Nghệ An đang dôi dư hơn 1.500 giáo viên

16/12/2015 09:25

(Baonghean) - Theo chỉ tiêu của tỉnh, ngành Giáo dục Nghệ An hiện đang dôi dư hơn 1.500 giáo viên nhưng nếu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tỉnh vẫn đang thiếu 1.426 giáo viên.

Ngoài nguyên nhân số lượng học sinh và quy mô trường lớp ở Nghệ An giảm mạnh trong những năm qua, việc tuyển dụng không được tính toán cụ thể, không đúng với nhu cầu thực tế, nên dẫn đến “tốc độ” thừa giáo viên ồ ạt.

Chuyển giáo viên tiểu học, THCS dạy mầm non

Trường Mầm non Sơn Hải (Quỳnh Lưu) năm nay có 2 giáo viên mới chuyển từ trường tiểu học xuống giảng dạy. Đây là những giáo viên mới được thuyên chuyển theo Quyết định số 7448/QĐ-UBND của UBND tỉnh về luân chuyển giáo viên mầm non. Nhờ đủ giáo viên nên công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi ở Sơn Hải được thuận lợi.

Giờ học ngoại khóa ở Trường Mầm non Sơn Hải (Quỳnh Lưu)
Giờ học ngoại khóa ở Trường Mầm non Sơn Hải (Quỳnh Lưu).

Tuy nhiên, theo cô giáo Phạm Thị Đào, Hiệu trưởng nhà trường: Giáo viên mầm non có những đặc thù riêng. Bên cạnh trình độ còn đòi hỏi năng khiếu và kỹ năng sư phạm. Việc tuyển giáo viên tiểu học và trung học cơ sở xuống thì không phải ai cũng đáp ứng được.

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: "Hiện nay, giáo viên ở Nghệ An dôi dư nhiều là tính theo chỉ tiêu của tỉnh. Còn nếu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bậc tiểu học sẽ còn thiếu 1.426 giáo viên, bậc THCS nếu dạy học 2 buổi/ngày mới cơ cấu đủ. Ngành đang tính toán để cân đối giáo viên, để không xảy ra tình trạng tuyển dụng sai, ồ ạt. Đồng thời khuyến khích giáo viên đi học thêm văn bằng để có thể đáp ứng việc dạy tích hợp, chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa sẽ được thực hiện trong vài năm tới”.

Đợt tuyển dụng vừa rồi, toàn huyện Quỳnh Lưu đã thuyên chuyển 30 giáo viên ở bậc tiểu học và THCS xuống giảng dạy ở các trường mầm non. Vì vậy, đã góp phần quan trọng giảm số lượng giáo viên dôi dư của huyện từ hơn 100 người xuống còn 67 người.

Tuy nhiên, để việc triển khai được thuận lợi, ngành giáo dục huyện nhà đành chấp nhận “làm ngược” với quy định. Nói về điều này, ông Võ Minh Kỳ - Trưởng phòng Giáo dục huyện cho rằng: Chúng tôi biết để tuyển dụng giáo viên mầm non thì yêu cầu tối thiểu phải đủ điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ (trình độ trung cấp). Nhưng nếu như vậy thì đòi hỏi thời gian. Vì vậy, chúng tôi đành phải tuyển dụng trước, sau khi trúng tuyển sẽ cho các giáo viên đi học, bồi dưỡng nâng cao trình độ... Về phía các nhà trường, nếu các giáo viên chưa đủ điều kiện đứng lớp sẽ sắp xếp để các giáo viên làm công việc chăm sóc trẻ.

Tìm hiểu ở huyện Đô Lương chúng tôi được biết, hiện toàn huyện đang còn 143 giáo viên hợp đồng. Nhiều năm nay, các giáo viên này đều đang hưởng lương phụ cấp rất thấp, bằng với mức lương cơ bản. Nhiều giáo viên dù đã đi dạy 8 - 9 năm, nhưng vẫn không được tăng lương theo định kỳ, không có lương vào những tháng hè. Như ở Trường Tiểu học Tràng Sơn, hiện có 3 cô giáo đều đã có thời gian công tác trên 5 năm và là giáo viên dạy giỏi huyện nhưng vẫn chưa được vào biên chế. Để trả lương cho giáo viên, nhà trường phải tự cân đối vào số tiền dạy học 2 buổi/ngày...

Thời gian qua, huyện Đô Lương đã luân chuyển giáo viên và hàng năm đều cố gắng sắp xếp cho những trường vùng xa, vùng khó, không phải tiếp nhận giáo viên hợp đồng. Tuy vậy, việc luân chuyển cũng gặp không ít khó khăn và để đảm bảo tính công bằng là điều không dễ dàng.

Giờ học của các cháu Trường Mầm non Thị trấn Anh Sơn
Giờ học của các cháu Trường Mầm non Thị trấn Anh Sơn

Tại huyện Anh Sơn, 10 năm nay, quy mô trường lớp đã giảm 10 trường với gần 10.000 học sinh. Điều này, dẫn đến số lượng giáo viên dôi dư của huyện còn trên 200 người. Bên cạnh đó, huyện Anh Sơn còn phải tiếp nhận 88 giáo viên vùng cao về mà tỉnh lại không cho thêm biên chế. Ông Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết: Giáo viên hợp đồng quá nhiều thiệt thòi bởi dù mỗi năm huyện đã trích hơn 6 tỷ đồng để trả lương cho giáo viên, nhưng cũng chỉ đảm bảo trả đủ lương cơ bản với mức lương rất thấp và không được tăng lương theo thời hạn. Nghịch lý nữa đó là thừa thiếu giáo viên cục bộ, dẫn đến huyện khó có cơ hội tuyển dụng được giáo viên giỏi.

Bài toán khó giải

Theo thống kê của Sở Nội vụ, ngành Giáo dục Nghệ An hiện đang dôi dư hơn 1.500 giáo viên. Để giải quyết vấn đề dôi dư giáo viên, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 30 về tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng trong các cơ quan đơn vị. Yêu cầu các huyện rà soát để chấm dứt hợp đồng lao động đối với các cá nhân mà đơn vị không có nhu cầu, không có nguồn thu. Bên cạnh đó, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã xây dựng đề án giải quyết giáo viên, nhân viên dôi dư trong ngành Giáo dục và hiện đã có 12/21 huyện, thành, thị đã xây dựng đề án và triển khai thực hiện đề án. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều khó khăn.

Trường Tiểu học Hưng Thông
Giờ học ở trường Tiểu học Hưng Thông (Hưng Nguyên)

Tìm hiểu tại huyện Hưng Nguyên, một trong những huyện sớm xây dựng đề án “giải quyết tình trạng giáo viên, nhân viên dôi dư, thừa thiếu cục bộ” cho thấy có nhiều giải pháp không thể giải quyết “một sớm một chiều”. Ví dụ, toàn huyện đang thừa cục bộ 175 giáo viên tiểu học và THCS, chủ yếu là các môn văn hóa. Nhưng ngược lại lại đang thiếu 42 người ở các môn Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh. Huyện đã tạo điều kiện cho các giáo viên đi học chuyển đổi nhưng không thể đi đồng loạt. Hoặc vì số lượng các môn học không đồng đều nên để sắp xếp bố trí lớp học gặp khó khăn. Việc thừa thiếu cục bộ cũng dẫn đến những bất cập bởi chất lượng giáo viên không đảm bảo. Trong khi đó, rất nhiều sinh viên giỏi, mới ra trường có trình độ, có chuyên môn lại không có cơ hội được tuyển dụng.

Nguyên nhân của sự dư thừa giáo viên ở Nghệ An được nhận định là do số lượng học sinh và quy mô trường lớp giảm mạnh trong những năm qua. Ngoài ra, từ 1996 đến 2004, việc tuyển dụng không được tính toán cụ thể, không đúng với nhu cầu thực tế, nên dẫn đến “tốc độ” thừa giáo viên ồ ạt.

Ở nhiều địa phương khác, cách giải quyết bài toán “dôi dư” đó là bố trí giáo viên làm việc tại các trung tâm học tập cộng đồng, cử đi học văn bằng 2 tin học và ngoại ngữ; học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, thuyên chuyển bố trí đến công tác ở cấp học còn thiếu giáo viên (tiểu học, mầm non…), tinh giản biên chế theo Nghị định 108... Mới đây UBND tỉnh cũng đã có chủ trương thuyên chuyển giáo viên ở bậc THCS và tiểu học xuống bậc mầm non, tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì vướng các văn bản, điều kiện. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể hoặc xây dựng cơ chế thích hợp để các địa phương có kế hoạch thuyên chuyển, luân chuyển giáo viên.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN