Thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm, nhưng giá xe lại tăng

16/01/2016 18:18

Người tiêu dùng khi Việt Nam kỳ vọng khi hội nhập ngày càng sâu rộng, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN năm 2016 giảm còn 40% so với mức 50% của năm 2015 thì giá xe ôtô sẽ giảm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thế nhưng, ngay từ đầu năm 2016, giá xe nhập khẩu không giảm mà còn tăng từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng so với trước.

Giảm thuế theo lộ trình nhưng giá tăng


Sau mấy ngày đi tìm hiểu tại một số đại lý xe ở Hà Nội, anh Phạm Văn Tuấn, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết anh đã có dự định sau khi đổi chiếc SantaFe sang Mercedes E400. Trước khi đi công tác anh đã xem xe, nhưng vì bận công việc nên không ký hợp đồng đặt cọc để giữ xe, sau hai tuần quay lại giá xe đã tăng tới 80 triệu đồng với giá mới 2,878 tỷ đồng.

Trong khi đó, chị Trần Hằng ở Hà Nam cho biết: “Lâu nay cứ nghĩ Việt Nam đã gia nhập và thực hiện nhiều hiệp định thương mại, nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm giá như năm 2016 thuế nhập khẩu xe giảm 10% giá xe sẽ giảm theo, nhưng khi đến đại lý mới tá hỏa giá xe không được giảm theo lộ trình mà còn tăng so với năm trước.”


Qua thực tế, việc tăng giá xe này đã được một số doanh nghiệp áp dụng ngay từ đầu năm 2016. Đi tiên phong trong việc này là Mercedes-Benz Việt Nam áp dụng biểu giá mới với mức tăng thấp nhất 20 triệu đồng đối với chiếc CLA và cao nhất là 1,8 tỷ đồng cho chiếc G65 AMG (16,499 tỷ đồng).


Trong khi nhà nhập khẩu và phân phối BMW tại Việt Nam Euro Auto còn đang cân nhắc đến việc tăng giá xe thì ngoài thị trường BMW Series 6 Gran Coupé tăng 65 triệu đồng lên 4,29 tỷ đồng; BMW 118i tăng 80 triệu đồng lên 1,379 tỷ đồng; BMW X6 xDrive30d tăng 499 triệu lên 3,888 tỷ đồng…


Trong khi phân khúc xe hạng sang tăng từ vài chục triệu đến gần vài tỷ đồng, thì ở phân khúc xe bình dân, một số nhà sản xuất còn cân nhắc để tránh giảm doanh số trong tháng Tết - tháng mua sắm này.


Hyundai Thành Công - nhà lắp ráp và nhập khẩu các dòng xe phổ thông từ Hàn Quốc, Ấn Độ cho biết, để hỗ trợ khách hàng, hãng đã và đang nỗ lực để giữ nguyên giá cũ ít nhất trong vài tháng tới. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ cân nhắc đến việc tăng giá cho phù hợp với tình hình thực tế. Một số hãng khác như Trường Hải, Toyota mặc dù chưa tăng giá ngay nhưng cũng cân nhắc đến chuyện điều chỉnh giá xe bán ra trong thời gian tới.


Đối với dòng xe phổ thông như Hyundai, Kia... đã nỗ lực giữ nguyên giá cũ để hỗ trợ khách hàng, cuối năm một số đại lý còn ưu đãi với giá bán thấp hơn giá niêm yết của nhà cung cấp. Chị Mỹ Hạnh ở Chương Mỹ hồ hởi chia sẻ, vợ chồng chị vừa tậu được con xe ưng ý trong tầm tiền - Hyundai i20 thể thao đa dụng nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ với giá trên 600 triệu đồng, rẻ được hơn chục triệu so với giá 619 triệu đồng khi mẫu xe này ra mắt tháng 7/2015…


Giá xe khó có thể giảm


Theo Thông tư 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm từ 50% năm 2015 xuống 40% kể từ ngày 1/1; giảm còn 30% từ ngày 1/1/2017 và giảm còn 0% vào 1/1/2018, theo đó giá xe sẽ giảm đáng kể.


Bên cạnh đó, tại Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành biểu thuế xuất khẩu-biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, từ 1/1 có 8 dòng thuế ôtô được cắt giảm từ 2-4%, theo lộ trình cam kết WTO...


Tuy nhiên, theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP, từ ngày 1/1, mặt hàng ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ, giá bán ra của nhà nhập khẩu không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu (nếu có) cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu. Trường hợp thấp hơn mức này, giá thuế sẽ do cơ quan thuế ấn định.


Như vậy, giá thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ cộng thêm một phần lợi nhuận của doanh nghiệp, chi phí cước vận chuyển và những chi phí liên quan khác khiến giá xe tăng cao hơn.


Theo tính toán của doanh nghiệp, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Nghị định 108/2015/NĐ-CP, nhiều loại xe còn tăng thuế từ 5 đến 10% so với trước khiến giá xe cũng tăng theo. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tỷ giá mới giữa Việt Nam đồng và đồng USD khiến doanh nghiệp rất khó định hướng trong kế hoạch của mình.


Theo đó, khi tỷ giá biến động thì chi phí doanh nghiệp bỏ ra phải tăng lên sau đó tính vào giá thành sản phẩm bán ra để đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Như vậy, chỉ cần hai yếu tố là thuế và tỷ giá, giá xe trong năm 2016 khó có thể giảm.


Cùng với đó, trước tình hình ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố này đang đau đầu với với kế hoạch hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là đối với ôtô.


Tại phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương cuối năm 2015, Tân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp với thành phố Hà Nội xây dựng phương án, lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông. Việc hạn chế này có thể các địa phương sẽ có chính sách về thuế, phí ra đời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương khiến giá thành cho một chiếc ôtô có giá cao hơn.


Như vậy, lộ trình giảm thuế nhập khẩu đã có, nhưng với những biến động về thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, giá xe nhập khẩu đến tay người tiêu dùng không những giảm mà còn tăng so với trước. Giấc mơ về việc mua xe ôtô giá rẻ theo lộ trình hội nhập đối với người tiêu dùng trong nước không được như kỳ vọng.


Thậm chí, anh Phạm Văn Tuấn và nhiều người còn cho rằng, đến đầu năm 2018, thuế nhập khẩu xe được cắt giảm còn 0%, nhưng nhiều người tiêu dùng cho rằng, các nhà làm chính sách có thể vẫn coi đây là mặt hàng xa xỉ không khuyến khích tiêu dùng như những năm gần đây và khả năng lặp lại câu chuyện giảm cái này - giảm theo lộ trình, nhưng lại tăng cái kia - tăng các sắc thuế, phí khác để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Đây cũng là câu chuyện được các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách bàn thảo nhiều ở những cuộc hội thảo của triển lãm ôtô và phương tiện cá nhân vì ôtô vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ nên mỗi chiếc xe phải cõng hơn 10 loại thuế và phí như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ và nhiều loại phí khác làm tăng giá xe để hạn chế tiêu dùng.

Theo Kinh tế và đô thị

TIN LIÊN QUAN