông Trần Công Bổng ở khối Yên Phúc (phường Hưng Phúc - Thành phố Vinh) đã chuẩn bị mọi thứ đầy đủ để đi lễ chùa Diệc, còn gọi là Diệc Cổ Tùng Lâm, một nơi chốn rất đỗi linh thiêng xưa của Thành phố Vinh. “Đầu năm đi lễ chùa là để cầu mong những điều tốt lành, may mắn và hạnh phúc đến với gia đình. Từ nhiều năm nay, gia đình chúng tôi vẫn thường có thói quen dẫn con cháu đi lễ chùa những ngày đầu năm". Bà Phạm Thị Tố Tâm, vợ ông Bổng nói trước khi xuất hành.

m
Thành tâm đóng góp công đức nhân dịp đầu năm lễ chùa.

Bà Hoàng Thị Bình, một tiểu thương ở chợ Vinh năm nào cũng lên chùa vào ngày mồng 1 tết để cầu nguyện cho gia đình một năm mới bình an, làm ăn được nhiều may mắn.

Còn ông Nguyễn Đình Toàn, giám đốc một công ty TNHH thì mục đích quan trọng nhất của việc đi chùa là để nghe thuyết pháp và góp tiền làm từ thiện.

Ông nói: "Tôi bận nhiều việc không có thời gian trực tiếp đi làm từ thiện, qua nhà chùa xin gửi tấm lòng chia sẻ đến với những hoàn cảnh khó khăn". Cũng có người đi chùa chỉ để viếng cảnh và tìm cho mình những giây phút tĩnh lặng như mẹ con chị Nguyễn Thị Mai (Hà Huy Tập - Vinh):" Đầu năm đến chùa cầu cho sức khỏe vượng và cảm nhận những giây phút tịnh tâm".

m

Những nén tâm hương ngày đầu năm hướng về Quán Thế Âm Bồ Tát.

t

Thành kính dâng hương lễ Phật

Đi lễ chùa còn được người dân thực hiện từ đầu năm đến độ ra Giêng. Chuyện xưa còn kể, xứ Nghệ là đất địa linh. Lời đi qua thời gian còn đó: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Những miền đất in sâu cùng tâm thức người xứ Nghệ, trong tâm tưởng kẻ đi xa để mãi nhớ về.

Chỉ riêng ở thành phố Vinh, đã có nhiều chùa chiền linh thiêng, là nơi tìm về miền tâm thức của người cầu ước chuyện an lành. Chùa Cần Linh (hay còn gọi là chùa Sư Nữ) là ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Việt Nam chứng nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1992.

Chùa thờ Phật Thích Ca (vị tổ của đạo Phật) và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng. Hàng năm, chùa có tổ chức rất nhiều ngày lễ lớn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm viếng đều có chung cảm nhận về sự linh thiêng và uy nghi của ngôi chùa nghìn năm tuổi.

Theo sử sách còn lưu, vua Tự Đức được coi là người đã có ý tưởng đổi tên chùa như ngày nay. Tên cũ của chùa là Vân Linh tự (nhằm ghi lại hình ảnh ngôi chùa nằm giữa ba bề bốn bên mây nước, đầm sen trắng). Với mong muốn đưa ngôi chùa linh thiêng này gần gũi hơn với người dân địa phương trong nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, vua Tự Đức đã trao tặng nhà chùa bức trướng “Cần Linh”. Từ đó, Linh Vân tự được đổi tên thành chùa Cần Linh.

ab

Người dân thành kính dâng hương tại đền Ông (đền Hồng Sơn), thờ đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo - Đại vương, Quốc công tiết chế)

Xuôi về hướng biển, chùa Phổ Nghiêm còn có tên là Hoàng Lao hay Trung Kiên, tọa lạc ở làng Trung Kiên (Nghi Thiết-Nghi Lộc). Ngược lên trên là chùa Chung Linh có từ lâu đời (khoảng 500 năm) tọa lạc trên núi Chùa (xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, Thanh Chương).

Rồi nguy nga còn đó là chùa Đại Tuệ, Ngôi chùa cổ này nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh (huyện Nam Đàn)...ra đất Diễn Châu, ta lại gặp chùa Cổ Am (Diễn Minh, Diễn Châu) nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai.

a
Nén tâm hương cầu phúc lộc an lành ngày mùng Một Tết tại đền Ông

Hàng ngàn người đến chùa, mỗi người một tâm niệm khác nhau nhưng chung quy vẫn là tấm lòng thiện nguyện của con người chốn trần gian hướng về cửa Phật. Chùa Cần Linh, đền Hoàng Mười, chùa Ân Hậu còn đơn sơ và ít vẻ cổ kính như những ngôi chùa lớn thường thấy.

Đến cửa chùa mỗi người quyển kinh Phật hoặc dăm câu thư pháp được chắt lọc từ đạo lý nhà Phật mang về treo trong nhà để mà suy ngẫm. Nhiều người còn nán lại một chút để thưởng thức bữa cơm chay đạm bạc mà tự nhủ phải biết hãm mình trước những đam mê phàm tục.

12
Gia đình anh Bùi Bằng Vinh (số 6 - đường Lê Hồng Phong cung kính lễ Phật).

Đi lễ đầu xuân không chỉ để thỏa cõi tâm linh, còn là dịp để du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân. Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp văn hóa, thể hiện ước mơ ngàn đời của mỗi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình.

1111
Người dân TP Vinh đến lễ chùa đầu năm.

Trần Hải

TIN LIÊN QUAN