Trẻ hiểu biết hơn chúng ta nghĩ

09/03/2016 13:24

(Baonghean.vn) - Một nghiên cứu mới đây của Trường Sư phạm Paris, Pháp cho thấy nhận thức của trẻ nhỏ về môi trường xung quanh thực ra phức tạp hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của các bậc cha mẹ và thầy cô.

Nghiên cứu của Trường Sư phạm Paris cho thấy trẻ sơ sinh đã phát triển tư duy ở mức cao từ giai đoạn đầu đời. Ảnh: Getty Images.
Nghiên cứu của Trường Sư phạm Paris cho thấy trẻ nhỏ đã phát triển tư duy ở mức cao từ giai đoạn đầu đời. Ảnh: Getty Images.

Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu với các em bé 20 tháng tuổi và bất ngờ tìm thấy các em bé này đã có khả năng tư duy ở mức rất cao, hay còn được gọi là “siêu nhận thức”.

Theo Tiến sỹ Sid Kouide - một thành viên nhóm nghiên cứu, “siêu nhận thức” ở đây được định nghĩa là “trực giác” của con người về sự hiểu biết của bản thân - một trạng thái diễn ra thường xuyên đối với người trưởng thành khi họ gặp phải một vấn đề hóc búa.

Nói cách khác, theo một câu nói nổi tiếng của Donald Rumsfeld, “Có những điều chúng ta biết là chúng ta không biết” và “siêu nhận thức” chính là khả năng nhận biết được những điều mình không biết này.

Các giả thuyết trước đây cho rằng trẻ em phát triển kĩ năng tư duy này muộn hơn trong giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới công bố cho thấy ngay từ giai đoạn đầu đời, “trẻ em đã có khả năng nhận biết là chúng không biết điều gì, và từ đó ra dấu hiệu cho người chăm sóc mình” nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ và giải đáp.

Các nhà nghiên cứu khuyến khích các bậc cha mẹ hãy chơi cùng con và hướng dẫn trẻ tự tìm tòi để phát triển khả năng tư duy và khám phá của trẻ ngay từ đầu đời. Ảnh: Internet.
Các nhà nghiên cứu khuyến khích các bậc cha mẹ hãy chơi cùng con và hướng dẫn trẻ tự tìm tòi để phát triển khả năng tư duy và khám phá của trẻ ngay từ đầu đời. Ảnh: Internet.

“Siêu nhận thức” cho phép con người tìm tòi thông tin mới và áp dụng chiến lược học hỏi của mình vào từng trường hợp cụ thể. Khi trẻ em nhận thức được chúng không biết điều gì và biết ra hiệu cho bố mẹ mình để tìm câu trả lời, chúng đã biết cách khai thác thông tin một cách hiệu quả. Từ đó, chúng bắt đầu có khái niệm về xây dựng chiến lược để giải quyết các vấn đề trong tương lai, bắt đầu từ việc xác định được nguồn thông tin cần tìm kiếm.

Phát hiện về “siêu nhận thức” ở trẻ em được xem là rất có ý nghĩa đối với các bậc cha mẹ quan tâm đến phương pháp giáo dục trẻ từ sớm. Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng để giúp phát triển khả năng khám phá và tìm tòi ở trẻ ngay từ đầu đời, các bậc bố mẹ thay vì bỏ mặc trẻ trước màn hình tivi hay máy tính, hãy chơi cùng con và hướng dẫn trẻ tìm tòi.

Đồng thời, bố mẹ không nên giải quyết các thắc mắc của con mình bằng cách đưa ra thông tin đơn thuần và trả lời trực tiếp vào vấn đề như cách giáo dục thông thường. Cách giáo dục trẻ hiệu quả hơn, theo Kouider, là hướng dẫn cho trẻ cách tự học hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc của mình.

Huyền Trân

(Theo Time)

TIN LIÊN QUAN