Người cần, kẻ không vội!

09/03/2016 10:56

(Baonghean) - Dù được đặt nhiều kỳ vọng nhưng cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ không thể hàn gắn được những mâu thuẫn để tìm ra một giải pháp chung có thể chấp nhận được cho cuộc khủng hoảng người di cư. Trong lúc EU tỏ ra gấp rút thì Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn tận dụng cuộc khủng hoảng này để gây sức ép “mặc cả”, buộc EU phải trả một “cái giá” cao hơn.

EU đang ở “thế dưới”

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu  Donald Tusk sau Hội nghị thượng đỉnh EU- Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/3. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sau Hội nghị thượng đỉnh EU- Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/3. Ảnh: Reuters.

Cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng có ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 ngày càng khiến Liên minh châu Âu trở nên hỗn loạn, chia rẽ và bất ổn. Dư luận các nước châu Âu đã gần như không chịu đựng được trước những hệ lụy của khủng hoảng tị nạn. Nhiều nước kêu gọi nhanh chóng đóng cửa tuyến đường Balkan (Hy Lạp - Macedonia - Serbia - Hungary), một tuyến đường được hầu hết người tị nạn dùng để vào châu Âu. Trong bối cảnh như vậy, châu Âu buộc phải tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ - nhân tố hiệu quả nhất có thể giúp EU giải quyết bài toán người di cư, tị nạn ngày một đông.

Chính vì thế, gạt qua những mâu thuẫn và bất đồng, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) trong một hội nghị khẩn cấp để bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư. Nhưng cuối cùng, Hội nghị đã không thể đáp ứng được những kỳ vọng từ phía EU khi khối này không đồng tình với những đề xuất mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.

Nói thực tế hơn thì hội nghị vừa qua là một cuộc “mặc cả”. Và cuộc mặc cả này rõ ràng EU đang ở “thế dưới”. Nhìn từ mọi khía cạnh thì châu Âu đều đang cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn là điều ngược lại. Năm ngoái, hơn 1 triệu người di cư đã đổ vào châu Âu từ các vùng xung đột. Từ đầu năm đến nay, trong gần 135.000 người tị nạn vượt Địa Trung Hải đã có hơn 400 người tị nạn chết trên biển. Thảm họa này sẽ nhanh chóng tồi tệ hơn khi các nước EU thay vì có hành động thống nhất và chia sẻ thì mỗi nước vẫn đang cố gắng “thủ thân” trong sợ hãi bằng cách đóng cửa biên giới từ chối người tị nạn.

Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 11 năm ngoái, EU hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Ankara sẽ giúp ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện, thỏa thuận trên vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Dòng người di cư vẫn ồ ạt đổ về các nước trong EU. Trong khi đó phía Ankara chê trách EU đã quá chậm chạp trong việc giải ngân số tiền hứa hỗ trợ cho họ.

Vẫn theo quan điểm cũ, lần này EU yêu cầu Ankara trừng trị bọn buôn người và buộc tất cả mọi người di cư trái phép rời khỏi bờ biển nước này. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU còn thúc ép Ankara nhận thêm người di cư kinh tế từ Hy Lạp, đồng thời giảm bớt dòng người đi qua biển Aegea để đến Athens. Đổi lại, EU sẽ cấp tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ để trang trải những khoản phí khi giữ chân và cưu mang người di cư.

Cơ hội để Thổ “mặc cả”

Mỗi ngày có 1.000 - 2.000 người di cư đặt chân đến Hy Lạp sau khi “quá cảnh” ở Thổ Nhĩ Kỳ và vượt qua biển Aegea. Ảnh: AP.
Mỗi ngày có 1.000 - 2.000 người di cư đặt chân đến Hy Lạp sau khi “quá cảnh” ở Thổ Nhĩ Kỳ và vượt qua biển Aegea. Ảnh: AP.

Trong lúc châu Âu đang ở trong tình huống “nước sôi lửa bỏng” thì Thổ Nhĩ Kỳ lại có vẻ không vội. Thứ nhất, Ankara có thể “câu giờ” để mặc cả nhiều hơn với EU trong câu chuyện về người di cư. Nếu như tại Hội nghị EU – Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra mức giá 3 tỷ euro từ phía EU để “cản bước” người di cư, thì tại hội nghị lần này Ankara yêu cầu EU tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính để tiếp nhận người tị nạn. Ngoài ra, Thủ tướng Davutoglu cũng yêu cầu đẩy nhanh việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và tiến trình đàm phán gia nhập EU của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ thừa biết rằng, dù rất cần và đang ở “thế dưới” nhưng EU cũng không thể chấp nhận đề xuất này, bởi 6 tỷ euro không phải khoản tiền nhỏ khi nội bộ khối này đang chia rẽ và ngân sách các thành viên không dồi dào.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đích đến của những người di cư, họ chỉ đi qua lãnh thổ của nước này, trước khi tìm đến “miền đất hứa” châu Âu. Vì thế, dù có chút dính líu, Ankara vẫn có thể “bình chân” trước khủng hoảng người di cư. Thậm chí có những cáo buộc rằng, trong khi khả năng tiếp nhận người di cư là có hạn, Ankara vẫn mở rộng cửa biên giới cho những người Syria trốn chạy chiến tranh. Họ dung túng cho những người tị nạn tìm cách vượt biển sang Hy Lạp để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nước Bắc Âu giàu có.

Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ luôn thể hiện quan điểm, mình là bên thiệt thòi khi “EU muốn dồn phần xương cho Ankara”. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần nói rằng tại sao họ phải gánh những phần thiệt hại hơn so với các nước khác? Suy cho cùng, điều này không phải không có lý. Trong lúc nhiều nước châu Âu coi người tị nạn như một thứ “gánh nặng” bởi họ lo bất ổn an ninh, xã hội, văn hóa, lo khủng bố trà trộn thì cớ gì Thổ Nhĩ Kỳ lại “giơ đầu chịu báng” để làm bức tường chắn dòng người di cư. Họ cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự.

Trong lúc EU gấp còn Thổ Nhĩ Kỳ không vội, cộng những tính toán thiệt – hơn như vậy, việc hai bên khó tìm được một cái giá chung cho cuộc “mặc cả” không có gì là lạ. Điều đó cũng có nghĩa một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng người di cư vẫn còn xa vời./.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN