Vụ trưởng Chính sách tiền tệ: Giữ ổn định lãi suất là một thách thức rất lớn

25/02/2016 12:16

(Baonghean) - Tăng trưởng tín dụng là một trong những động lực để góp phần hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa mở rộng tín dụng vừa bảo đảm chất lượng, không phát sinh nợ xấu.

Giao dịch tại chi nhánh BIDV Nghệ An. Ảnh: Châu Lan
Giao dịch tại chi nhánh BIDV Nghệ An. Ảnh: Châu Lan

Đánh giá về mức tăng trưởng tín dụng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông cho biết, gần đây, tăng trưởng tín dụng đã thực chất và bền vững hơn, thể hiện ở việc tốc độ tăng đã được khởi đà ngay từ đầu năm và được duy trì ở mức tăng khá đều qua từng tháng, khoảng hơn 1%. Bên cạnh đó, dòng vốn tín dụng cũng đã được tập trung chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Gần đây, VietinBank cũng đã triển khai nhiều chương trình cho vay trong lĩnh vực tiêu dùng, như gói sản phẩm “Cho vay kết hợp bảo hiểm tín dụng”, chủ động lường trước nhu cầu để triển khai sản phẩm tín dụng phù hợp, đạt được tính thực chất và bền vững - Tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ cho biết.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đồng thuận cho rằng, sự phục hồi tăng trưởng rõ nét của nền kinh tế có thể khiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 của NHNN đưa ra sẽ cao hơn năm 2015, lý tưởng nhất là ở mức 18 - 20%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay chính là làm thế nào để tăng trưởng tín dụng nhưng không tăng lãi suất cho vay, thì mới có thể “ủng hộ” DN một cách thực chất được.

Ngoài việc tăng lãi suất, để thu hút vốn, nhiều ngân hàng cũng đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại “khủng” dành cho khách hàng, khiến cho thị trường lãi suất càng trở nên sôi động. Tuy NHNN đã chấn chỉnh thị trường từ trước Tết Nguyên đán, không cho phép các ngân hàng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn...

Mong muốn của các DN là có thực, và mong muốn tăng trưởng tín dụng, tăng thêm lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng là có thực. Theo một số lãnh đạo ngân hàng, việc kiềm lãi suất cho vay ở mức thấp khá dài thời gian qua tuy đã giúp DN có khoản vay giá rẻ, nhưng lại là bài toán mà các ngân hàng phải đối đầu. Việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động đã phản ánh một thực tế thanh khoản hệ thống dù tương đối dồi dào nhưng đã có sự sụt giảm, vì vậy, các ngân hàng phải đua tranh thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn do các ngân hàng phải giữ dòng vốn không chảy ra khỏi ngân hàng của mình, dẫn đến tình trạng thị trường lãi suất "nóng" lên từ cuối năm 2015, hiện vẫn chưa hề "nguội" đi, bất chấp nhiệm vụ cho vay ổn định để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng, năm 2016, việc giữ ổn định lãi suất là một thách thức rất lớn bởi lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016, cao hơn nhiều so với mức 0,6% của năm 2015, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động. Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng năm trước và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011–2015 sẽ làm nhu cầu vốn tín dụng gia tăng... Thêm vào đó, nguồn vốn trung và dài hạn lại phụ thuộc rất nhiều vào thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, vào nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ. Các thực tế này rõ ràng là một áp lực lớn đối với hệ thống NH và cả hệ thống DN, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Đây cũng là chính là một thách thức lớn trong việc hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN