Thiếu vốn ở các khu định canh, định cư
(Baonghean) - Sau 8 năm thực hiện Quyết định 33 của Chính phủ, nhiều điểm tái định canh, đinh cư của tỉnh ta vẫn đang dở dang, nhiều hộ dân vẫn chưa được di chuyển về nơi ở mới.
Mục tiêu của chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói, giảm nghèo; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội tại các địa phương.
Chính quyền xã Yên Na, huyện Tương Dương vận động những hộ dân có nguy cơ sạt lở cao đến định cư nơi an toàn. |
Có 2 hình thức định canh, định cư là tập trung và xen ghép. Trên địa bàn tỉnh, Chính phủ phê duyệt 10/12 dự án định canh định cư tập trung (2 dự án định canh, định cư không thực hiện, do tính khả thi không cao) với tổng mức đầu tư hơn 191 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ gần 61 tỷ đồng; vốn địa phương và lồng ghép các nguồn vốn khác hơn 111 tỷ đồng. Đối với 33 điểm định canh, định cư xen ghép, với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng; vốn địa phương và vốn lồng ghép các nguồn vốn khác 1,444 tỷ đồng.
Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, đến thời điểm này khối lượng thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 49,3% đối với dự án định canh, định cư tập trung, với 245/497h hộ được di dời đến 5 điểm. Dự án định canh, định cư xen ghép, đã thực hiện được 29/33 điểm, với số hộ tái định cư 402/458 hộ, đạt 88% kế hoạch.
Bản Pủng, xã Lưu Kiền, một trong 2 điểm định cư tập trung của huyện Tương Dương. Ông Vi Văn Đoàn, trưởng bản, cho biết, bản Pủng có 135 hộ, trong đó có 51 hộ sống rải rác, huyện và xã đã vận động 51 hộ về định cư tại khu vực Lưu Sơn từ năm 2011. Cuộc sống của bà con nơi định cư mới đã khá ổn định, có đường bê tông nối từ Quốc lộ 7 vào, có điện lưới, công trình nước sinh hoạt, có trường lớp học, nhà văn hóa cộng đồng… bà con đã được nhận đất nương rẫy. Tuy nhiên, hệ thống đường nội bản đang rất khó khăn, vì mặt đường đất, lồi lõm, lầy lội. Trong khi đó quy hoạch của dự án định canh định cư tập trung là đường nội bản được đổ cấp phối.
Giao thông nội bản Pủng chưa được cấp phối, việc đi lại của người dân rất khó khăn. |
Ông Đoàn cho biết thêm: 84 hộ còn lại, bà con sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt từ nhiều năm nay. Nguyên nhân, do trong quá trình đơn vị thi công làm đường vào khu định cư mới đã làm hư hỏng đường ống dẫn nước chính về bản. Hiện bà con phải đóng góp tiền mua ống nhựa lấy nước từ các khe suối xa về để sinh hoạt, tuy nhiên vào mùa mưa nước cuốn trôi ống nước, nên bà con phải đóng góp tiền để sửa chữa.
Trong quá trình thi công làm đường vào điểm định cư Lưu Sơn đã làm hỏng đường ống dẫn nước của công trình nước sinh hoạt cộng đồng bản Pủng, khiến 81 hộ còn lại luôn trong cảnh thiếu nước. |
Ông Trần Hữu Đức – Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong, cho biết: Dự án định canh, định cư Pa Lầu, Pa Chấu được Chính phủ phê duyệt với mức đầu tư 16 tỷ đồng. Đến năm 2013, toàn bộ 50 hộ dân đã chuyển đến định canh, định cư tại dự án, nhưng cho đến nay nguồn vốn do nhà nước cấp quá ít, nên nhiều công trình phục vụ đời sống sinh hoạt người dân chưa được xây dựng. Công trình điện lưới quốc gia, bao gồm trạm biến áp và đường điện hạ thế 10 tỷ đồng, đến nay mới cấp được gần 2 tỷ đồng. Một số công trình thiết yếu khác, như: Công trình nước sinh hoạt cộng đồng, cần được nâng cấp; công trình nhà sinh hoạt cộng đồng chưa được đầu tư; đường giao thông nội bản chưa được đầu tư.
Bà con định cư tại khu vực Lưu Sơn của bản Pủng phát triển chăn nuôi dê, từng bước ổn định cuộc sống. |
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, toàn bộ 10 dự án định canh, định cư tại các địa phương đang trong quá trình đầu tư xây dựng dở dang.
Xuân Hoàng
TIN LIÊN QUAN