Tái cơ cấu...họp!
(Baonghean.vn) - Nước ta có lẽ là xứ sở có nhiều họp nhất. Cứ đến bất kỳ một cơ quan nào, nhìn vào bảng công tác tuần, sẽ thấy dày đặc những họp là họp.
Họp cơ quan, họp liên ngành, họp giao ban định kỳ, họp đột xuất, họp chi bộ, họp công đoàn, họp giao ban tuần, tháng, quý…Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hay phải họp mà đến dân thường cũng hay phải đi họp. Họp tổ dân phố, họp thôn, họp xóm, họp hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, họp đồng hương, đồng niên, đồng học…
Biếm họa: Internet |
Có những cuộc họp một vài tiếng đồng hồ, nhưng cũng có những kỳ họp kéo dài nhiều ngày. Có những người dường như sinh ra chỉ để đi họp. Có những người phát chán vì họp nhưng vẫn phải đi họp vì không thể không họp. Dù biết trước được là có không ít cuộc họp diễn ra chỉ để mà… họp chứ không nhằm và cũng không giải quyết được việc gì cụ thể cả. Thế nhưng, không thể không họp được.Trước hết, không thể vắng họp vì đó là trách nhiệm và nghĩa vụ. Nếu vắng là bị phê bình ngay.
Đơn cử như vừa rồi, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn đề nghị Chủ tịch UBND TP phải kiểm điểm người đứng đầu của những cơ quan, đơn vị, địa phương không có mặt trong buổi gặp gỡ và đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, tổ chức vào ngày 20-3 vừa rồi . Bởi theo ông, cuộc họp này rất quan trọng , một năm mới có một buổi để lãnh đạo thành phố gặp gỡ và đối thoại với cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của thành phố để qua đó được nghe lớp trẻ hiến kế và bày tỏ những bức xúc. Nhất là các ý kiến, sáng kiến góp ý với Đảng bộ và chính quyền để xây dựng và phát triển thành phố đạt mục tiêu đề ra là có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Một dịp tốt như thế, một cuộc họp nhiều ý nghĩa như thế đúng là rất không nên vắng mặt. Việc vắng mặt ở những cuộc họp cấp thành phố kiểu đó, không phải là mới xảy ra mà trước đây, cụ thể là năm 2015, ông Chủ tịch UBND thành phố lúc đó cũng đã đã thẳng thắn phê bình những vị lãnh đạo vắng mặt và yêu cầu sau này, thủ trưởng các đơn vị phải tham dự đầy đủ những cuộc họp do UBND TP tổ chức. Thế nhưng, sự việc không hay đó vẫn tái diễn. Điều đó cho thấy những “liều thuốc” như phê bình, kiểm điểm… đã không đủ hiệu nghiệm để trị dứt “căn bệnh”… bỏ họp.
Nhưng mà, nói đi rồi bàn trở lại, cũng phải xem xét là tại sao nhiều người vẫn bỏ họp, dù biết hành xử như thế là không nên và chắc chắn sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm. Có thể là do đúng lúc đó họ có việc khác quan trọng hơn, nhưng cũng có thể là do họ thấy chủ đề, nội dung cuộc họp thật sự không cần thiết đối với họ. Dự hay không dự thì rồi vẫn thế, không thiết thực, không hữu ích gì cho lắm. Tóm lại là không giải quyết được vấn đề gì. Có lẽ đây mới là nguyên nhân chính khiến họ không mặn mà với các cuộc họp.
Dĩ nhiên, có những cuộc họp rất quan trọng, nhờ đó mà tháo gỡ được những vướng mắc, giải quyết được nhiều công việc ích nước, lợi dân. Nhưng mà cũng có không ít, thậm chí là rất nhiều cuộc họp mà họp xong rồi mà bản thân người dự họp không biết là để làm gì. Nhất là những cuộc họp dạng tổng kết theo kỳ cuộc hay nhân ngày này, dịp nọ… Có những cuộc họp đã có báo cáo dài hàng chục trang gửi cho các đại biểu rồi, chủ trì cuộc họp lại lên đọc báo cáo tổng kết hàng tiếng đồng hồ.
Ai đọc cứ đọc, ai nghe cứ nghe, thi thoảng có tiếng vỗ tay thì đại biểu giật mình vỗ theo! Cuối cùng Ban Tổ chức giới thiệu một vài đại biểu đã chỉ định sẵn lên đọc báo cáo tham luận. Báo cáo tham luận cũng có trong tài liệu hội nghị… Những cuộc họp như thế thật lãng phí thời gian, kinh phí, kể cả sức khỏe của đại biểu.
Nói như vậy không phải là bài xích họp. Bởi lẽ, các cuộc họp - nếu được tổ chức khoa học, thiết thực về nội dung, về hình thức, sẽ không những tiết kiệm được thời gian, kinh phí mà còn đạt được mục đích để mang lại hiệu quả lớn lao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; giải quyết được những vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống mọi mặt của người dân doanh nghiệp.
Bây giờ, công nghệ thông tin của nước ta đã phát triển gần như ngang bằng với thế giới, các phương tiện chuyển tải thông tin, những nội dung cần bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến đến những đối tượng cần trao đổi đã rất nhiều và rất kịp thời mà không cần phải ngồi theo kiểu mặt đối mặt mà vẫn giải quyết được những vấn đề cần giải quyết. Chúng ta đang nỗ lực thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh, để nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Có lẽ chúng ta cũng nên tính đến phương án tái cơ cấu… họp để không tốn quá nhiều thời gian, công sức, chi phí cho việc họp mà mọi việc vẫn trôi chảy.
Bụt Sơn
TIN LIÊN QUAN