Tục "bắt vợ" bị biến tướng

24/02/2016 08:28

(Baonghean)-Đã thành lệ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các trường học vùng cao lại “nóng” chuyện học sinh bỏ học… để kết hôn. Đặc biệt, nhiều nữ sinh dang dở việc học hành bởi phong tục “bắt vợ” bị biến tướng...

Những câu chuyện buồn

Trong những ngày đầu Xuân, khi hoa rừng đua nở, làng bản nhộn nhịp tiếng khèn, cồng chiêng báo hiệu mùa gặp gỡ, hẹn hò lứa đôi cũng là thời điểm thuận lợi để dựng vợ, gả chồng. “Trộm vợ” là phong tục của đồng bào dân tộc Thái, Mông thể hiện sự tự do hôn nhân, để những đôi trai gái nghèo yêu nhau đến với nhau, bỏ qua nghi thức thách cưới hay cản trở từ gia đình. Theo quan niệm từ xa xưa, “bắt vợ” cũng là thử thách sự mưu trí, lòng dũng cảm, sự chân thành của các chàng trai với người yêu. Trải qua thời gian, phong tục đẹp này phần nhiều bị biến tướng, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Do đó, nhiều nữ sinh đang ở độ tuổi 15, 16 đã phải đảm đương vai trò làm vợ, làm mẹ. Chưa kể, nhiều em bị bắt về làm vợ khi không có tình cảm, lấy chồng rồi phải bỏ học để làm lụng, sinh con.

Tục bắt vợ của đồng bào Mông -Ảnh minh họa
Tục bắt vợ của đồng bào Mông -Ảnh minh họa

Chúng tôi đến Trường THPT Quỳ Hợp 3 khi cô Quán Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp vừa trở về từ nhà của học sinh H.T.N để thuyết phục gia đình chồng cho em trở lại trường. Tròn 15 tuổi, Hà Thị N là học sinh chăm ngoan, học lực khá, được thầy, cô, bạn bè yêu mến. Cả lớp đều bất ngờ vì từ trước Tết vài ngày, N bất ngờ bỏ học không xin phép, đến nay vẫn chưa đến trường. Qua kiểm tra, được biết, ngày 31/1 (tức ngày 22/12 âm lịch) vừa qua, N đã “bị bắt” theo tục trộm vợ của đồng bào Thái. Tuy đã báo với “ma nhà chồng”, nhưng N không muốn ở nhà làm vợ, làm nương rẫy, sinh con, em khao khát được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. N tâm sự trong nước mắt: “Em chưa sẵn sàng cho việc lấy chồng, sinh con. Em nhớ các bạn và cô giáo, muốn đi học mà nhà chồng ngăn cấm không cho đi”. Giáo viên chủ nhiệm, cô Quán Thị Vân đã nhiều lần đến nhà chồng và bố mẹ đẻ của N để thuyết phục. Cô cho biết: “Đồng bào Thái ở đây quan niệm “trộm vợ” là phong tục đẹp của tổ tiên. Cô gái nào bị trộm về làm vợ người ta thì phải nghe theo nhà chồng, sinh con nối dõi cho nhà chồng chứ người ngoài không can thiệp. Nếu gia đình chồng không chấp nhận cho con dâu đi học tiếp thì phải bỏ học”.

Còn em V.T.V (xã Châu Thái) cũng bị ép buộc bỏ học lấy chồng. V là học sinh giỏi, ngoại hình xinh xắn nên được nhiều trai bản để ý. Kết thúc kỳ nghỉ Tết, V bị V.X.Đ (xã Châu Thành), học sinh cùng trường bắt về làm vợ trong một lần đi chơi. Sau lần đó, cả hai em đều bỏ học. Hủ tục “trộm vợ” cùng những định kiến từ gia đình nhà chồng khiến các em phải dang dở chuyện học hành để lo việc nhà, sinh con nối dõi. Em Vi Thị V nói: “Ở đây nhiều bạn 16 tuổi đã có con, nhà chồng em chỉ muốn em ở nhà làm nương rẫy, chăm sóc gia đình và sinh con”.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thầy Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3, cho biết: Nhà trường đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động các gia đình, học sinh nhằm giảm tải tình trạng bỏ học, nạn tảo hôn. Vào giờ chào cờ và các tiết sinh hoạt lớp, thầy, cô phổ biến thông tin cho học sinh về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục giới tính, sinh sản. Ngoài ra, trường cũng phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Quỳ Hợp, Hội Phụ nữ xã Châu Quang tổ chức các câu lạc bộ bạn gái, cuộc thi về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; tổ chức cho gia đình và học sinh ký cam kết thực hiện hôn nhân đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do lối suy nghĩ mang đậm ý thức cổ hủ, lạc hậu của đồng bào; đặt nặng vấn đề sinh con nối dõi nên khi con cái đến tuổi 15 thì bắt đầu muốn dựng vợ, gả chồng.

Một giờ học phổ biến kiến thức hôn nhân, sức khỏe sinh sản cho học sinh tại trường THPT Quỳ Hợp 3.
Một giờ học phổ biến kiến thức hôn nhân, sức khỏe sinh sản cho học sinh tại trường THPT Quỳ Hợp 3.

Ngoại trừ trường học, vai trò của những người có uy tín như già làng, trưởng bản chưa được phát huy cao trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình đến từng hộ dân. Bên cạnh đó, sự nới lỏng trong giám sát thi hành quy định pháp luật về hôn nhân tại địa phương cũng là một “khoảng trống” để nạn tảo hôn tiếp diễn suốt nhiều năm qua. Bà Phan Thị Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Quỳ Hợp cho biết: “Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hạnh phúc gia đình, kéo theo hệ lụy: Bạo lực gia đình, thất nghiệp, đói nghèo, chất lượng giống nòi thấp, sinh đẻ nhiều con không có kế hoạch, không đủ điều kiện nuôi dạy con… Tảo hôn sẽ tiếp tục tạo nên các vòng luẩn quẩn, làm trì trệ sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không có sự quan tâm đúng mức, vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành lẫn nhân dân, không chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thì rất khó giảm thiểu tảo hôn”.

Trước thực trạng này, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận cao của nhân dân, từ già làng, trưởng bản đến nhà trường, các gia đình. Ngoài ra, phải thực hiện đồng bộ các biện pháp mạnh trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn, bỏ học sinh con.

Hoàng Vân

TIN LIÊN QUAN