Muốn dân vận khéo phải có cán bộ giỏi
(Baonghean) - Trong chuyến công tác đến bản Kiềng 1, xã Châu Bính (Quỳ Châu), tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với cụ Vi Văn Tuyên. Cụ năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Người dân trong bản vẫn thường kể về cụ với một sự kính nể và tôn trọng. Hễ có việc quan trọng thì dân bản lại đến hỏi ý kiến cụ, từ việc nên đầu tư kinh tế, cho đến cách ứng xử như thế nào cho hợp tình, rồi cả việc học hành của con cháu ra sao.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Châu Tiến (Quỳ Châu) trao đổi với chị em cách phát triển kinh tế. |
Trước năm 2000, nhà cụ nghèo lắm, lại đông con nên cuộc sống còn vất vả. Được Nhà nước và cán bộ hướng dẫn cho cách thoát nghèo, vợ chồng, con cái bảo ban nhau làm ăn, lúc đầu góp vốn chăn nuôi lợn và trồng keo, rồi cứ thế lấy ngắn nuôi dài. Bây giờ kinh tế đã khấm khá hơn, gia đình cụ không chỉ thoát nghèo mà còn mua sắm được ô tô chuyên chở nguyên, vật liệu để phục vụ đời sống bà con dân bản.
Cụ bảo rằng ở vùng dân tộc thiểu số, nhận thức và trình độ của người dân còn thấp kém nên hay nảy sinh nhiều mâu thuẫn, khúc mắc, bà con cũng chưa biết cách làm ăn. Được bà con quý mến, tin tưởng nên cán bộ cấp trên vẫn thường tìm đến cụ cùng bàn bạc làm thế nào để dân bản hiểu được đường lối đúng đắn của Đảng, hướng dẫn họ đổi mới tập quán sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Mô hình nuôi vịt bầu ở Quỳ Châu mỗi năm cho thu nhập 100 - 150 triệu đồng. |
Còn ở xã Châu Tiến, tôi được chứng kiến sự đoàn kết, tương thân, tương ái của phụ nữ nơi đây. Năm 2015, Hội Phụ nữ xã Châu Tiến đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ quyên góp được 254,7 triệu đồng, 4.339 kg gạo, 2.719 ngày công, 2.827 bó củi để giúp đỡ 166 chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cơn bão số 3 năm 2015 khiến sập nhà, tốc mái của 3 gia đình hội viên tại bản Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2, Hội phụ nữ xã đã phối hợp với Ban vận động xã quyên góp được 625 gắp tranh, 120 cây nứa và giúp ngày công để làm lại nhà cho 2 chị.
Hội phụ nữ còn phát huy làng nghề dệt thổ cẩm, thu hút 93 lao động, thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng, làng nghề hương trầm với 68 lao động, thu nhập 10 triệu đồng/người/mùa, các cơ sở sản xuất tăm tại bản Minh Tiến có 45 lao động với thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với tập đoàn Tây Đô và Công ty cổ phần Gia Hưng trao bò sinh sản cho hộ nghèo Châu Hạnh - Quỳ Châu. |
Từ những mô hình nêu trên, Huyện ủy Quỳ Châu vừa ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị giai đoạn 2016 - 2020”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, bởi trên thực tế, nhiều người có uy tín, có tiếng nói đối với bà con nhưng kiến thức và trình độ chuyên môn của họ chưa đáp ứng được yêu cầu...
Phương Thảo
TIN LIÊN QUAN