Phạm Văn Đồng - nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của Đảng và dân tộc

01/03/2016 11:01

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906-1/3/2016) - người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, xin trân trọng giới thiệu bài viết “Phạm Văn Đồng - nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của Đảng và dân tộc” của GS. TS. Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu
Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu

Một nét nổi bật trong nhân cách và hoạt động của nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng,… là sự gắn bó mật thiết giữa chính trị và văn hóa, giữa nhà chính trị và nhà văn hóa. Các đồng chí đều là những nhà lãnh đạo có trình độ văn hóa cao. Thấm nhuần sâu sắc những giá trị chân - thiện - mỹ của văn hóa dân tộc với những đặc trưng tiêu biểu như lòng yêu nước, yêu lao động, thương người, nhân văn, nhân đạo…, các đồng chí đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà quản lý tài năng có nhiều công lao to lớn đối với cách mạng, với Tổ quốc và nhân dân...

Đồng chí Phạm Văn Đồng, như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là “Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Người cộng sản kiên cường, mẫu mực; Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người con rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; Nhà văn hóa lớn của dân tộc”.

Đồng chí Phạm Văn Đồng trong rất nhiều năm (thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Chiến khu Việt Bắc và sau này về Thủ đô Hà Nội) được sống, làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, Phạm Văn Đồng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng, đạo đức, tác phong, về tư duy chính trị và văn hóa. Đồng chí có 35 năm liên tục là Ủy viên Bộ Chính trị (1951-1986), 32 năm là Thủ tướng Chính phủ (1955-1987), 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1986-1997).

Bề dày đó cho thấy đồng chí là nhà chính trị tài năng, nhà hoạt động nhà nước nhiều kinh nghiệm, có uy tín lớn, đồng thời là nhà văn hóa lớn của dân tộc như Đảng ta đánh giá. Đồng chí đã có nhiều tư duy sáng tạo về văn hóa và bản thân cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí đã toát lên tính văn hóa, một nhân cách văn hóa.

Phạm Văn Đồng là một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Là học trò xuất sắc và được làm việc bên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm, Phạm Văn Đồng rất tâm đắc với lời dạy của Người: Phải coi được cống hiến cho Đảng, cho dân là điều hạnh phúc. Đồng chí là tấm gương về rèn luyện đạo đức, thực hành đạo đức, suốt đời cống hiến, hy sinh cho cách mạng, tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, rất mực liêm khiết, giản dị, khiêm tốn.

Đây là những nét nổi bật trong nhân cách văn hóa của Phạm Văn Đồng trong bất cứ thời kỳ nào và bất cứ cương vị nào - trong lao tù đế quốc ở Côn Đảo hay trong xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, trong tư cách đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ để xây dựng và củng cố căn cứ địa, vùng tự do liên khu V hay với trọng trách là Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương,… rồi Chủ tịch Hội đồng chi viện chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí đều hết lòng hết sức với công việc, biết tổ chức, biết huy động quần chúng để vừa kháng chiến thắng lợi, vừa kiến quốc thành công. Tài năng và đức độ của Phạm Văn Đồng đã tạo nên hiệu quả cao nhất của một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn.

Phạm Văn Đồng là người rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, văn học nghệ thuật, đồng chí đã có nhiều bài viết, tác phẩm quan trọng và sâu sắc về văn hóa.

Là người đứng đầu Chính phủ, bận trăm công nghìn việc, song đồng chí rất quan tâm tới giới trí thức, văn nghệ sĩ với tình cảm chân thành như một người bạn. Đồng chí luôn chăm lo, vun đắp những tài năng khoa học cho đất nước, sẵn sàng trao đổi, đối thoại tâm tình, thẳng thắn, gần gũi, lắng nghe ý kiến của tất cả. Đồng chí yêu cầu người trí thức, văn nghệ sĩ “phải sống với cuộc chiến đấu, sống với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nghĩa là sống cái hiện thực vĩ đại nhất của nhân dân ta, mà đồng thời cũng là hiện thực vĩ đại của nhân dân thế giới”, phải đắm mình trong hiện thực vĩ đại của nhân dân mới có sáng tạo, mới có những tác phẩm hay. Người văn nghệ sĩ phải có vốn sống, phải “lăn lộn trong đời sống, hiểu đời sống”. Hiện thực vĩ đại đòi hỏi văn nghệ sĩ phải nâng mình lên ngang tầm với hiện thực đó.

Đồng chí cho rằng: “Trong các phương thức để tiến hành giáo dục tư tưởng, thì văn hóa, văn nghệ có tác dụng sâu sắc, thấm thía, lâu bền bậc nhất”. Bởi vì văn hóa nghệ thuật có sự gắn chặt giữa nội dung tư tưởng với nội dung tình cảm. Theo đồng chí, tình cảm tạo nên sự lắng sâu, bền vững, khó quên trong lòng người so với các hoạt động nhận thức khác. Tuy nhiên, không nên rơi vào chủ nghĩa tình cảm dễ làm mất đi sự tỉnh táo sáng suốt, dễ tạo nên trạng thái “rưng rưng” trước mọi hiện tượng nhưng rồi không hành động, thiếu quyết đoán. Đồng chí nhấn mạnh người văn nghệ sĩ phải “sáng mắt, sáng lòng”, có lý trí sáng suốt và trái tim nhân văn, đồng thời phải có bản lĩnh vững vàng.

Đồng chí yêu cầu tác phẩm nghệ thuật phải có “giá trị tư tưởng đầy đủ và giá trị nghệ thuật đầy đủ”, nội dung và hình thức nghệ thuật phải thống nhất với nhau, không được đề cao cái này mà coi nhẹ cái kia và ngược lại. Bởi vì đối tượng của văn học nghệ thuật là phục vụ nhân dân, “sáng tác văn học và nghệ thuật là để đem lại thức ăn tinh thần cho nhân dân ta” mà nhân dân yêu cầu tác phẩm văn học nghệ thuật phải có nội dung tốt và hình thức hay, hấp dẫn, lôi cuốn. Có như vậy, văn hóa mới góp sức vào xây dựng con người mới.

Là người lãnh đạo, là nhà văn hóa lớn của dân tộc, Phạm Văn Đồng luôn quan tâm sâu sát, chí tình chí nghĩa đến giới văn nghệ sĩ. Từ công việc, đời sống, đào tạo bồi dưỡng đến phương châm, phương hướng sáng tác, biểu diễn,... đều được đồng chí tìm hiểu kỹ càng, chỉ đạo sâu sắc, thân tình. Rất nhiều nhà khoa học, nhiều nghệ sĩ, nhiều trí thức có danh tiếng ở nước ta đã coi đồng chí Phạm Văn Đồng là người anh lớn của mình vì tài năng, trí tuệ, nhân cách, vì tấm lòng nhân hậu, khoan dung của đồng chí.

Phạm Văn Đồng không chỉ có những tư tưởng sâu sắc, sáng tạo về văn hóa nghệ thuật mà còn có những tư tưởng sâu sắc, tâm huyết về giáo dục, thể hiện là nhà giáo dục lớn. Là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục trung ương nhiều năm, đồng chí yêu cầu: Mỗi thầy giáo phải trả lời cho được câu hỏi: Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học; phải xác định rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc.

Từ đó, đồng chí kết luận “đổi mới thật sự là văn hóa và văn hóa mới hòa nhập như một với đổi mới”, “đổi mới là sự nghiệp của văn hóa và trí tuệ”, phải đem “ánh sáng của văn hóa vào hoạt động kinh tế”, đổi mới không phải là xóa bỏ quá khứ mà là làm sống lại cái quá khứ cần khôi phục, bảo tồn và bảo quản, tất nhiên phải biết kết hợp với cái hiện đại một cách thích hợp.

Như vậy, bằng sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về văn hóa và thực tiễn - lịch sử của dân tộc với tầm cao văn hóa và thế giới quan cách mạng của người cộng sản, Phạm Văn Đồng đã nâng tư duy về văn hóa lên tầm lý luận mang tính triết lý, khái quát cao. Đồng chí đã có đóng góp to lớn không chỉ cho cách mạng nói chung mà còn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa của nước nhà. Thiết nghĩ những tư tưởng, chỉ dẫn của Phạm Văn Đồng về văn hóa sẽ tiếp tục có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với nước ta trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa như nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định./.

Theo Chinhphu.vn