Đồng chí Trần Quốc Hoàn – Người bộ trưởng tài năng với tầm nhìn chiến lược

23/01/2016 08:47

(Baonghean.vn)- Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 1953 đến năm 1980, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn chú trọng đến việc xây dựng lực lượng công an nhân dân thành lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.

Đồng chí đã đề xuất với Trung ương Đảng cho mở các trường đào tạo sỹ quan ngành Công an, ứng dụng các thành tựu khoa học vào các trường, lớp đào tạo, huấn luyện đặc biệt, đặc thù của ngành Công an. Trong công tác đào tạo và đề bạt cán bộ, đồng chí luôn quan tâm đến sự bình đẳng, tiến bộ của chị em phụ nữ và đồng bào các dân tộc thiếu số.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, nhiều cán bộ phụ nữ và cán bộ người các dân tộc trong ngành Công an đã được huấn luyện, cử đi đào tạo và họ đã trở thành những cán bộ cốt cán xuất sắc, giỏi nghiệp vụ, vững vàng chính trị, sẵn sàng đưa hết tài năng để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn thăm, nói chuyện với nhân dân xã Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình - đơn vị có phong trào bảo vệ trị an tốt năm 1970
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn thăm, nói chuyện với nhân dân xã Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình - đơn vị có phong trào bảo vệ trị an tốt năm 1970

Là người lãnh đạo cao nhất ngành Công an, thực hiện lời Bác dạy, Trần Quốc Hoàn luôn chú trọng công tác chi viện an ninh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Tổ chức đào tạo cán bộ từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực để chi viện cho các chiến trường và cho các đô thị miền Nam. Từ phong trào đồng khởi năm 1959, đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ Công an đã chi viện sức người cho an ninh miền Nam hơn một vạn cán bộ Công an, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo cốt cán trên nhiều lĩnh vực nghiệp vụ.

Với tầm nhìn sâu rộng của công cuộc cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chuẩn bị một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo của ngành Công an, kịp thời tăng cường gần một vạn cán bộ chi viện vào tiếp quản miền Nam (1975) để triển khai mô hình tổ chức mới cho ngành Công an các tỉnh, thành phố ngay sau ngày miền Nam được giải phóng. Trong thời điểm miền Nam vừa được giải phóng, tình hình chính trị gặp muôn ngàn khó khăn. Dưới sự lãnh đạo tài tình, mưu lược của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Công an Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng được Đảng và nhân dân giao phó.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã giành nhiều thời gian, tâm huyết và trí tuệ xây dựng lý luận Công an nhân dân Việt Nam.

Ngay từ khi được Đảng điều động sang phụ trách ngành Công an, đồng chí đã chỉ đạo tổng kết quá trình đấu tranh hoạt động của lực lượng công an nhân dân từ khi thành lập, để từ đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ của ngành Công an và những kinh nghiệm chống lại âm mưu phá hoại của kẻ thù.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (đứng giữa) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với các đại biểu Công an nhân dân vũ trang dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976
Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (đứng giữa) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với các đại biểu Công an nhân dân vũ trang dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976

Trong thực hiện đường lối công tác cơ bản của Đảng về đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, đồng chí đã nhấn mạnh phải nắm vững tư tưởng phòng ngừa tích cực, tiến công và tiến công liên tục bọn phản cách mạng và bọn tội phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào; thực hiện đúng phương châm, chính sách và biện pháp nghiệp vụ của ngành công an. Những vấn đề đó, đã đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển lý luận Công an nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hôi chủ nghĩa.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các cơ sở khoa học kỹ thuật phục vụ công tác đánh địch trên trận tuyến thầm lặng và quản lý các đối tượng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội một cách có hiệu quả và thiết thực.

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật với quan điểm “ Địch sử dụng kỹ thuật để đánh phá ta, ta cũng phải vươn lên về mặt này để đánh chúng; đối với chúng ta, khi đi làm cách mạng, ăn thua là xác định tư tưởng chính trị tốt, rồi từ đó hết lòng phấn đấu thì mọi khó khăn sẽ khắc phục được” Ngày nay, tư tưởng chỉ đạo phát triển khoa học kỹ thuật của đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn được lực lượng Công an nhân dân triển khai thực hiện trên mọi lĩnh vực công tác Công an.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn coi trọng việc xây dựng lực lượng bán chuyên trách ở cơ sở và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đây là vấn đề có tính chiến lược trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và toàn bộ các mặt công tác Công an.

Đồng chí xác định “ Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng thì bảo vệ cách mạng cũng là sự nghiệp của quần chúng” và phải xuất phát từ lợi ích của quần chúng với tinh thần “Thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi; lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của cán bộ, chiến sĩ”.

Phẩm hạnh trí thức bẩm sinh đã bộc lộ ở Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn rất rõ. Và chính phẩm hạnh đó đã khiến đồng chí hình thành được một phong cách lãnh đạo mang đậm tính anh minh và dân chủ, trọng người có năng lực, mặc dù điều hành ở một lực lượng phải tuân thủ các nguyên tắc "kỷ luật thép" hơn ở bất cứ đâu khác trong bộ máy chính quyền.

Với bản lĩnh và trí tuệ của một nhà báo, nhà lãnh đạo cao cấp, đa tài của Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã đóng góp cho cách mạng, đặc biệt là ngành Công an những thành tích to lớn trong công cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc.

N.Khoa

TIN LIÊN QUAN