Tăng lãi suất vay: Doanh nghiệp lo "kiệt sức"
Theo các doanh nghiệp, nếu lãi vay ở mức dưới 8% là lý tưởng, 8 - 9% thì vẫn có thể “thở” được nhưng vọt lên 11 - 13,5% thì doanh nghiệp sẽ kiệt sức.
Vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đua nhau tăng lãi suất huy động dài hạn lên mức trên 8%/năm. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu không giữ ổn định lãi suất thì khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) khi đang cần sự hỗ trợ từ chính sách, vốn ưu đãi để hoạt động kinh doanh.
Nhiều thách thức về tăng lãi suất
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Quang Tín, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, việc các NHTM đua nhau tăng lãi suất huy động dài hạn một phần là do dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong đó, việc giảm hạn mức sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 40% đã tác động đến dòng chảy tín dụng của ngân hàng.
Để giảm áp lực này, các ngân hàng đã cho vay trung và dài hạn bằng nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như đưa ra các sản phẩm huy động vốn kết hợp mới, tăng lãi suất, bán sản phẩm chéo, tăng cường dịch vụ với các sản phẩm huy động vốn trung dài hạn...
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, cách làm này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, đặc biệt là với đại đa số các DN đang cố gắng “vượt cạn” bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tỷ suất lợi nhuận bình quân hiện nay của các ngành nghề khoảng từ 10 - 15%, nếu lãi vay dưới 8% là lý tưởng, 8 - 9% thì vẫn có thể “thở” được, còn nếu vọt lên 11 - 13,5% thì doanh nghiệp sẽ kiệt sức.
Trong khi đó, năm 2016 vẫn còn tồn tại những rủi ro về bất động sản, giá dầu, tài chính và biến động dòng vốn của nền kinh tế tài chính toàn cầu, gây tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.
Thừa nhận những khó khăn trên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Bùi Quốc Dũng bày tỏ lo ngại, trong năm 2016, thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam sẽ tiếp tục bị tác động bất lợi, tăng trưởng dự báo có thể tăng, kéo theo ngân sách nhà nước có thể khó khăn hơn, tạo nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu giữ mặt bằng ổn định lãi suất.
Cụ thể, về lạm phát, tổng cầu tăng do nền kinh tế tăng trưởng rõ nét hơn, cộng hưởng với lộ trình tăng giá nhiều dịch vụ do nhà nước quản lý, sẽ làm tăng sức ép lên lạm phát 2016, dự báo lên khoảng 3 - 4% trong năm nay, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 2,6% trong năm 2015, qua đó sẽ tạo áp lực đến mức lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Về tăng trưởng, mục tiêu năm 2016 là 6,7% và dự kiến tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, thì nhu cầu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế đã tích tụ lớn và sẽ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn đến tín dụng cho vay.
Sẽ linh hoạt điều hành chính sách
Mặc dù thách thức đặt ra trong việc điều hành ổn định lãi suất, chính sách tiền tệ trong năm 2016 là rất lớn, nhưng ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN sẽ cố gắng kiên định thực hiện linh hoạt việc “bơm ra và hút tiền về” thông qua các nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều hòa nền kinh tế, hỗ trợ các TCTD. Từ đó ổn định mặt bằng huy động và lãi suất cho vay tín dụng, nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ có các giải pháp và công cụ mới để điều hành cung ứng tiền phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ nhằm nâng cao khả năng điều hành chính sách tiền tệ.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình Tùng cũng trấn an DN không nên quá lo về lãi suất. Thông thường, lãi suất huy động tăng tạo áp lực lên lãi suất vay, nhưng trong cấu trúc giá thành của ngân hàng là chi phí vốn, chi phí hoạt động và chi phí quản lý rủi ro thì hiện nay, chi phí rủi ro đã giảm rất nhiều do nợ xấu trong năm vừa rồi được giải quyết rất tốt.
Thêm nữa, các ngân hàng đang siết chi phí hoạt động, thấp hơn rất nhiều so với mức 60% trước đây, nên các ngân hàng dù tăng lãi suất huy động vẫn giữ được lãi suất đầu ra, đồng thời sẽ tập trung vào kiểm soát rủi ro và chi phí hoạt động để giữ ổn định lãi suất cho vay.
“Thực tế cho thấy, trong hai tháng qua, NHNN đã cầm trịch rất tốt trong việc ổn định tỷ giá. Và đặc điểm thị trường Việt Nam ai cũng biết, độ mở thì rất mở nhưng độ mở tỷ giá và đầu mở quản lý đầu ra lại không giống các thị trường khác, một khi NHNN tuyên bố cầm trịch được thì sự ổn định tỷ giá vẫn còn”, ông Tùng cho biết.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng kì vọng, với quyết tâm ổn định chính sách tiền tệ của NHNN, và nếu không có cú sốc đặc biệt nào của thị trường kinh tế, tài chính thế giới thì trong năm nay lãi suất cho vay sẽ không tăng và tỷ giá vẫn tương đối ổn định. “Cá nhân tôi, nếu NHNN làm được 2 điều đó từ nay đến cuối năm thì đó sẽ là một thắng lợi rất lớn”, TS Thành nói./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|