Đảm bảo lợi ích người lao động từ mức đóng BHXH mới

06/01/2016 16:24

(Baonghean) - Từ ngày 1/1/2016, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo cơ chế mới được quy định trong Luật BHXH 2014. Mức đóng tăng đồng nghĩa với quyền lợi của người lao động tăng, nhưng vẫn còn đó không ít băn khoăn…


Lo doanh nghiệp "lách" luật

Theo quy định của Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2016 đến hết năm 2017, mức đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ ngày 1/1/2018, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hằng tháng.

Khi được hỏi về quy định mới tăng mức đóng, chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, trú ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên), làm việc tại Công ty Matrix ở Khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết: “Tăng tiền và thời gian đóng BHXH nhưng liệu chúng tôi có được hưởng lợi thực sự hay không? Thu nhập của tôi hiện chỉ khoảng hơn 2,5 triệu đồng/tháng, nếu tăng tiền đóng nữa thì thật sự đời sống rất khó khăn. Ngoài ra, giả sử tiền lương hưu tăng thì liệu có bù đắp được chi phí sinh hoạt hằng ngày khi giá cả tăng cao hay không?”.

Còn anh Hồ Ngọc Quý (26 tuổi, trú ở xã Nghi Phú, thành phố Vinh), công nhân ở Khu Công nghiệp Nam Cấm chia sẻ: “Qua báo, đài, tôi cũng biết việc thay đổi cách đóng BHXH khiến cho các quyền lợi, chế độ cho người lao động chúng tôi được đảm bảo hơn, nhưng lại lo là doanh nghiệp sẽ tìm cách lách luật, cắt các phụ cấp của công nhân, thu nhập giảm đi hoặc doanh nghiệp trốn đóng BHXH thì chúng tôi sẽ rất thiệt thòi”.

Công nhân làm việc tại Công ty Haivina Kim Liên - đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH
Công nhân làm việc tại Công ty Haivina Kim Liên - đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH

Về phía các doanh nghiệp, không ít đơn vị bày tỏ băn khoăn trước quy định mới về mức đóng BHXH. Ông Từ Thái – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 419 cho biết: “Việc thay đổi này có lợi hơn đối với người lao động, nhưng lại tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp khi phải chịu tác động kép: Tăng lương tối thiểu vùng hàng năm và mức đóng BHXH mới. Hiện nay, công ty có hơn 400 lao động, nếu tính theo cách đóng mới thì mỗi công nhân công ty phải bù thêm hơn 700.000 đồng/tháng đóng BHXH, cùng với phần đóng chênh lệch tăng lương tối thiểu vùng, 2% kinh phí công đoàn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện chúng tôi vẫn chưa có giải pháp nào. Nhưng khi luật đã có hiệu lực thì chúng tôi cũng phải cố gắng thực hiện, đến đâu tính đến đó”.

Theo số liệu thống kê từ Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến hết tháng 11/2015, có 1.463 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ lên tới hơn 169 tỷ 422 triệu đồng. Trong bối cảnh còn nhiều doanh nghiệp còn nợ BHXH thì việc tăng mức đóng khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Bà Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết: “Kinh tế ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp của Nghệ An phải cạnh tranh khốc liệt, không chỉ trong tỉnh với nhau mà cả với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Thực tế, một số doanh nghiệp còn nợ BHXH, bây giờ tăng mức đóng lên thêm nữa thì chi phí sẽ tăng và các khoản phụ cấp dành cho người lao động có nguy cơ bị cắt bớt”.

Đảm bảo lợi ích cho người lao động

Tuy nhiên, có rất nhiều người lao động tán thành việc áp dụng quy định về mức đóng BHXH mới theo Luật BHXH sửa đổi, đặc biệt là những lao động có mức thu nhập cao, ổn định. Anh Doãn Văn Bình, 32 tuổi - nhân viên kinh doanh của một Công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: “Tôi làm công việc này được 8 năm với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Nếu tính thêm phụ cấp thì tổng thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trích đóng quỹ BHXH, với mức đóng cao nên lương hưu mà tôi được hưởng sẽ khá cao, như vậy, rõ ràng có lợi cho người lao động”.

Lãnh đạo BHXH tỉnh trao đổi với các doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN
Lãnh đạo BHXH tỉnh trao đổi với các doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN

Theo ông Ngô Ngọc Thanh - Trưởng phòng Khai thác và thu nợ - BHXH Nghệ An, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp có 2 bảng lương, 1 bảng lương làm căn cứ đóng thuế và 1 bảng lương để tính đóng BHXH. Thường thì mức lương cơ bản để tính đóng BHXH thấp hơn rất nhiều so với thu nhập thực tế, chỉ ngang bằng hoặc cao hơn rất ít so với mức lương tối thiểu vùng. Chính việc áp dụng mức đóng như thế này đã kéo việc hưởng chế độ thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp và lương hưu của người lao động không được đảm bảo.Tuy áp dụng cách đóng BHXH mới ít nhiều sẽ tạo áp lực, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng ngược lại sẽ giúp người lao động khi về hưu được hưởng lương hưu cao hơn, đảm bảo cuộc sống của họ.

Theo Luật BHXH sửa đổi, ngoài thay đổi mức đóng BHXH, các chế độ tai nạn lao động, ốm đau, thai sản, thất nghiệp cũng sẽ cao hơn, có lợi cho người lao động như: Người lao động bị tái phát thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định mức suy giảm sức khỏe làm căn cứ hưởng chế độ BHXH và được Quỹ BHXH thanh toán phí giám định y khoa; người lao động được quản lý sổ BHXH của mình để theo dõi quá trình đóng, hưởng BHXH (trước đây người sử dụng lao động quản lý); định kỳ 6 tháng/lần người sử dụng lao động có trách nhiệm thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động...

Như vậy, có thể thấy rõ, quy định mới về mức đóng BHXH rõ ràng mang lại lợi ích cho người lao động. Tuy vậy, cũng cần cân nhắc về cách thức, lộ trình thực hiện, bởi nếu không quản lý chặt thì doanh nghiệp sẽ “lách”, không khai đúng các khoản phụ cấp tại đơn vị và cuối cùng thiệt thòi thuộc về người lao động.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Trường Giang – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Hiện nay, trong các doanh nghiệp, người lao động có nhiều loại phụ cấp và việc thu BHXH từ sau phụ cấp nào vẫn chưa có thông tư hướng dẫn từ BHXH Việt Nam nên chúng tôi phải chờ.

Mức BHXH mới
Mức BHXH mới giúp người lao động khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu cao hơn. (Ảnh: Chi trả lương hưu tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn)

Tuy nhiên, chắc chắn từ sau năm 2018, mức đóng BHXH sẽ tính trên tổng thu nhập gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Do đó, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần phải tiết kiệm các chi phí để tăng lương và đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động bởi họ chính là nguồn lực quan trọng để tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Về phía cơ quan BHXH sẽ tiếp tục đổi mới cách làm việc, đơn giản thủ tục hành chính lẫn thái độ phục vụ để tạo thuận tiện cho cả người lao động và doanh nghiệp”.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố Thông tư 59/2015/ TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:

Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ LĐ-TB&XH dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).

Về phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.


Điểm lưu ý mới của quy định cho thấy, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ Luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2016.

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN