Giảm bớt cán bộ khâu trung gian, "hô khẩu hiệu"

24/03/2016 17:05

Sáng 24/3, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm(Đoàn Đại biểu Tp Hồ Chí Minh) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm(Đoàn Đại biểu Tp Hồ Chí Minh) phát biểu

Chỗ cần thì giảm biên chế, chỗ không cần lại tăng

Thảo luận tại tổ Thành Phố Hồ Chí Minh, ĐB Trần Du Lịch và nhiều đại biểu khác cho rằng: Điểm nổi bật nhất trong kinh tế 5 năm qua là ứng phó tốt với tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trong việc triển khai ba đột phá chiến lược, cải cách thể chế, đã nỗ lực trong cải cách pháp luật, trong đó nổi lên rất nhiều đạo luật liên quan đến cải cách thể chế kinh tế.

Tuy nhiên, theo ĐB Trần Du Lịch, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ có mặt còn chồng chéo; tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chậm đổi mới.

Qua tiếp xúc cử tri, dân phản ánh: “Nhiều huyện nói họ không cần Phó Chủ tịch HĐND thì lại tăng lên, trong khi cần cán bộ khuyến lâm, khuyến ngư thì không có. Tinh giản biên chế chỗ cần thì giảm, chỗ không cần thì tăng, cải cách hành chính phải thế nào?. Đầu tư vẫn tràn lan, trùng lắp, phân cấp không rõ ràng…

Đồng quan điểm, ĐB Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tinh giản bộ máy, là nhiệm vụ sống còn của sự phát triển kinh tế-xã hội. Bộ máy cồng kềnh thì không thể giảm chi thường xuyên, giảm nợ công.

Chính phủ đã có chủ trương tinh giản bộ máy nhưng thủ tục rất nhiêu khê. Trong đó, địa phương muốn tinh giản bộ máy phải trình Bộ Nội vụ là vô lý. “Cần quyết liệt trong tinh gọn bộ máy, phải phân cấp mạnh, để địa phương chủ động”, ĐB Dung đề xuất.

“Đặc biệt, cần nói rõ hơn về thách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ đó có chiến lược phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền”, ĐB Võ Thị Dung đề xuất.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): Chủ trương tinh gọn bộ máy là đúng, nhưng thực thi thế nào là vấn đề cần xem xét, bởi phải trải qua nhiều bước xây dựng các Đề án, rất lâu.

ĐB Đương đề xuất: "Tăng bộ máy, biên chế thì báo cáo Bộ Nội vụ nhưng giảm thì nên phân cấp cho địa phương”. ĐB Đỗ Văn Đương thẳng thắn chia sẻ: Trung ương nên giao chỉ tiêu; nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng và chính quyền; cố gắng giảm cán bộ phong trào, trung gian, “hô khẩu hiệu” nhiều; coi trọng chuyên gia, chuyên môn; bổ nhiệm cán bộ cần có tính cạnh tranh. Đồng thời xã hội hóa một số lĩnh vực, tinh giản từ khâu nhỏ nhất. “Cái gì dân làm được thì để dân làm, cái gì cũng Nhà nước, trả lương Ngân sách thì chết.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Việc tinh giản bộ máy chỉ là cái ngọn, gốc phải là cải tổ toàn bộ hệ thống, từ trung ương đến địa phương. Chức năng nhiệm vụ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn sau đó mới tính đến giảm biên chế để có giải pháp căn cơ, lâu dài, bền vững”.

Tham nhũng ảnh hưởng đến niềm tin của người dân

Nhiều ý kiến đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) , thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và có những chuyển biến; xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo ĐB Võ Thị Dung, chống tham nhũng không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chế độ. “Chính phủ cần có giải pháp cụ thể hơn nữa”.

Để nâng cao hiệu quả PCTN trong thời gian tới, ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị, cần coi trọng chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm, không phải tham nhũng “vặt”; đề cao, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: Phải thực sự coi trọng dân, đẩy mạnh vai trò giám sát và phản biện của dân. Dân phải có quyền thay thế những cán bộ yếu kém, biến chất.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phản ánh: Qua giám sát và tiếp xúc cử tri, hiện nay cách tính chỉ tiêu tạo việc làm cho lao động còn nhiều bất cập. Dẫn chứng trường hợp đối tượng được cho vay tiền trong độ tuổi lao động cũng được tính vào số liệu giải quyết việc làm trong năm; hay lao động đi khỏi địa phương được coi là đã giải quyết việc làm mà không biết họ đi đâu về đâu, ĐB Mỹ Hương bày tỏ lo ngại trước con số “ảo”. “ Quan trọng là công tác giải quyết việc làm cho người dân đi vào thực chất, không nên chạy theo số lượng”, ĐB Hương bày tỏ./.

Theo ĐCSVN

TIN LIÊN QUAN