Động lực phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa
(Baonghean) - Mặc dù Quế Phong có tiềm năng nông – lâm nghiệp lớn với nhiều sản phẩm đặc thù, tuy nhiên quy mô sản xuất vẫn còn manh mún. Ban Chấp hành Huyện ủy Quế Phong đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế hợp tác xã và kinh tế trang trại giai đoạn 2011 -2015 và những năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo phát triển nông - lâm nghiệp thành quy mô hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ.
Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 06, trên địa bàn huyện vùng cao này, số lượng và quy mô các hợp tác xã (HTX) và các gia trại, trang trại được hình thành ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bước đầu hình thành các sản phẩm theo quy mô hàng hóa.
Sản xuất chân hương tại HTX nứa lùng Quế Sơn. |
Hợp tác xã chế biến nứa lùng Quế Sơn, xã Quế Sơn được thành lập năm 2013 chuyên sản xuất các sản phẩm chân hương từ cây lùng và một số sản phẩm phụ khác. Những ngày đầu năm 2016, không khí sản xuất ở cơ sở rất sôi động để kịp chuyển hàng cho đối tác. Ông Bùi Anh Dân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho biết, bình quân mỗi năm, cơ sở cho ra thị trường 140 tấn chân hương và 10 tấn các sản phẩm khác từ cây lùng. Các sản phẩm này bán cho đối tác ở Hà Nội hấp sấy và xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Việc hình thành HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 38 thành viên với mức thu nhập bình quân từ 90.000 - 100.000 đồng/ngày; ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động liên kết tại một số bản của xã Quế Sơn; đồng thời tạo đầu ra cho sản phẩm lùng tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ cũng trên địa bàn huyện.
Chị Lê Thị Hòa, xóm Hải Lâm 1 đang làm việc tại xưởng sản xuất của HTX trước đây chỉ ở nhà làm nông nghiệp, thời gian rảnh rỗi không có ngành nghề phụ nào khác để tăng thêm thu nhập. Nhưng từ khi vào làm việc tại HTX hơn 2 năm nay, nguồn thu nhập ổn định, đã góp phần nâng cao mức sống của gia đình. “Bình quân thu nhập của tôi khoảng 100.000 đồng/ngày”, chị Hòa cho biết.
Bên cạnh phát triển HTX, trên địa bàn huyện Quế Sơn cũng đã hình thành nhiều mô hình sản xuất gia trại và trang trại. Trên diện tích 3,5 ha, nông dân Hà Lâm Chiến, bản Na Tọoc, xã Quế Sơn đã cải tạo xây dựng mô hình gia trại cho hiệu quả sản xuất cao. Với 1ha mía, hàng ngàn gốc keo, ao cá, kết hợp chăn nuôi dê, trâu, gà, vịt, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình ông thu nhập 60 triệu đồng. Ông Chiến cho biết, để phát triển sản xuất, gia đình được hỗ trợ giống cây con, cán bộ xã cũng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật nên sản xuất thuận lợi hơn.
Hiện nay, trên địa bàn xã Quế Sơn đã hình thành 3 HTX giống cây trồng vật nuôi Quế Sơn, HTX sản xuất rau an toàn Hải Lâm, HTX chế biến nứa lùng Quế Sơn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, Quế Sơn cũng đã có nhiều nông dân làm trang trại, gia trại cho thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình ông Trần Danh Hòa (xóm 2); gia đình ông Lương Văn Tuyên (bản Cọc)…
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Quế Sơn cho biết: “Đảng ủy xã đã cho chủ trương và UBND xã xây dựng đề án phát triển chăn nuôi gắn với sản xuất nông lâm nghiệp. Qua đó, bên cạnh việc triển khai tốt các chính sách hỗ trợ theo cơ chế của huyện, tỉnh về HTX, trang trại, xã còn tập trung đưa nông dân đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất ở các địa phương khác, du nhập các giống cây con mới vào địa bàn và phân công, tổ chức cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; đồng thời phân công các ủy viên BCH Đảng bộ xã trực tiếp phụ trách từng bản để chỉ đạo sát sao hơn”.
Cán bộ nông nghiệp huyện Quế Phong kiểm tra chất lượng phát triển cây chanh leo tại Tri Lễ. |
Từ động lực của Nghị quyết 06, nhiều địa phương trong huyện Quế Phong căn cứ vào điều kiện thực tế đã hình thành nên các HTX, các gia trại, trang trại để phát triển sản xuất và hoạt động rất hiệu quả. Như HTX dịch vụ nông lâm ngư nghiệp Đồng Tiến, xã Đồng Văn. Thành lập năm 2014 với 7 thành viên, HTX này có tài sản lên đến 3,5 tỷ đồng. Nhờ nhanh nhạy trong sản xuất, thu nhập thực tế của mỗi thành viên hàng tháng đạt 5 - 6 triệu đồng.
Vừa qua, với sự hỗ trợ tiền giống 54 triệu đồng của huyện Quế Phong, đơn vị đã triển khai liên kết với 30 nông dân trồng ngô nguyên liệu cung cấp cho Công ty CP thực phẩm sữa TH với diện tích hiện nay đạt 11 ha. Ông Lô Văn Tiến - Giám đốc HTX cho biết: “Với vốn vay ưu đãi của Liên minh HTX, sắp tới chúng tôi sẽ mở xưởng chế biến tăm tre từ nứa lùng, góp phần giải quyết việc làm cho người dân vùng tái định cư thủy điện Hủa Na”.
Trước khi có Nghị quyết 06, trên địa bàn Quế Phong chỉ có một HTX dệt thổ cẩm Cỏ Nong, xã Mường Noọc thành lập năm 2004. Nhưng từ năm 2012 đến nay có 20 HTX được thành lập mới. Các HTX hoạt động đa dạng trên nhiều ngành nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động. Điều đáng mừng là nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp thông qua các HTX đã được sản xuất theo quy mô hàng hóa như chanh leo, rau sạch, vịt bầu, lợn nít, gà đen, tăm hương.
Mô hình chăn nuôi bò của nông dân xã Tri Lễ. |
Toàn huyện Quế Phong cũng đã có 168 trang trại, 678 gia trại vừa và nhỏ. Để có những chuyển biến trên, thông qua việc đưa Nghị quyết 06 vào cuộc sống, huyện Quế Phong đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ thành lập các HTX mới và các trang trại của tỉnh.
Theo đó, mỗi HTX dịch vụ nông nghiệp được hỗ trợ 10 triệu đồng; HTX chuyên cây con được hỗ trợ 20 triệu đồng;… Ngoài ra, mỗi HTX mới thành lập được UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Cùng với đó, huyện Quế Phong còn tập trung hỗ trợ các giống, cây con, kỹ thuật cho các HTX, nông dân.
Tuy nhiên, mức phát triển của HTX, các trang trại trên địa bàn Quế Phong vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Huyện ủy Quế Phong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết 06 được xác định tiếp tục triển khai sâu rộng. Từ đó, đưa phát triển kinh tế thông qua HTX, xây dựng trang trại trở thành phong trào trong toàn huyện.
Đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: “Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06 có hiệu quả hơn nữa, huyện tập trung vào các giải pháp đột phá thông qua công tác quy hoạch cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tiến hành dồn điền, đổi thửa khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, trang trại. Xác định các loại giống cây trồng, vật nuôi chủ lực là sản phẩm hàng hóa của từng vùng, từng địa bàn thông qua chủ trương, chính sách và định hướng, lộ trình cụ thể. Cùng với đó là tích cực triển khai những giải pháp hỗ trợ cho nông dân và các HTX và tổ chức chuyển đổi các HTX chưa chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012”.
Nhật Lệ
TIN LIÊN QUAN