Rừng khỉ ở Đông Mương

10/02/2016 08:43

(Baonghean) - “Savan” trong ngôn ngữ của người Lào có nghĩa là “thiên đường”. Quả vậy Savannakhet không chỉ kỳ thú bởi những ngôi chùa cổ kính những con phố xinh xắn thấp thoáng sắc hoa, mà còn được biết đến là vùng đất quê hương, nơi sinh sống của loài khủng long 110 triệu năm về trước. Tuy nhiên điều khiến bất cứ ai cũng bị cuốn hút khi đặt chân đến tỉnh trung tâm của khu vực Trung Lào - quê hương của nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào: Cay - Sỏn – Phom – Vi - Hẳn là sự thân thiện, gần gũi đến kinh ngạc của con người, thiên nhiên trên mảnh đất này.

Du khách vui đùa với khỉ ở bản Đông Mương
Du khách vui đùa với khỉ ở bản Đông Mương

Chúng tôi có mặt tại “thiên đường” Savannakhet vào một ngày mùa Xuân, trước lễ hội Bun pi may của người Lào. Như hiểu được sự ngỡ ngàng của các vị khách lần đầu đặt chân đến Thành phố Cay - Sỏn – Phom – Vi - Hẳn, tỉnh lỵ của Savannakhet, người bạn dẫn đường là Việt kiều trên đất Lào chia sẻ: “Ở đây có nhiều điều kỳ thú lắm, không chỉ có bảo tang khủng long mà có cả rừng khỉ Đông Mương ở huyện Chăm Phon…”.

Bản Đông Mương nằm ở phía Đông, cách tỉnh lỵ Savannakhet khoảng 50km. Tại đây có một khu rừng còn nguyên sinh với những gốc cây nhiều người ôm không xuể. Nhưng đó chưa phải là điều quá đặc biệt để thu hút khách du lịch. Điều khiến mọi người thích thú khi đến đây là được tận mắt chứng kiến những chú khỉ nghịch ngợm và quan sát cuộc sống tự nhiên của chúng. Thực ra ở Việt Nam cũng có những đảo khỉ với hàng ngàn con sống tập trung như ở Nha Trang (Khánh Hòa) hay Cần Giờ - TP HCM. Nhưng ở bản Đông Mương loài khỉ cùng sinh sống giữa cộng đồng dân cư. Đêm chúng ngủ trên các cây cối, ngày chúng xuống đùa nghịch, nô đùa với mọi người.

KHỉ
Khỉ mẹ con

Kể từ khi rừng khỉ Đông Mương được du khách biết tới, hằng ngày có rất nhiều người viếng thăm. Mọi người vào bản thường mang theo nhiều hoa quả cho khỉ ăn. Rất tự nhiên chúng trèo lên ca bin, nóc ô tô ngồi thưởng thức hoa quả hoặc chạy quanh chân du khách xin quà.

Bản Đông Mương, huyện Chăm Phon ngày nay được hình thành từ năm 1901 khi 8 gia đình đầu tiên di chuyển từ bản Tha Mương vào khai hoang lập làng. Theo người dân địa phương cho biết, khi họ chuyển vào sinh sống tại bản Đông Mương sát với khu rừng cùng tên thì đã thấy đàn khỉ quy tụ và “lập làng” tại đây rồi.

Mẹ
Bầu sữa mẹ

Theo quan niệm của người dân, đây là vùng rừng thiêng, là điểm giao nối giữa trời và đất nên những loài khỉ là biểu hiện của “Xoốc đi” tức là may mắn nên không ai đánh đuổi hay giết hại. Vậy là kể từ đó đến nay người và khỉ cùng chung sinh sống bên khu rừng già. Bản cũng có quy định sẽ phạt nặng nếu ai làm hại khỉ cho dù lắm lúc chúng cũng rất phiền phức, nghịch ngợm.

Bài: Đào Tuấn, ảnh: Duy Ngoãn

TIN LIÊN QUAN