Những vụ phát hiện nhầm con nhờ linh tính của cha mẹ

10/03/2016 18:10

Ngày nhận con tại viện, chị Thu đã thấy có gì nhầm lẫn và sau 3 tháng nuôi bé, chị đi xét nghiệm ADN và biết linh tính của mình đúng.

Đây là một trong những trường hợp trao nhầm con hy hữu cuối năm 2012 tại Long Khánh, Đồng Nai, được báo chí đưa tin rộng rãi thời kỳ đó. Hai em bé là con chị Thu (huyện Cẩm Mỹ) và con chị Tuyết (huyện Xuân Lộc). Hai bà mẹ cùng nhập viện và được mổ cấp cứu cùng lúc.

Sau khi nhận con, cả nhà chị Thu lẫn nhà chị Tuyết đều nghi ngờ có sự nhầm lẫn vì giới tính của em bé được bệnh viện trao không giống như kết quả siêu âm khi mang bầu. Dù vậy, họ không nói với nhau điều gì, chỉ có hai bà mẹ xin số điện thoại của nhau để liên lạc.

Đưa bé về nhà nuôi dưỡng được gần 3 tháng, nỗi nghi ngờ càng tăng lên khi cả nhà chị Thu thấy em bé không giống chút nào với các thành viên khác trong gia đình. Chị Thu đã gọi điện lại cho chị Tuyết. Họ đã quyết định cùng mang con đi làm xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, đúng là hai em bé đã bị trao nhầm. Sau khi nhận lại con ruột, cả hai gia đình cũng nhận em bé bị trao nhầm làm con nuôi và sau đó vẫn liên lạc với nhau, thường xuyên qua thăm hỏi.

nhung-vu-phat-hien-nham-con-nho-linh-tinh-cua-cha-me

Ảnh minh họa: Growingyourbaby.

Nhầm con ở bệnh viện trước nay vẫn được coi là trường hợp cực hiếm. Tuy nhiên, khi phóng viên tham khảo ý kiến 4 trung tâm xét nghiệm ADN tại Hà Nội thì 3 đơn vị trong đó khẳng định họ đều từng có kết quả giám định cho thấy có sự trao nhầm con như vậy.

Một chuyên gia của khoa giám định ADN, Viện Pháp y Quốc Gia cho biết, đơn vị này từng phân tích ADN, xác nhận có 2 trường hợp nhận nhầm con, nhưng sau đó thì chưa nhận tin người nào trong số này tìm lại được con ruột của mình.

Ông nhớ mãi một trường hợp mình từng trực tiếp giám định hai năm trước. Một người đàn ông tên Tâm tìm đến viện với 3 mẫu tóc tự thu thập, ghi lần lượt là của "bố - mẹ - con" nhờ xét nghiệm ADN. Khi thấy kết quả khẳng định mẫu "con" không hề có quan hệ gì với mẫu của cả bố lẫn mẹ, chuyên viên đã gọi hỏi lại "liệu anh có nhầm mẫu không". Cuối cùng, anh Tâm đã dẫn cả vợ và đứa con 3 tuổi của mình tới viện pháp y để lấy mẫu trực tiếp và làm lại xét nghiệm. Kết quả vẫn cho thấy em bé không phải là con của cả hai người.

Lúc này, cặp vợ chồng mới chia sẻ rằng: Họ sinh con tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội. Sau khi xuất viện đưa con về nhà, cả hai luôn có cảm giác nghi ngờ em bé này không phải con mình vì vẻ ngoài của em chẳng có nét gì giống hình siêu âm, cũng như bố mẹ. Nỗi nghi ngờ ngày càng lớn và cuối cùng cả hai quyết định đưa con đi làm xét nghiệm xác định huyết thống.

"Người đỡ đẻ cho vợ tôi hôm ấy lại chính là một cô bạn thân của vợ. Bởi thế, suốt bao năm nay, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy lăn tăn khó nghĩ. Vợ chồng tôi không muốn làm khó cô ấy hay bệnh viện, giờ chỉ có một hy vọng duy nhất là tìm lại gia đình đã được trao nhầm con để đón cháu về", anh Tâm bày tỏ với chuyên gia.

Bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ Di truyền (Hà Nội) cho biết, cơ sở của bà từng xét nghiệm xác nhận 3 trường hợp nuôi nhầm con người khác. "Thông thường, giữa cha mẹ và con cái có một sợi dây gắn bó vô hình nên nhiều người trong quá trình nuôi con có thể do linh tính mách bảo mà biết đứa trẻ mình đang chăm sóc không phải máu mủ. Tuy nhiên, đôi khi, họ không dám tin điều đó và cố gắng gạt nghi ngờ này đi nên rất nhiều năm sau mới đi kiểm tra hay tìm lại con", bà Nga chia sẻ.

Một trường hợp mới tìm đến trung tâm của bà là một điển hình. Đó là một phụ nữ hơn 50 tuổi, đi cùng cô con gái và mang theo một chiếc bàn chải tới. Bà giới thiệu cô gái đi cùng mình là con út và bà muốn kiểm tra quan hệ mẹ con của mình với mẫu niêm mạc từ chiếc bàn chải của người con gái lớn ở nhà.

"Từ lúc bé, nó đã không giống ai trong nhà tôi, từ vẻ ngoài tới tính cách. Trong lòng tôi lúc nào cũng thấy như có bức tường với nó, cố yêu thương gần gũi cũng không được", bà nói. Kết quả phân tích ADN xác nhận linh tính của bà là đúng: cô con gái kia thực sự không phải con bà.

Bẵng đi mấy năm, vị khách này quay lại, nhưng không phải đưa mẫu làm thêm, mà chỉ ngồi khóc. Bà kể rằng mình đã gặp được "con gái ruột" nhưng lại đánh mất cơ hội nhận con. "Tôi vô tình gặp con ở một quán hàng trong chuyến du lịch đến Đà Nẵng. Vừa nhìn con bé, tôi đã giật mình thấy nó giống hệt đứa con út, rồi khi trò chuyện, tôi cảm giác rùng mình vì thấy như đã thân thiết từ lâu. Tôi đã nấn ná tìm đến tận nhà họ hỏi han và càng hy vọng khi biết nhà họ cũng gốc Bắc. Con bé giờ là lao động chính nuôi một gia đình bố mẹ ốm yếu, các em không việc làm. Nhưng họ chối rằng đã sinh con không cùng nhà hộ sinh nơi tôi đẻ. Tôi về Hà Nội rồi vẫn day dứt và đã quay lại nơi đó nhưng nay họ đã chuyển cả nhà đi rồi, tôi không biết phải làm sao", người mẹ chia sẻ. Bà tiếc nuối vì lần trước gặp cô gái đó đã không xin một sợi tóc để có thể làm xét nghiệm, khẳng định linh tính của mình.

Bà Nga cũng nhớ mãi một trường hợp có hậu khi hai gia đình bị trao nhầm con tìm lại được nhau và nhận lại được con ruột của mình. Đây cũng là một trong những ca xét nghiệm ADN đặc biệt nhất suốt những năm trong nghề của bà.

Khởi đầu của sự việc này là chuyện một chàng trai trẻ tên Thắng mang hai mẫu xét nghiệm tới nhờ xác nhận quan hệ cha con. Kết quả cho thấy hai mẫu này không có quan hệ huyết thống. Hôm sau, Thắng dẫn theo một anh bạn cùng một bé trai tầm gần một tuổi tới trung tâm. Hóa ra đầu đuôi sự việc như sau: Thắng muốn cưới một bà mẹ đơn thân, nhưng gia đình phản đối và ra điều kiện chỉ khi đứa con của cô gái kia có quan hệ máu mủ với mình thì mới cho cưới. Không biết làm thế nào, Thắng bèn nhờ người bạn thân tên Minh trợ giúp, bằng cách xin mẫu móng tay của bố con anh mang đi làm xét nghiệm, để có kết quả "cha -con" mang về gia đình. Không ngờ, kết quả phân tích lại khác, khiến cả anh và người bạn cho mẫu đều sốc: Anh Minh không phải bố đứa trẻ mình vẫn yêu thương bấy lâu.

Chưa bao giờ nghi ngờ vợ ngoại tình, anh Minh kể lại với vợ việc này và cả hai nghĩ tới khả năng bị nhầm con khi ở trong bệnh viện. "May mắn là, vợ anh Minh sinh ở khoa sản của bệnh viện gần nhà, lại có người quen trong đó và số sản phụ sinh cùng ngày, cùng giờ với chị không nhiều nên họ đã tìm lại được gia đình mình nghi nhầm con. Cả hai gia đình đã cùng đưa con đến xét nghiệm lại và hạnh phúc khôn tả khi tìm lại được đúng ruột thịt của mình", bà Nga kể lại.

*Tên một số nhân vật trong bài viết đã được thay đổi



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN