Chưa thể xác định được số người mất tích trên sông Đồng Nai

20/03/2016 21:31

Chiều 20-3, ông Đặng Mạnh Trung, trưởng Ban Tuyên giáo Đồng Nai, đã chủ trì cuộc họp báo về vụ sập cầu Ghềnh.

Hành khách bị kẹt tại ga Biên Hòa chen lấn lên xe trung chuyển để về ga Sài Gòn. Trong đó có nhiều người nước ngoài - Ảnh: Duyên Phan
Hành khách bị kẹt tại ga Biên Hòa chen lấn lên xe trung chuyển để về ga Sài Gòn. Trong đó có nhiều người nước ngoài - Ảnh: Duyên Phan

Theo ông Trung, sà lan chở cát, từ hướng Hiệp Hòa về xã Hóa An, đã tông vào cầu. Hậu quả, Mố cầu số 2 rớt, chìm hẳn xuống sông. Mố cầu số 3 còn lại chạm với mặt nước. Ngoài ra còn có 3 xe máy rớt xuống sông.

2 tài công trên sà lan nhảy xuống được người dân cứu và đã bỏ trốn.

Hiện thợ lặn chưa phát hiện thi thể nào ở dưới dòng sông.

Lực lượng chức năng đã khắc phục sự cố mất điện, nước ở hai đầu cầu và kéo thêm dây viễn thông để đề phòng sự cố.

Tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT để khắc phục, tránh những sự cố tiếp theo và đảm bảo giao thông đường thủy.

Về tàu lửa, lịch chạy tàu của lịch đường sắt rất dày. Các cơ quan đang xử lý lượng hành khách từ Hà Nội vào, trung chuyển về ga Sóng Thần. Còn từ TP.HCM đưa về ga Biên Hòa hoặc Sóng Thần. Trường hợp Bộ GTVT cần huy động xe, Đồng Nai cũng sẽ đáp ứng.

Còn tàu hàng rất phức tạp nên sẽ vận chuyển rải dần từ ga Long Khánh đến Biên Hòa, Sóng Thần.

Đại tá Trần tuấn Triệu, phó giám đốc Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tỉnh Đồng Nai, thông tin thêm: Sà lan chở 800 tấn cát. Bộ GTVT sẽ chủ trì việc trục vớt.

PV Tuổi Trẻ hỏi " Người dân từng cảnh báo việc sà lan va trụ cầu và cầu từng có vành đai bảo vệ, nhưng hiện không thấy vành đai. Tỉnh Đồng Nai đã cảnh báo với Bộ GTVT chưa?

Ông Trung cho biết tỉnh đã lưu ý Bộ GTVT, nhưng không hiểu vì sao chưa được giải quyết".

Ga Biên Hòa đón khách, ga Hố Nai và Trảng Bom đón hàng

Ông Trịnh Tuấn Liêm, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết thông tin trên tại cuộc họp liên ngành Công an, Đường Sắt và Sở GTVT tỉnh.

Theo ông Liêm, hiện nay ga Biên Hòa có dấu hiệu quá tải nếu đón cùng lúc giữa tàu khách lẫn tàu hàng. Vì thế, nghành Đường sắt sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai điều tiết tại các ga Biên Hòa, Hố Nai và Trảng Bom.

Tại cuộc hợp, lãnh đạo ngành Đường sắt cho biết đến hết đêm nay dự kiến sẽ còn ba tàu chở khách từ Bắc vào Nam, ước tính gần 1.000 hành khách. Trước mắt ngành Đường sắt đã bố trí các xe khách để trung chuyển giữa từ ga Sài Gòn và ga Biên Hòa.

Theo ghi nhận tại ga Biên Hòa (cách cầu Ghềnh khoảng 1,5km), rất đông hành khách đi trên tàu SE7 từ phía Bắc vào phải đáp xuống đây và được nhân viên ga bố trí lên hai xe khách loại 45 chỗ xuất phát về lại ga Sài Gòn.

Theo lãnh đạo ga Biên Hòa, hiện tại ga này chỉ mới tiếp nhận những hành khách của tàu SE7 từ phía Bắc vào, đồng thời những hành khách xuất phát từ ga Sài Gòn cũng được ngành đường sắt bố trí trên xe khách về đến đây rồi lên hai tàu TN2 và SE22 ra phía Bắc.

Được biết, chiều 20-3, Thượng tá Huỳnh Yên Nam, trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Đồng Nai, đã ký lệnh khởi tố hình sự vụ sập cầu Ghềnh.

Chưa thể xác định có bao nhiêu người mất tích

* Tại hiện trường, tới 17g50, lực lượng chức năng đã kéo chiếc sà lan tông sập cầu Ghềnh ra khỏi khu vực cầu Ghềnh, hướng về phía cầu Đồng Nai. Đầu máy kéo sà lan vẫn chưa được trục vớt.

Bước đầu, lực lượng chức năng cũng đã thu thập được một số giấy tờ tại hiện trường. Trên giấy tờ này ghi chủ của sà lan là bà N.T.H., ngụ trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa này ghi: năm đóng là 2007 tại Tiền Giang, sà lan dài hơn 42m và chiều rộng 12m, tổng trọng tải là 980 tấn.

Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cũng mang tên chủ là bà N.T.H., ghi lần gần nhất phương tiện này được kiểm tra kỹ thuật là tháng 10-2015 tại Chi cục Đăng kiểm số 6.

Trao đổi với báo chí lúc 18g cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Thạch, giám đốc Cảng vụ đường thủy khu vực III, cho biết tới cuối giờ chiều vẫn chưa thể xác định có bao nhiêu người mất tích dưới sông khi cầu Ghềnh sập. Trước mắt, sẽ cấm lưu thông qua hiện trường tai nạn.

Riêng về đường sắt, do cầu Ghềnh là tuyến đường độc đạo của tuyến đường sắt Bắc - Nam nên việc khắc phục phải có thời gian, đối với phương án trước mắt phải do Bộ GTVT quyết định.

Cơ quan chức năng đã cấm lưu thông qua hiện trường vụ sập cầu Ghềnh - Ảnh: Duyên Phan
Cơ quan chức năng đã cấm lưu thông qua hiện trường vụ sập cầu Ghềnh - Ảnh: Duyên Phan
Chiếc sà lan tông sập cầu Ghềnh đang được kéo ra khỏi khu vực cầu - Ảnh: Xuân An
Chiếc sà lan tông sập cầu Ghềnh đang được kéo ra khỏi khu vực cầu - Ảnh: Xuân An

Theo tuoitre.vn

TIN LIÊN QUAN