Nhìn lại thị trường vàng và USD quí 1
(Baonghean) - Vàng thế giới tăng giá mạnh và giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới; trong khi tỷ gia trung tâm linh hoạt có lên có xuống và không có sốt nóng-lạnh là những điểm mới nổi bật trên thị trường ngoại hối quý 1.2016…
Ảnh minh họa |
Giá vàng thế giới tăng và thu hẹp giãn cách với giá vàng trong nước
Tính từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 3-2016, vàng thế giới đã tăng giá hơn 18% trong bối cảnh đồng USD suy yếu và các nhà đầu tư không chắc chắn về lộ trình nâng lãi suất của Mỹ.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong quý 1.2016 còn gắn với sự quan ngại Trung Quốc nhấn mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ kích thích kinh tế qua việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc, còn giao dịch bất động sản ở Mỹ giảm (hợp đồng mua nhà tại Mỹ trong tháng 1-2016 giảm xuống mức thấp nhất một năm qua), trong khi xuất hiện động thái tăng mua vào liên tục của nhiều quỹ đầu tư vàng trên thế giới. Lượng vàng do Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Shares, nắm giữ tiếp tục tăng, tính đến phiên 4/2 đạt mức 22,3 triệu ounce – mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2015.
Giá vàng thế giới đạt đỉnh 1.260,6 USD/ounce hôm 11/2/2016, cao nhất kể từ 6/2/2014 do thị trường chứng khoán biến động làm tăng nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn.
Đặc biệt, ngày 1-3-2016, quỹ tín thác vàng SPDR Gold Shares tiếp tục mua vào 14,87 tấn vàng, là phiên mua vào thứ 22 liên tiếp của quỹ này kể từ đầu năm nay. Tính đến hết tháng 2-2016, quỹ này đang nắm giữ tổng cộng 777,27 tấn vàng.
Cũng vào vào thời điểm này, giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết trong ngân hàng thương mại 22.335 đồng/USD là 33,54 triệu đồng/lượng, còn giá vàng trong nước giao dịch ở mức 33,65 triệu đồng/lượng tăng chậm hơn giá thế giới, giúp giá vàng miếng SJC lần đầu tiên từ nhiều năm qua, chỉ cao hơn giá thế giới khoảng 100.000 đồng/lượng (chưa kể thuế, phí nếu nhập khẩu vàng về Việt Nam). Nói cách khác, lần đầu tiên sau nhiều năm, giá vàng miếng SJC đã về ngang bằng với giá thế giới sau khi loại trừ các loại phí và thuế. Thậm chí, có thời điểm giá vàng SJC còn thấp hơn giá vàng thế giới.
Trước viễn cảnh chính sách sẽ đưa ra trong cuộc hợp hai ngày 15-16/3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), chiều ngày 14/3, giá vàng châu Á tăng trở lại gần mức cao nhất 13 tháng của tuần trước. Giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á đang ở mức 1.228,5 USD/ounce, giảm gần 20 USD/ounce so với phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá của Ngân hàng Vietcombank sáng 15-3, chênh lệch giá vàng thế giới và vàng SJC trong nước nới rộng lên khoảng 600 nghìn đồng/lượng. Giá vàng thế giới giảm xuống 1.231 USD/oz, tương đương 33,11 triệu đồng/lượng giảm khoảng 650.000 đồng/lượng so với thời điểm 15h chiều ngày hôm qua.
Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố giữ nguyên lãi suất, USD yếu đi và ngay lập tức, giá vàng quốc tế được kích hoạt và nhảy vọt 2,3% lên 1.260 USD.Do vậy ngày 17/3,giá vàng ở Việt Nam lại tăng vọt lên.
Tóm lại, trong quý 1-2016, giá vàng đã, đang và sẽ ở ngưỡng 1.235 - 1.280 USD/ounce trong năm 2016.
Tỷ giá trung tâm linh hoạt đang vận hành tốt
Tỉ giá trung tâm USD/VNĐ được NHNN công bố đều đặn hàng ngày và quản lý theo Quyết định số 2730/QĐ-NHNN từ 4-1-2016, với biên độ +-3%.
Sáng 4-1, sau khi NHNN công bố tỷ giá trung tâm là 21.896 đồng/USD. Các ngân hàng đồng loạt tăng giá bán USD lên gần kịch trần (Vietcombank, Dong A Bank niêm yết USD ở mức 22.470 – 22.540 đồng/USD. Viettinbank ở ngưỡng 22.455 – 22.540 đồng/USD; Eximbank là 22.450 – 22.540 đồng/USD; ACB là 22.450-22.530 đồng/USD mua vào và bán ra.
Đến 1/3, NHNN công bố tỷ giá trung tâm giảm 7 đồng/USD so với phiên trước, ở mức 21.907 đồng mỗi USD. Giá USD trong các ngân hàng thương mại khá ổn định và phổ biến quanh mức 22.265 đồng/USD mua vào, 22.335 đồng mỗi USD bán ra.
Giữa tháng 3/2016, tỷ giá trung tâm tăng 13 đồng so với phiên trước, ở mức 21.872 đồng/USD, tức giảm tới 24 đồng so với tỷ giá trung tâm công bố ngày 4-1, ngày đầu tiên áp dụng chính sách mới về tỷ giá (21.896 đồng/USD). Tuy nhiên, giá USD tại các ngân hàng thương mại vẫn giữ ổn định.
Như vậy, trong quý 1-2016, tỷ giá được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày, với mức độ được NHNN tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo đúng chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành. Cách thức điều hành tỷ giá mới này đang được vận hành trơn tru, ngày càng có tính thị trường cao hơn và cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế; giảm bớt áp lực bán ngoại tệ can thiệp thị trường và kỳ vọng đầu cơ khác.
Chính sách tỷ giá linh hoạt mới khiến các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tăng thêm áp lực cải thiện năng lực phân tích và thích ứng với thị trường linh hoạt và biến động mau lẹ hơn. Một số ngân hàng và doanh nghiệp có thể chịu rủi ro tỷ giá cao hơn nếu năng lực phân tích chính sách và phản ứng thị trường chậm được cải thiện.
Nhìn chung, trong quý 1-2016, thị trường ngoại hối linh hoạt trong ổn định, hướng tới lâu dài và vì lợi ích tổng thể chung; góp phần giữ vững ổn định vĩ mô, hỗ trợ sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp, củng cố niềm tin trên thị trường và hài hòa các lợi ích trong bối cảnh kinh tế hiện nay. NHNN đã và đang kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán ngoại hối, ngăn chặn và hạn chế những nhu cầu ảo, nhu cầu ngoại hối không chính đáng, củng cố kỳ vọng tỷ giá trong thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, không có biến động kiểu ‘sốc tỷ giá”.
Năm 2016, thị trường tài chính đòi hỏi sự tuân thủ các chuẩn mực thị trường và quản trị rủi ro cao hơn. Điều này mở thêm cơ hội và cả áp lực mới cho các ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp trong kinh doanh dài hạn, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh hơn.
TS.Nguyễn Minh Phong
TIN LIÊN QUAN |
---|