Nhiều chuyến tàu ở Ga Vinh bị chậm sau sự cố sập cầu Ghềnh
(Baonghean.vn) - Sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) đã ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống và kế hoạch chạy tàu của ngành đường sắt nói chung và tại ga Vinh nói riêng. Ghi nhận tại ga Vinh, các chuyến tàu chạy từ Sài Gòn ra đến ga Vinh chậm hơn so với thời gian trước vụ sập cầu khoảng 2-3h đồng hồ.
Các chuyến tàu từ Sài Gòn về ga Vinh chậm hơn so với dự kiến nhưng đa phần hành khách đều tỏ ra thông cảm với sự cố sập cầu. |
Tuy có sự chậm trễ nhưng đa phần hành khách đều thông cảm với ngành đường sắt. Ông Lê Văn Hùng, quê Hưng Nguyên đi tàu từ TP Hồ Chí Minh về Nghệ An cho biết: Mặc dù tàu đến chậm hơn dự kiến nhưng đây là do nguyên nhân khách quan nên chúng tôi rất thông cảm và không có ý kiến gì.
Tại ga Vinh, các quầy bán vé vẫn hoạt động bình thường. Nhân viên bán vé tại đây cho biết, tuy lượng khách có giảm nhưng nhiều hành khách vẫn có nhu cầu sử dụng phương tiện vận chuyển bằng tàu lửa mặc dù biết về sự cố sập cầu.
Lượng khách đến mua vé đi Sài Gòn có giảm hơn so với thời điểm trước sự cố sập cầu Ghềnh. |
Ông Trần Văn Tùng, Trưởng ga Vinh cho biết: Khi bán vé cho khách đi Sài Gòn, các nhân viên đã thông báo cụ thể cho khách về sự cố sập cầu cũng như kế hoạch vận chuyển của ngành đường sắt. Nhờ đó, nhiều hành khách đã có kế hoạch sắp xếp thời gian hợp lý cho mình. Riêng trong ngày hôm nay (21/3), ngành đường sắt sẽ tạm thời bãi bỏ các chuyến tàu SE4 và TN2.
Ngay sau sự cố sập cầu, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp để đảm bảo hoạt động đi lại cho người dân. Để hành khách có sự chủ động, ngành đường sắt đã thông báo cho những khách hàng đã mua vé đi Sài Gòn biết được sự cố và kế hoạch của ngành đường sắt. Nếu khách vẫn đồng ý đi thì tàu sẽ trả khách ở ga Biên Hòa, sau đó vận chuyển bằng ô tô đến Sài Gòn.
Ga Vinh đã thông báo cho hành khách biết kế hoạch bãi bỏ tàu TN2 VÀ SE4 trong ngày 21/3. |
Ông Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt Vinh cho biết: Chúng tôi đã thông báo bằng điện thoại đến tất cả các hành khách mua vé và các chủ hàng. Nếu khách không có nhu cầu đi tàu, ga Vinh sẽ thực hiện việc đổi, trả vé không thu phí đối với các vé đã mua trước thời điểm cầu sập.
“Đây là sự cố ngoài ý muốn và do yếu tố khách quan nên chúng tôi mong sự thông cảm từ khách hàng đối với ngành đường sắt. Trong thời gian khắc phục sự cố cầu sập, hành khách vẫn có thể đi tàu như bình thường, chỉ khác là mất 1 đoạn qua xe ô tô trung chuyển. Ngành đường sắt đã chuẩn bị các phương án cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách”, ông Thanh cho biết.
Đối với hàng hóa sẽ được trả lại ga Trảng Bom, Hố Nai, Long Khánh (Đồng Nai). |
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vận chuyển hàng hóa từ ga Vinh đến Sài Gòn. Vì hiện nay, ga Biên Hòa có năng lực bốc xếp còn hạn chế nên sẽ ảnh hưởng đến việc bốc dỡ hàng. Trước tình hình trên, ngành đường sắt đã có thông báo đến các chủ hàng để biết được kế hoạch bốc xếp. Theo đó, hàng hóa sẽ được lên và xuống ở các ga Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh (trước đây hàng được lên và xuống ở ga Sóng Thần). Phía ngành đường sắt đã làm việc với chính quyền địa phương để mở các bến bãi tập kết, hạ tầng giao thông phục vụ cho việc bốc xếp hàng và vận chuyển hàng hóa.
Để đảm bảo cho việc đón trả khách được thuận lợi, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã cử lực lượng tổ chức dọn dẹp hành lang, vỉa hè ở khu vực ra vào ga Biên Hòa để tránh tình trạng ùn tắc. Đồng thời lắp thêm biển báo hướng dẫn lối ra vào ga trên đường Hưng Đạo Vương (phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) để hành khách tiện theo dõi. Lực lượng cảnh sát trật tự, CSGT Công an Đồng Nai cũng có mặt để đảm bảo an ninh trật tự, điều tiết giao thông tại khu vực.
Mặc dù đã được thông báo nhưng nhiều hành khách vẫn lựa chọn phương tiện tàu hỏa để di chuyển vào TP Hồ Chí Minh. |
Trả lời báo chí, đại diện Bộ GTVT cho biết, thời gian khắc phục sửa chữa cầu Ghềnh có thể mất từ 3 - 5 tháng. Tuy nhiên, về phương án khắc phục thì phải sau 1 tuần nữa mới có câu trả lời chính xác. Trước mắt giải tỏa hiện trường mất 3 ngày khảo sát và giải phóng trục vớt xong sà lan, nhịp cầu bị chìm. Tiếp đó sẽ lên phương án khôi phục. Lý do phải chờ sau khi trục vớt các chướng ngại dưới sông mới tiếp tục khảo sát và kiểm định kết cấu cầu phần bên trên và dưới mặt nước mới có phương án chính thức khôi phục.
Được biết, mỗi ngày ngành đường sắt vận hành khoảng 100 chuyến tàu, bao gồm tàu hàng và hành khách tại tất cả các ga trên cả nước. Lượt hành khách vận chuyển ước tính khoảng 10.000 người và có khoảng 10.000 tấn hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện tàu hỏa.
Phạm Bằng
TIN LIÊN QUAN