Thép nhập khẩu giá rẻ khiến "kẻ khóc, người cười"
Nếu ngăn chặn phôi thép nhập khẩu sẽ được nhiều doanh nghiệp hoan nghênh nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản đối.
Sau khi Bộ Công Thương ra quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, vừa qua, 6 doanh nghiệp ngành thép đã cùng ký tên trong một kiến nghị gửi tới Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu.
Giải thích về hiện tượng này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2015 mặt hàng thép đã có kim ngạch nhập khẩu tăng gần 2 lần so với năm trước và lượng thép nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã dùng “kĩ xảo” trộn vào thép một tỷ lệ rất nhỏ những nguyên tố có thể là Bo, Cr hoặc titan để “lách luật” biến thép thường trở thành thép hợp kim.
“Với chủng loại thép hợp kim, trong biểu thuế giữa ASEAN và Trung Quốc quy định dòng thuế này sẽ được đưa về 0%. Khi Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt thép hợp kim vào các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đã khiến các quốc gia này “té ngửa”. Phải nhìn nhận lại rằng, thời điểm cách đây 10 năm, khi đàm phán Hiệp định ASEAN – Trung Quốc, chắc hản phía Trung Quốc đã cố tình “cài” vào dòng thuế này để hiện nay không chỉ có Việt Nam mà hầu hết các nước ASEAN phải chịu chung thiệt hại”, ông Hải cho biết.
Mặc dù vậy nhưng theo ông Hải, đến nay Việt Nam vẫn chưa sử dụng những công cụ mà WTO cho phép để có thể ngăn chặn được dòng thép nhập khẩu này. Trong khi với hiện tượng này, Việt Nam hoàn toàn có thể được phép áp dụng các biện pháp để ngăn chặn khi có 2 biểu hiện: Việc nhập khẩu gia tăng đột biến; nhập khẩu gia tăng đột biến đã trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong nước.
Phôi thép nhập khẩu với dòng thuế 0% gây khó khăn cho ngành sản xuất thép trong nước. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Hải cho biết, sở dĩ Việt Nam chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn là do hiện nay ngành thép đang tồn tại nhiều đối tượng: Có đối tượng chỉ sản xuất phôi thép, có đối tượng cần nhập khẩu thép hoặc sử dụng phôi thép đó để luyện, cán ra những sản phẩm khác nhau, thậm chí có đối tượng chỉ đơn thuần làm thương mại đối với mặt hàng thép nhập khẩu giá rẻ và bán ra giá cao.
“Từ nhiều đối tượng, thành phần đang hoạt động trong lĩnh vực thép đã tạo ra sự phân hóa trong cộng đồng thép và doanh nghiệp thép nói chung. Do đó, nếu bây giờ đặt vấn đề khởi kiện hoặc phòng vệ thương mại đối với thép sẽ có những doanh nghiệp sẽ rất hoan nghênh nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản đối”, ông Hải chỉ rõ.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hải cho rằng, tới đây Bộ Công Thương sẽ có những nhận thức đầy đủ về sự việc và quyết định trong trường hợp nào, thời gian nào có thể can thiệp và can thiệp bằng hình thức nào để có thể đáp ứng được những lợi ích tối đa cũng như giảm thiểu đa số những khó khăn chung cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng như ở Việt Nam đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên.
Trong đó, các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn. Đó là lý do các nước đều cân nhắc lợi ích kinh tế xã hội chung khi quyết định áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và tự vệ nói riêng.
Trong khi đó, pháp luật về việc điều tra và áp dụng các biện pháp tự vệ của cả WTO và Việt Nam đều đã đầy đủ, minh bạch và quy định chặt chẽ những điều kiện, quy trình để có thể áp dụng các biện pháp này. Theo đó, khi các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chứng minh được các dấu hiệu về nhập khẩu gia tăng đột biến dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ Công Thương phải thụ lý hồ sơ và ra quyết định tiến hành điều tra.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay vụ việc này vẫn đang trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đảm bảo mọi quy trình, thủ tục điều tra đều được tiến hành công khai, mình bạch và tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như pháp luật Việt Nam.
“Bộ Công Thương luôn ghi nhận mọi ý kiến bình luận, kiến nghị của các bên liên quan và tạo cơ hội cho các bên liên quan được trình bày quan điểm của mình về vụ việc. Do đó, ý kiến phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép của 6 doanh nghiệp trong nước đã được Bộ Công Thương ghi nhận và sẽ thể hiện trong nội dung kết luận điều tra”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định./.
Theo VOV.VN
TIN LIÊN QUAN |
---|