Doanh nghiệp xăng dầu thu lãi hàng nghìn tỷ nhờ chênh lệch thuế ?

14/03/2016 06:56

Trong khi phần lớn xăng được nhập về chỉ nộp thuế nhập khẩu 5-10% còn dầu chỉ 0-5%, thì mức thuế để tính giá bán đến người tiêu dùng lại là 10 và 20%.

Báo cáo tổng kết năm 2015, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex đã công bố mức lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục từ trước đến nay lên tới 3.766 tỷ đồng, tăng hơn 3.400 tỷ so với năm 2014. Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn tập đoàn là 1.989 tỷ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất. Với sản lượng xuất bán nội địa và tái xuất 8.963 ngàn m3/tấn, lợi nhuận trước thuế đạt 222 đồng/lít, kg trong năm 2015.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Petrolimex, lợi nhuận mặt hàng xăng dầu của tập đoàn này có sự tăng trưởng kể trên do thay đổi phương thức tính giá mua hàng nhập khẩu phù hợp với diễn biến thị trường và hợp lý hóa đường vận động hàng hóa và cơ cấu tồn kho xăng dầu. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng giảm chi phí tài chính và sản lượng gia tăng, đặc biệt trong khâu bán lẻ…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính đặt câu hỏi: Lý do chủ đạo nhất cho con số lãi khủng trên lại chính là nhờ hưởng lợi từ 'độ vênh' trong tính giá xăng dầu hiện nay của Liên Bộ Công Thương- Tài chính?

Cụ thể, trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Liên Bộ vẫn áp dụng với các mức thuế nhập khẩu MFN theo Thông tư 78 ngày 20/5/2015 với xăng là 20%, dầu diesel và madut 10%, dầu hỏa 13%.

Nhưng trên thực tế, Petrolimex cũng như hầu hết các doanh nghiệp đầu mối khác có thể linh hoạt tận dụng được mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN.

Thông tư 165 của Bộ Tài chính ban hành tháng 11/2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 đã quy định, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hoả từ ASEAN chỉ có 5%, madut là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%. Đặc biệt, cũng từ năm nay, xăng nhập về cũng chỉ có thuế là 10%, thấp hơn một nửa so với thuế MFN và mức thuế xăng trong ASEAN.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn như vậy.

Trao đổi với phóng viên sáng 11/3, ông Phạm Đình Thi-Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định những gì báo chí phản ánh cho rằng “DN xăng dầu hưởng lợi ngàn tỷ” không liên quan đến chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu mà chỉ liên quan đến công thức xác định giá đối với mặt hàng này, từ đó dẫn đến giá bán cho người tiêu dùng.

“Thuế xăng dầu theo các hiệp định thương mại Việt Nam ký kết đã được Chính phủ cam kết, có lộ trình thực hiện, doanh nghiệp và cơ quan quản lý có muốn làm gì cũng không được. Chính sách thuế với xăng dầu đã bám sát các nội dung ấy”-ông Thi nói.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã lợi dụng sơ hở của chính sách, yếu kém, buông lỏng của cơ quan quản lý để trục lợi. Theo ông Long, nếu áp mức thuế đúng theo thực tế, giá xăng dầu sẽ giảm và người tiêu dùng, nền kinh tế được hưởng lợi.

“Nếu Bộ Tài chính và Bộ Công thương chậm sửa bất cập này ngày nào, người tiêu dùng bị thiệt ngày đó, còn các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tiếp tục hưởng lợi” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, cần buộc các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải trả lại khoản chênh lệch thuế nhập khẩu này cho người tiêu dùng qua quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Doanh nghiệp Việt Nam

TIN LIÊN QUAN