Nâng cao công tác phối hợp, tạo điều kiện cho văn phòng Thừa phát lại hoạt động

18/02/2016 16:32

(Baonghean.vn)- Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Thực hiện đề án thí điểm chế định Thừa phát lại của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh thành lập được 2 văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Vinh và Diễn Châu. Đến hết năm 2015, 2 văn phòng thừa phát lại đã tống đạt 25.794 văn bản, thu được hơn 2 tỷ đồng; lập 60 vi bằng, thu được 69,5 triệu đồng; xác minh điều kiện thi hành án được 16 vụ việc, thu được 89 triệu đồng và tổ chức thi hành án được 13 vụ việc, thu hơn 401 triệu đồng.

Để triển khai thí điểm, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nhằm tăng cường năng lực triển khai thực hiện và kỹ năng nghề nghiệp cho các cán bộ, công chức Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ.

Người dân đến nhận tiền thi hành án tại Văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh.
Người dân đến nhận tiền thi hành án tại Văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh.
Văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh phối hợp với các cơ quan chức năng bàn kế hoạch cưỡng chế thi hành án.
Văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh phối hợp với các cơ quan chức năng bàn kế hoạch cưỡng chế thi hành án.

Đánh giá sau 2 năm thực hiện, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và đề án của Chính phủ về tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại đã được các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Các văn phòng bước đầu ổn định về tổ chức và hoạt động...

Song, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đúng vai trò trách nhiệm nên việc phối hợp, thực hiện còn hạn chế; đội ngũ Thừa phát lại và nhân viên năng lực còn hạn chế, còn thiếu; nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú; mức phí tống đạt văn bản còn thấp so với tình hình thực tế...

Đến nay, Quốc hội đã có Nghị quyết số 107/2015//QH13 thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại. Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó, UBND tỉnh xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm và nội dung, chương trình cụ thể. Từ đó, phân công nhiệm vụ đầy đủ cho các ban, ngành và đơn vị để chế định Thừa phát lại ngày càng hoạt động hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Phó giám đốc Sở Tư pháp trình bày báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện chế định Thừa phát lại.
Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Phó giám đốc Sở Tư pháp trình bày báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện chế định Thừa phát lại.
Ô Nguyễn Văn Kha, Trưởng văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh kiến nghị tinh chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị tăng cường phối hợp với văn phòng Thừa phát lại trong thời gian tới.
Ô Nguyễn Văn Kha, Trưởng văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh kiến nghị tinh chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị tăng cường phối hợp với văn phòng Thừa phát lại trong thời gian tới.

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại đề nghị, trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện kế hoạch để nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 văn phòng Thừa phát lại; các đơn vị cần nâng cao công tác phối hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các văn phòng Thừa phát lại có điều kiện hoạt động hiệu quả.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN