Đánh giá đúng các rủi ro trong chu kỳ kinh tế mới
(Baonghean) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những năm qua, bên cạnh các tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế, tạo thành rào cản cho tăng trưởng kinh tế năm 2016. Kiểm điểm về 3 nút thắt (thể chế, kết cấu hạ tầng; nhân lực); 3 trọng tâm tái cơ cấu (doanh nghiệp nhà nước; ngân hàng; đầu tư công); tăng trưởng; lạm phát và thị trường bất động sản, việc xem xét, đánh giá đúng các rủi ro có thể xảy ra trong kinh tế Việt Nam 2016 là rất quan trọng.
Càu Vĩnh Tuy. Ảnh minh họa |
Đánh giá tình hình kinh tế 2015, PGS. TS. Trần Kim Chung (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, bên cạnh mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 5 năm 2011-2015, lạm phát thấp nhất trong 14 năm thì xét về trung hạn, năm 2015 là một năm thành công của tăng trưởng kinh tế và hạn chế lạm phát.
Bên cạnh đó, tình hình ngân sách khó khăn, hoạt động điều hành tiền tệ, ngân hàng thành công; hội nhập kinh tế quốc tế quyết liệt; cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ; thể chế kinh tế về môi trường kinh doanh tiến bộ tích cực; vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 tăng trưởng khá với động lực tăng trưởng chính là đầu tư ngoài nhà nước; hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường bộ) có chuyển biến rõ rệt; nguồn nhân lực và những vấn đề có liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực đang có những thay đổi căn bản; thị trường bất động sản khởi sắc…. đều là những điểm cộng của nền kinh tế năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2011-2015.
Nhận định về triển vọng kinh tế 2016, PGS. TS. Trần Kim Chung cho rằng, điểm quan trọng nhất chính là tăng trưởng GDP năm 2016 tăng trưởng theo xu hướng các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chủ yếu là nhờ tiếp nối đà phát triển, diễn biến của năm 2015, chưa có yếu tố đột phá cho tăng trưởng trong ngắn hạn. Chi tiêu công tiếp tục gặp khó khăn do hạn chế của ngân sách. Các FTA được đánh giá là động lực cho tăng trưởng vẫn chưa có hiệu lực (TPP, FTA Việt Nam- EU.. ). AEC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các quy định.
Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn tăng trưởng GDP ở mức dưới 5%, được duy trì bởi mức giá thấp của nhóm hàng nguyên vật liệu sản xuất và năng lượng, đặc biệt là giá dầu. Dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho lạm phát làkhoảng 3,5-4,5%, tùy thuộc vào mức độ cải cách giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công.
Theo các chuyên gia, trong năm 2016, thâm hụt ngân sách tiếp tục ở mức 5%, tương đương 2015. Nguồn thu tiếp tục bị thu hẹp. Thu từ thuế tiếp tục giảm do chính sách cắt giảm thuế theo các FTA sắp có hiệu lực và cam kết gia nhập WTO, giảm thuế thu nhập DN và điều chỉnh danh mục chịu thuế thu nhập cá nhân. Thu từ dầu thô tiếp tục giảm trong năm 2016 do sự suy giảm của giá dầu thế giới. Nguồn đi vay bị thắt chặt, do dự báo nợ công sẽ chạm mức trần an toàn 65% của Quốc hội (khoảng 64,5%). Chi tiêu có xu hướng giảm tăng do các chính sách thắt chặt chi tiêu thường xuyên.
Doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn chưa hết khó khăn. Ảnh minh họa. Ảnh Hoàng Vĩnh. |
Thêm nữa, tiến trình cải cách DNNN tiếp tục xu thế của năm 2015 sẽ có số vốn thoái ra ngoài ngành cao hơn mức của năm 2015; hiệu quả SX-KD của DNNN, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tiếp tục tập trung vào lĩnh vực đầu tư công và hoạt động đấu thầu. Tăng trưởng giá trị đầu tư năm 2016 tiệm tiến mức của năm 2015 (trên 10%) với hai động lực là kinh tế trong nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do xu thế “đón đầu” các FTA mới.
Đầu tư của khu vực nhà nước tiếp tục không tăng mạnh, qua đó tổng vốn đầu tư xã hội sẽ không tăng mạnh, không tăng thậm chí giảm nhẹ.
Từ những dự báo trên, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể có được những triển vọng tốt, tuy nhiên, cần dự liệu và chuẩn bị phòng tránh một số rủi ro và thách thức tiềm tang trong năm nay. Thứ nhất, đó là rủi ro về kinh tế quốc tế. Quan hệ quốc tế giữa Nga - EU và Mỹ sẽ cùng tình hình chính trị và kinh tế khu vực Ả Rập (đặc biệt là vấn đề khủng bố); quan hệ giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (đặc biệt là vấn đề Biển Đông) là những vấn đề nằm ngoài ảnh hưởng tác động, hoặc nếu có, cũng không quyết định, nhưng lại có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, đó là rủi ro về năng lực thể chế. Cải cách thể chế là để hội nhập thành công, để chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ; và để có thể công nghiệp hóa, đòi hỏi tiếp tục đổi mới, cải cách thể chế. Giai đoạn hiện nay, cải cách thể chế đòi hỏi nhiều hơn, khó hơn đối với giai đoạn trước. Vì vậy, đây thực sự là rủi ro tiềm tàng nếu các cải cách thể chế không đáp ứng yêu cầu.
Thứ ba, đó là rủi ro về các yếu tố bất ổn tiềm tàng của kinh tế vĩ mô, như vấn đề giá dầu thô, vấn đề nợ công, vấn đề xử lý nợ xấu, nợ động, tồn kho trong nền kinh tế của giai đoạn trước (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...). Nếu những rủi ro này xảy ra đơn lẻ, tình hình kinh tế sẽ không đạt được như triển vọng. Nếu tất cả các rủi ro xảy ra, tình hình kinh tế sẽ có nhiều biến động không dự báo được - nhóm chuyên gia cảnh báo.
Tuy nhiên, cân đối các yếu tố tích cực, tiếp tục khởi sắc (như: tăng trưởng GDP, tiền tệ, lạm phát, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hội nhập kinh tế quốc tế) với các yếu tố cản trở hoặc tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện (như vấn đề thâm hụt ngân sách, rủi ro tiềm ẩn của thị trường bất động sản, kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế), các chuyên gia vẫn cho rằng, năm 2016, khả năng cao là kinh tế Việt Nam đang bắt đầu vào một chu kì tăng trưởng kinh tế mới.
Sông Hồng
TIN LIÊN QUAN |
---|