Học càng cao, thất nghiệp càng nhiều

25/12/2015 07:55

Theo Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, số liệu việc làm quý 3/2015 cho thấy, lao động có bằng cấp càng cao thất nghiệp càng nhiều.

Một buổi tư vấn, giới thiệu việc làm
Một buổi tư vấn, giới thiệu việc làm

Chiều 24/12, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 3/2015. Theo đó, trong quý cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó, có hơn 483 nghìn người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật.

Đặc biệt, trong số lao động có chuyên môn, người có bằng đại học trở lên thất nghiệp chiếm số lượng lớn nhất, với 225,5 nghìn người (chiếm 20%, tăng 26,1 nghìn người so với quý trước). Xếp ngay sau là người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, với 117,3 nghìn người thất nghiệp (chiếm 10,4%, tăng 24,1 nghìn người so với quý trước). Trong khi đó, nhóm lao động học nghề dưới 3 tháng, trung cấp và cao đẳng nghề thất nghiệp ít nhất.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận xét: “Càng học lên cao thất nghiệp càng nhiều, nên nói chúng ta vẫn trọng bằng cấp cũng không sai. Điều này cần được cảnh báo”.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Nguồn cung lao động có bằng cấp cao đang dư thừa so với nhu cầu, đặc biệt ngành nhiều người thích học như tài chính, kế toán. Trong khi đó, lao động qua học nghề lại thiếu, đặc biệt lao động nghề bậc trung ở ngành kỹ thuật, điện, điện tử và xây dựng.

“Khi tôi gặp lãnh đạo các trường nghề, họ đều nói các ngành kỹ thuật, điện, điện tử các em không thích học, nên không có học sinh để đào tạo. Chúng ta phải điều chỉnh tốt hơn phân luồng đào tạo”, TS Hương nói.

Ngoài ra, theo TS Hương, việc các trường đại học hạ điểm để “vợt” thí sinh khiến nguồn vào của các trường nghề thiếu hụt, nên cần thay đổi.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, quý 3 vừa qua, số liệu về tạo việc làm, tiền lương đều tăng khá tốt nhờ kinh tế phục hồi (đặc biệt ngành nghề nhiều lao động như công nghiệp, xây dựng và dịch vụ). “Năm nay doanh nghiệp sẽ có nguồn để giải quyết tốt hơn lương, thưởng cho người lao động. Đồng thời, sau Tết, tỷ lệ bỏ việc khả năng sẽ ít hơn các năm trước”, TS Hương nói.

Trong quý 3/2015, cả nước đã tạo thêm hơn 637 nghìn việc làm mới, nâng số người có việc làm cả nước lên hơn 53 triệu người, với mức lương tháng khoảng 4,61 triệu đồng. Lao động làm việc trong khu vực nhà nước tiếp tục dẫn đầu về thu nhập, với mức bình quân 6,16 triệu đồng/tháng; thu nhập thấp nhất thuộc lao động khu vực hợp tác xã, chỉ 2,98 triệu đồng/tháng.

Theo Tienphong

TIN LIÊN QUAN