Lệnh ngừng bắn Syria có tiếp tục "lỡ hẹn"?
(Baonghean) - Sau thời hạn 1 tuần theo thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Munich, Đức trôi qua mà không được thực hiện, Nga và Mỹ vừa đưa ra tuyên bố chung ấn định thời điểm mới cho lệnh ngừng bắn tại Syria: 27/2. Dư luận hy vọng lệnh ngừng bắn tại Syria lần này sẽ không chỉ là những thỏa thuận trên giấy.
Quyết tâm cao của 2 “ông lớn”
Sau 2 ngày liên tiếp trao đổi qua điện thoại của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, 2 bên đã đi tới một thỏa thuận tạm thời về lệnh ngừng bắn ở Syria. Ông Kerry cho rằng thoả thuận này mang ý nghĩa “tiến gần hơn đến việc chấm dứt chiến sự hơn bao giờ hết”. Mặc dù vậy, chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra ngay sau đó bởi sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chưa có sự đồng ý của các bên liên quan đang trực tiếp tham chiến tại Syria.
Nga – Mỹ quyết tâm thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria. Nguồn: AFP |
Phải đến ngày 22/2, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm để làm rõ một số chi tiết, bản tuyên bố chung mới được công bố với thời hạn triển khai lệnh ngừng bắn là 0h ngày 27/2.
Những lực lượng đồng ý tham gia lệnh ngừng bắn phải dừng việc sử dụng vũ khí, dừng tấn công để giành lấy các vùng lãnh thổ, cho phép sự tiếp cận “nhanh chóng, an toàn và không bị cản” của các phái đoàn hỗ trợ nhân đạo tại vùng lãnh thổ mình chiếm đóng.
Điểm mấu chốt trong thỏa thuận mới giữa Nga và Mỹ là đã vạch rõ những vùng lãnh thổ sẽ thực thi lệnh ngừng bắn, loại trừ một số khu vực mà Nga, Mỹ và quân chính phủ đang không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Do quan điểm đan xen phức tạp của các phe phái tại Syria, sự trao đổi và phối hợp hành động giữa Nga và Mỹ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai lệnh ngừng bắn mới.
Vũ khí của các phe phái tại Syria không được sử dụng trong vùng thực thi lệnh ngừng bắn. Nguồn: RT |
Theo thỏa thuận, bất cứ hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn nào, của bất cứ bên nào sẽ được báo cáo qua đường dây nóng cho một lực lượng đặc biệt do cả Nga và Mỹ điều hành. Lực lượng này có quyền hạn xác định ai sẽ không còn được coi là một bên của thỏa thuận và sẽ đối mặt với nguy cơ bị tấn công quân sự mà không được Nga hay Mỹ “bảo vệ”.
Như vậy so với bản thỏa thuận đã đạt được trước đó tại Munich (Đức), lần này Nga, Mỹ đồng ý đóng vai trò giám sát và “bảo lãnh trực tiếp” trong việc thi hành lệnh ngừng bắn, thay vì vai trò tham vấn như trước đây.
Thấp thỏm chờ đợi
Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin tuyên bố rằng thỏa thuận giữa Nga và Mỹ sẽ “thay đổi về gốc rễ” cuộc khủng hoảng đã kéo dài 5 năm tại Syria. Trước đó, Nga cũng công khai cảnh báo chính quyền Syria tại Liên hợp quốc rằng ông Assad “có thể phải đối mặt với nhiều hệ quả xấu nếu không tuân thủ đề nghị của Moscow liên quan đến tiến trình hòa bình”.
Một dấu hiệu tích cực ngay lập tức được gửi đi khi ông Assad hôm 22/2 cho biết quân đội Syria sẽ thực thi lệnh ngừng bắn nếu các phần tử khủng bố không lợi dụng tiến trình này để tăng cường sức mạnh - một thay đổi đáng kể về mặt quan điểm.
Phần việc của Mỹ hiện có vẻ khó khăn hơn so với Nga khi phe đối lập đã nói rõ quyết tâm chiến đấu chống lại quân chính phủ. Lực lượng đối lập ở Syria là một tập hợp các phe phái khá “hỗn tạp” với những quan điểm, lợi ích đan xen phức tạp. Mỹ chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong nhận được sự đồng thuận của lực lượng này.
Hơn nữa, những đồng minh của Mỹ tại khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi - từng nhiều lần nhắc tới khả năng can thiệp quân sự vào Syria - cũng có tính toán phức tạp hơn so với “phe" Nga - Iran - chính quyền Assad.
Cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại Syria có thực sự tiến gần đến hồi kết? Ảnh: AFP. |
Điều quan trọng nhất mà dư luận quan tâm là liệu lệnh ngừng bắn có là tiền đề đưa các bên trở lại bàn đàm phán tại Montreux (Thụy Sĩ) hay không, bởi bài toán Syria chỉ có thể khép lại bằng một giải pháp chính trị.
“Cuối cùng, một cơ hội thực sự để kết thúc những năm bạo lực đẫm máu tại Syria cũng đã tới”.
Dư luận đang chờ đợi câu nói này của Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành hiện thực.
Thuý Ngọc
TIN LIÊN QUAN |
---|