Nghệ An: Hơn 900 trường học đạt chuẩn quốc gia

09/12/2015 11:02

(Baonghean.vn) - Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 900 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường chuẩn của tỉnh là hơn 60%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Nhiều điểm sáng

Cô Hồ Thị Ngương - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) cho biết: “Quỳnh Trang là một xã miền núi, nhiều khó khăn của TX. Hoàng Mai. Khó nhất là trường có nhiều điểm lẻ, giao thông cách trở, học sinh chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, khó có thể huy động xã hội hóa xây dựng trường... Việc không đủ trường lớp ảnh hưởng nhiều đến việc phổ cập giáo dục mầm non. 2 năm trở lại đây, chính quyền thị xã đã đầu tư hơn 9 tỷ đồng để xây dựng lại trường lớp. Hiện trường đã có đủ phòng học để tổ chức bán trú cho học sinh, hệ thống các phòng chức năng cũng đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đạt 100%, chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ được nâng cao..., đáp ứng yêu cầu trường chuẩn.

Phong học khang trang vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng của trường mầm non Quynh Trang (2)
Phòng học khang trang vừa được đưa vào sử dụng ở Trường mầm non Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai).

Ông Hồ Sỹ Nam Thắng - Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo, cho biết: “Sau khi chia tách, thị xã Hoàng Mai gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng trường chuẩn, bởi hơn 50% trường học trên địa bàn đều thuộc xã miền núi khó khăn. Hơn thế, trong điều kiện mới thành lập, nhu cầu xây dựng của thị xã nhiều, nhưng ngân sách có hạn... Để khắc phục khó khăn trên, thị xã Hoàng Mai khuyến khích các địa phương chủ động tìm vốn xây dựng trường, kêu gọi xã hội hóa và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư. Chính vì thế, sau hơn 2 năm, hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư, nâng cấp các phòng học tại Trường Tiểu học Quỳnh Phương B, Tiểu học Quỳnh Liên, Mầm non Quỳnh Lộc, Mầm non Quỳnh Văn B...

Theo kế hoạch của thị xã, trong năm 2015 và năm 2016 sẽ có thêm 4 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia. Thị ủy đã ban hành Chỉ thị 08 về tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Theo đó, yêu cầu các xã, phường xây dựng kế hoạch trường chuẩn quốc gia, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, hàng năm thị xã sẽ bố trí nguồn vốn hợp lý, cân đối lồng ghép nguồn vốn các xã, phường tập trung xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất trường học theo định hướng trường đạt chuẩn.

dsd
Trường tiểu học Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 900 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường chuẩn của tỉnh là hơn 60%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, có nhiều địa phương có tỷ lệ trường chuẩn rất cao là thị xã Cửa Lò 95,4%, Thái Hòa 81,3%, Quỳ Châu 81,1%, TP. Vinh 79%, Diễn Châu 76,8%.

“Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học mà quan trọng hơn là đã nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt, chủ trương này đã phát huy trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc huy động các nguồn lực cùng tham gia phát triển giáo dục và đào tạo”, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Những thách thức

Thực tế cho thấy, với một địa phương còn nhiều khó khăn như Nghệ An, đạt được tỷ lệ hơn 60% các trường học đạt chuẩn là một nỗ lực lớn. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đưa nội dung này vào nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh cũng đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, bố trí nguồn kinh phí cho việc thực hiện các chương trình, mục tiêu, đề án phát triển giáo dục trên địa bàn, cơ chế hỗ trợ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học. Trong 5 năm, tổng kinh phí huy động được từ sự ủng hộ của nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức, các dự án nước ngoài cho giáo dục và đào tạo lên đến 1.395,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác xây dựng trường chuẩn hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Không ít trường đã đạt chuẩn nhưng sau một thời gian lại xuống cấp, hư hỏng và nếu xét theo tiêu chí mới thì nay không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, để đạt được 100% trường chuẩn thì còn có nhiều bất cập.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên hiện nay cũng khó có thể đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Đơn cử, với bậc mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú quy định phải có tối thiểu 2 giáo viên/lớp và phải đồng bộ về cơ cấu. Trong khi đó, tỉnh chỉ cho phép bố trí biên chế giáo viên mầm non với tỷ lệ là 1,5 giáo viên/lớp, và thực tế các huyện mới bố trí 1,3 giáo viên/lớp nên một số trường mặc dù các tiêu chuẩn đã đạt nhưng không được công nhận vì tiêu chuẩn 2 chưa đạt.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Phấn đấu đạt tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ tất yếu của mỗi nhà trường và là cơ sở để các trường phát triển bền vững. Thời gian tới, để việc xây dựng trường chuẩn đạt hiệu quả thì các địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội để ưu tiên bố trí ngân sách, vốn và vận động mọi nguồn lực và lực lượng xã hội cùng tham gia”.

Theo thống kê toàn tỉnh, hiện chỉ riêng bậc mầm non, số lượng giáo viên/lớp còn thiếu nhiều so với quy định, trong đó thiếu 207 hiệu phó, 1.026 giáo viên và gần 300 nhân viên y tế, kế toán. Đến nay, bậc mầm non mới chỉ có 51% phòng học kiên cố, tiểu học là 59%, THCS là 78%. Trên 50% cơ sở giáo dục chưa có công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN