Phát huy tiềm năng nguồn kiều hối

15/02/2016 20:51

(Baonghenan) - Kiều hối của kiều bào giao dịch qua Ngân hàng trong năm 2015 đạt 180 triệu USD. Phần lớn đang được người dân tùy ý sử dụng, trong đó phần lớn là đầu tư mua sắm nhà cửa, xe cộ và phần còn lại là sản xuất kinh doanh.

Nguồn kiều hố chuyển về qua các ngân hàng là chủ yếu.
Nguồn kiều hố chuyển về qua các ngân hàng là chủ yếu. Ảnh chụp ở Ngân hàng VIB

Diễn Hoa – Diễn Châu là xã có nhiều lao động xuất khẩu làm việc hiệu quả. Xã đang có 222 lao động đi làm việc (chủ yếu là thợ xây dựng) ở Nga và Ăng gô la. Mỗi năm lực lượng này một năm gửi về quê nhà khoảng 46 – 47 tỷ đồng và nhiều hộ đã đóng góp vào xây dựng quê nhà. Ở Diễn Hoa, thậm chí kiều hối được chuyển thẳng trực tiếp cho người thân ở nhà. Những gia đình có lao động đi xuất khẩu hầu hết xây dựng nhà cửa khang trang, cứ nhìn vào những ngôi nhà biệt thự ở đây là biết nhà có người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên nguồn tiền gửi về đầu tư sản xuất kinh doanh khá ít. Anh Cao Xuân ở xóm 2 đi lao động Ănggola hơn gần 3 năm, lương được 1.100 USD/ tháng. Anh đã làm được căn nhà hết hơn 600 triệu đồng, số còn lại tiết kiệm ở ngân hàng chứ chưa biết đầu tư vào việc gì. Ở Nam Cát – Nam Đàn cũng vậy, nhà nhà đi xuất khẩu lao động và những ngôi nhà 2 tầng, 3 tầng ở Nam Cát ngày một nhiều, ai cũng muốn làm nhà to đẹp do nguồn tiền gửi về khá lớn.Bình quân một tháng 1 lao động được trả lương 15 triệu đồng, như vậy nguồn kiều hối chuyển về xã Nam Cát một năm cũng khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các lao động chính chưa về nên nguồn tiền gửi về chủ yếu nằm ở ngân hàng và mua sắm tiện nghi, xây nhà cửa.Kiều hối chuyển về Nghệ An chủ yếu bằng con đường xuất khẩu lao động của người Nghệ từ các nước chuyển về, đa dạng ở các nước Anh, Nga, Irắc, Ả rập, Pháp, đặc biệt là từ Anh và Hàn Quốc, Nhật Bản.

Giao dịch tại Ngân hàng VIB
Giao dịch tại Ngân hàng.

Trong những năm qua, xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo khá hiệu quả. Theo số liệu của Sở LĐTBXH, năm 2015, Nghệ An có 12.800 lao động đi làm việc ở các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, các nước Trung Đông. Số kiều hối tuy có giảm đi so với 2014 (2014 đạt 250 triệu USD) tuy nhiên đây là con số rất lớn mà mới chỉ có một số được tái đầu tư mang lại những giá trị cao hơn như công ty Dũng Thủy ở Sơn Thành, Yên Thành, đầu tư nhà máy may cho hơn 100 lao động từ nguồn kiều hối ở Nga gửi về, hay trung tâm thương mại ở Bảo Thành (Yên Thành) cũng được xây dựng từ nguồn kiều hối từ Nga gửi về, công ty tắc xi Vạn Xuân được đầu tư từ nguồn kiều hối ở Nga, trung tâm thương mại ở Yên Thành đầu tư từ nguồn kiều hối từ Tiệp Khắc…

Hiện nay, một số huyện có số lao động xuất khẩu cao như Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương.. Như ở Đô Lương, mỗi năm huyện có 1.500 người đi XKLĐ và trên địa bàn huyện Đô Lương hiện có hơn 6.700 người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, kiều hối gửi về mỗi năm đạt khoảng 15- 20 triệu USD. Hiện nay nguồn kiều hối chủ yếu gửi về qua các ngân hàng thương mại như Ngân hàng NN và PTNT, BIDV,VP Bank...

Người dân Diễn Hoa Diễn Châu đi lao động xuất khẩu về và xây dựng được nhà cửa to đẹp. ảnh Lê Hoài Thung
Người dân Diễn Hoa Diễn Châu đi lao động xuất khẩu về và xây dựng được nhà cửa to đẹp. ảnh Lê Hoài Thung

Kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An.Tuy nhiên, lượng kiều hối gửi về Nghệ An để đầu tư phát triển chưa nhiều, nguồn vốn tích lũy sau khi làm nhà, mua xe, cho người thân đang chủ yếu nằm ở ngân hàng. Công ăn việc làm cho người sau khi xuất khẩu lao động trở về vẫn còn là bài toán khó đối với cả người đi xuất khẩu lẫn địa phương.

Hiện nay tỉnh Nghệ An đã thu hút được một số dự án đầu tư của con em người Nghệ đã và đang làm ăn sinh sống tại nước ngoài như dự án Khu trung tâm thương mại, văn phòng Vicentra của ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch HDDQT Công ty Euro Windows (từng ở Nga), dự án Khu du lịch Bãi Lữ của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ (từng ở Mỹ), trường Đại học CN Vạn Xuân của ông Nguyễn Lư Thủy (Ba Lan), Công ty may Minh Anh - Kim Liên, ông Lê Lương Nguyên (Hàn Quốc), lập nhà máy sản xuất cầu thang máy ở Nghi Phú…. Các dự án này không chỉ đầu tư mở mang thêm cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho tỉnh nhà mà còn đóng góp hiệu quả trong tạo việc làm, an sinh xã hội và thu ngân sách cho địa phương.

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN