Muốn năng suất lao động cao, Việt Nam cần đột phá những gì?

27/12/2015 08:04

Để tăng năng suất lao động, Việt Nam cần tập trung đầu tư vốn, công nghệ và con người.

Thời gian qua, vấn đề năng suất lao động được Chính phủ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm do đây là yếu tố tác động quan trọng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và mức sống của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện năng suất lao động thì Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người.

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có sự cải tiến năng suất đáng kể, tăng hơn 3%/năm, tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Khoảng cách năng suất lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN đang được thu hẹp dần. Tuy nhiên, khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa.

Doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vốn, khoa học công nghệ và nâng cao trình độ người lao động
Doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vốn, khoa học công nghệ và nâng cao trình độ người lao động

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam cho biết: Để nâng cao năng suất, nhiều nước trên thế giới tập trung nâng cao năng suất tổng hợp như: tăng cường độ vốn, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Việt Nam là nước đang phát triển nên ở giai đoạn này, tăng cường vốn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để phát triển kinh tế một cách bền vững và đảm bảo bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật, chất lượng lao động và hiệu quả phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế.

Ông Tuấn cũng cho rằng, đầu tư cho khoa học, công nghệ là điểm mấu chốt, tỷ lệ thuận với kết quả năng suất lao động quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam đều nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng lại thường gặp khó khăn về vốn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nói: “Nếu chúng ta có nhiều ngành nghề năng suất thấp, sử dụng lao động nhiều, giá trị làm ra thấp thì chắc chắn năng suất lao động của toàn xã hội thấp. Vì vậy, cường độ vốn phải đầu tư cho những thiết bị có năng suất cao và phải nâng cao trình độ quản lý, thúc đẩy hoạt động cải tiến trong doanh nghiệp để có những hoạt động để làm sao doanh nghiệp tự hào là mình làm tốt nhất thì chắc chắn năng suất Việt Nam sẽ tăng lên”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, muốn tăng năng suất lao động thì cần phải tái cơ cấu và tập trung vào những ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Hiện nay, trong ngành công nghiệp, Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào công nghiệp gia công, công nghiệp khai khoáng và xây dựng cơ bản mà rất ít đầu tư thiết bị.

Ngành nông nghiệp vẫn chủ yếu lao động chân tay và phát triển sản xuất hộ gia đình. Ngành dịch vụ cũng có giá trị gia tăng thấp. Một trong những giải pháp cải thiện năng suất lao động chung của toàn xã hội là chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao.

Ngoài chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện năng suất lao động cần thông qua chất lượng nguồn nhân lực. Đối với người lao động, ngoài việc nâng cao trình độ và kỹ năng nghề, người lao động phải được đánh giá công bằng, trả lương công bằng, đối xử công bằng. Họ cũng cần được khuyến khích để đưa ra những ý tưởng sáng tạo trong doanh nghiệp, cơ quan. Bên cạnh đó, cải thiện năng suất lao động cần gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao:

“Trong công nghiệp, chúng ta đã có định hướng rất đúng đắn là hỗ trợ mạnh cho phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là những ngành có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cũng cần phát triển mạnh công nghệ thông tin. Bên cạnh đấy, ngành công nghệ chế biến và công nghệ chính xác cũng rất cần thiết.

Ngành Nông nghiệp cần tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, bao gồm từ khâu giống đến các quy trình công nghệ và đặc biệt là công nghệ chế biến các sản phẩm. Dịch vụ thì nên tập trung vào các ngành ngân hàng, tài chính, viễn thông…, những ngành mà ở đó đòi hỏi các công nghệ cao, tạo ra những giá trị rất cao” - chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Một trong những yếu tố góp phần tăng năng suất lao động là người lao động. Cùng với số lượng nguồn nhân lực như nhau, nếu có những điều kiện trang bị phương tiện sản xuất tốt hơn, người lao động có thể tạo ra nhiều hơn của cải vật chất, làm tăng năng suất lao động.

Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, khi muốn tăng năng suất lao động, công nghệ và kỹ năng của người lao động là 2 yếu tố luôn được tính đến.

Muốn người lao động có trình độ tay nghề tốt phải thông qua đào tạo: “Lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ và tác động trực tiếp đến năng suất lao động. Chúng tôi cũng cho rằng, nếu như đào tạo nghề cũng được quan tâm và được đầu tư đúng mức thì có thể góp phần rất lớn vào việc nâng cao năng suất lao động. Đến nay, việc đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề chỉ chiếm khoảng 9% tổng ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo”.

Từ năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó có nội dung trọng tâm là thúc đẩy áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất tại doanh nghiệp.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, tạo động lực để khẩn trương nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN