"Trăm năm trong cõi người ta..."

09/02/2016 22:29

(Baonghean) - Ai trong chúng ta, không từng nghe bà, nghe mẹ ru câu ấy trong đời. Bà ta, mẹ ta, áo nâu phơ phất, miệng ấm mùi trầu, cúi xuống bên cánh võng, đung đưa nhè nhẹ giấc ngủ con thơ và cất lời “trăm năm”. Trăm năm, ngàn năm, hay mãi mãi sau này, thì “Kiều” của Nguyễn Du vẫn là lời thân phận.

Bởi khi cất lời ru ấy, mẹ ta, bà ta như đang giãi bày, như đang trút bỏ, như đang tự soi tấm gương mà thấy mình trong đó, như được đồng cảm, như được nâng đỡ… Tài và Tình đến thế là cụ Nguyễn, như có con mắt thấu suốt trăm năm, như có trái tim đau cùng vạn kiếp.

Ru cháu bằng câu Kiều (Ảnh Internet)
Ru cháu bằng câu Kiều (Ảnh Internet)

Bà tôi, một người đàn bà suốt đời sống cảnh tha hương, những khi cô đơn cùng cực nhất, những khi khổ đau bất hạnh nhất, cũng chỉ có câu Kiều mà khuây bớt, mà vươn dậy. Tôi đã thường thiếp đi trên tấm mền cũ kĩ của căn buồng tối, nơi đầu giường, dưới lớp chiếu, là cuốn Truyện Kiều đã cũ nát không biết bà ngoại có được tự bao giờ. Bà đã giữ cuốn sách ấy như giữ một báu vật…

Bà tôi học cũng chỉ đủ biết mặt chữ, biết đánh vần, không hiểu nhiều những từ Hán Việt được dùng trong thi phẩm của cụ Nguyễn, nhưng lại thuộc nằm lòng 3.254 câu Kiều. Và dù thuộc hết Truyện Kiều, dù không đọc thạo chữ, thì lúc nào bà cũng giữ cuốn Truyện Kiều cũ nát ấy nơi đầu giường. Có đôi lúc, tôi thấy, bà đã nâng cuốn sách ấy trên tay, chạm vào từng dòng chữ như để nguyện cầu. Tôi đã cố hiểu một điều gì đó trong đôi tay gầy và mái tóc lau trắng đang cúi xuống nhẹ rung… Có những nỗi niềm thầm kín của người đàn bà nước Việt suốt cuộc đời lặng lẽ, hy sinh, chỉ những trang Kiều mới hiểu. Trong bài thơ tôi viết tặng bà, câu thơ đã buột ra khi tôi nhớ về hình ảnh ấy: “Bà còng lưng gánh một câu Kiều”

Sau này, lớn lên, tôi được học, được đi, được gặp rất nhiều người mê đắm “Kiều” của cụ Nguyễn và dành cho đại thi hào niềm tôn kính đặc biệt. Không kể đến các nhà nghiên cứu văn học như GS. Lê Đình Kỵ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, Phạm Đan Quế, nhà thơ Vương Trọng, các chuyên gia về ngôn ngữ học như GS.TS Nguyễn Tài Cẩn, mà còn là rất nhiều những người người bình thường, giản dị khác. Những người đàn bà quê “không biết chữ, nhưng Truyện Kiều đọc ngược”. Những thầy giáo có thể giảng “Kiều” đến quên cả thời gian.

Như thầy giáo dạy văn Nguyễn Thế Quang (nguyên là giáo viên trường Huỳnh Thúc Kháng, hiện sống tại TP Vinh) khi rời bục giảng đã trở thành nhà văn từ cuốn tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Du” (xuất bản lần đầu năm 2010) viết về cuộc đời cụ Nguyễn. Để viết được “Nguyễn Du”, nhà giáo Nguyễn Thế Quang đã không quản đến bao nhiêu khó khăn đặc biệt là về sức khỏe, để tìm hiểu, nghiền ngẫm tài liệu liên quan và đi hết các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Huế và những nơi Nguyễn Du từng sống… Ông tìm dấu tích lịch sử ư? Hẳn thế! Nhưng tôi tin rằng, ông còn muốn tìm thứ mà người ta gọi tên là “cảm hứng”. Có thể mỗi dấu chân ông đi, ông đã mong mỏi rằng dưới im lìm cát bụi trăm năm kia, đã từng in dấu chân cụ Nguyễn, mong cái sợi tơ từ quá khứ nối đến hôm nay rung nhịp tương phùng.

Hay như anh cán bộ của Công ty cổ phần sữa T.H (Nghĩa Đàn, Nghệ An) Nguyễn Lê Huy, một ngày kia bỗng được truyền thông biết đến là chủ nhân của bức tượng Nguyễn Du bằng gỗ gù hương lớn nhất Việt Nam (vừa được xác lập kỷ lục vào tháng 11.2015). Anh- môt người dân Việt bình thường, bỏ ra hàng năm trời, bỏ công thuê thợ để tìm người tạc tượng cụ Nguyễn từ gốc cây quý dễ đến ngàn năm tuổi. Khi tôi hỏi, vì sao anh lại nghĩ đến cụ Nguyễn? Anh đã trả lời, thật giản dị: “Cụ là danh nhân nước Việt. Truyện Kiều của cụ, người Việt ta ai không thuộc, ai không ngẫm ngợi, ai không lớn lên từ lời hát ấy?”

Bức tượng cụ Nguyễn Du bằng gỗ gù hương do
Bức tượng cụ Nguyễn Du bằng gỗ gù hương do anh Nguyễn Lê Huy dày công thuê thợ tạc.

Tôi đã nhiều lần đứng dưới bức tượng gỗ của Lê Huy, từ khi bức tượng vừa hoàn thành ở Vinh cho đến khi tượng được đưa trưng bày tại Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Nghi Xuân. Chạm tay vào những vân gỗ kết tinh từ nắng gió ngàn năm nơi đại ngàn xứ Nghệ, vào những nét chạm khắc bằng mồ hôi và tâm nguyện, này ngọn bút máu rỏ, này ánh mắt vợi trông, để thấy “Nguyễn Du đau đâu chỉ một nàng Kiều”. Câu thơ ấy, tôi dùng của nhà thơ Trần Quang Quý. Bài thơ “Nguyễn Du” của anh ra đời dịp mới đây, khi anh về Tiên Điền trong dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du. Nó là 1 trong chùm 3 bài thơ của một đêm thức trắng lạ kỳ của anh.

Khu kưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh)
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh)

Anh kể: Đêm mưa ở Vinh, bạn bè rủ nhau lên uống cà phê trên tầng 33 của khách sạn Mường Thanh. Từ đây nhìn thành Vinh lung linh huyền ảo trong mưa, xúc cảm thật lạ lùng. Cuối chiều, tôi và một người bạn viếng mộ Nguyễn Du bên Tiên Điền trời còn tạnh ráo, về đến Vinh thì mưa, tôi nghĩ mãi về điều ấy. Bỗng có người bạn nhắn tin: “Đố ông, Kiều quê ở đâu?”. Tôi nhìn sang người bạn gái cũng đang trầm ngâm bên tách cà phê nhìn mưa Vinh, không hiểu sao tôi trả lời ngay: “Nghệ chứ ở đâu?”. Đêm đó tôi thức trắng viết liền 3 bài thơ, trong đó có bài “Mưa Tiên Điền”. Không biết nàng Kiều của Nguyễn Du hay chính nàng Kiều bên cạnh tôi cho tôi cảm hứng đó. Đấy là bài thơ đầu tiên tôi viết về đề tài và tâm sự này. Tôi là thế hệ các nhà thơ hiện đại, đổi mới, rất ít ảnh hưởng lục bát, vì tôi sợ, lục bát Nguyễn Du đã đỉnh rồi. Nhưng cái ảnh hưởng chính là tâm hồn của một Đại thi hào và những chiêm nghiệm nhân tình thế thái sâu sắc của ông.

Bến quê
Bến quê

Một lần, tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Sau gần cả cuộc đời xa quê, giọng nói của ông vẫn thấm nhuần chất Nghệ. Quê hương Thanh Chương của ông cũng là vùng đất nâng niu, gìn giữ bao giá trị văn hóa xứ Nghệ, trong đó có Truyện Kiều. Làng Dinh Chu, xã Thanh Tường được biết đến là nơi còn lưu giữ 2 bản Kiều cổ. Chính Nguyễn Tài Tuệ từ nhỏ đã được nghe bà và mẹ ngâm Kiều, lẩy Kiều, để sau này, cùng với ví giặm, những câu Kiều vọng lại mãi trong tâm hồn người nhạc sĩ, hòa trộn vào những ca từ và giai điệu của ông.

“Mơ quê” là tác phẩm duy nhất Nguyễn Tài Tuệ trực tiếp viết về quê hương, và ở đó tràn ngập những hoài niệm về mảnh đất Thanh Chương thân yêu của người con lưu lạc. Người con ấy, sau bao năm xa quê, mỗi lần nhớ lại điệu ví năm nào cùng câu Kiều cất lên trong lời ru của bà, của mẹ mà nghẹn khóc. “Hỏi câu ví giặm có lỡ hẹn cùng ai chưa, mà thương câu Kiều đã lỗi hẹn cùng trăng xưa…”. Tất cả những hoài niệm ấy để lại trong lòng Tài Tuệ một tình cảm thương xót. Ông tâm sự: “Thương lắm câu Kiều của tuổi thơ tôi, câu Kiều của bà, của mẹ, của người dân Thanh Chương, câu Kiều của người Việt Nam”. Ông đã mang câu Kiều và niềm thương ấy theo mình trong đằng đẵng hơn nửa thế kỷ tha hương, để “Mơ quê” luôn ám ảnh đến vậy trong lòng những người dân Việt.

Một góc Nghi Xuân (Hà Tĩnh), quê hương Đại thi hào Nguyễn Du
Một góc Nghi Xuân (Hà Tĩnh), quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Số phận đã cho tôi nương về xứ Nghệ. Mỗi lúc nhàn tản, tôi hay về với Tiên Điền, bao giờ cũng mang cảm giác “bâng khuâng” khi chạm đất quê hương cụ Nguyễn. Đứng trước Giang Đình lơ thơ gió, mà nghe vọng khúc trò Kiều, cả “ứ hự” ca trù từ Cổ Đạm vọng sang. Nào ai thuyền quyên, nào ai khanh tướng. Phút cúi đầu nhận về im lặng của nấm cỏ xanh trong chiều, cái màu xanh ấy như rợn tự trăm năm.

Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN