Bắt đầu giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội

24/02/2016 18:23

Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được tiến hành từ ngày 24/2 đến 10/3, thực hiện theo 3 bước.

Ngày 24/2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.

Phó chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho biết, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan được tiến hành từ ngày 24/2 đến 10/3, thực hiện theo 3 bước. Bước 1, ban lãnh đạo cơ quan họp dự kiến người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Cơ quan ở Trung ương chỉ giới thiệu một người, không bắt buộc phải là người đứng đầu mà có thể cấp phó hoặc người tiêu biểu đại diện cho tổ chức đó (các cơ quan Đảng, Nhà nước đa phần giới thiệu người đứng đầu).

bat-dau-gioi-thieu-nguoi-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi

Ông Nguyễn Văn Pha. Ảnh: PT

Bước 2, tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử. Nơi nào có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có 2/3 người tham dự. Trên 100 cử tri thì tổ chức hội nghị cử tri đại diện nhưng phải bảo đảm 70 người tham dự.

Bước cuối cùng là trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan tổ chức hội nghị mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Căn cứ vào kết quả hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, người được lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ ứng cử theo quy định.

Trong hồ sơ ứng cử phải có bản kê khai tài sản. Ông Pha thông tin, bất cứ ai khi đã kê khai những vấn đề liên quan đến mình, trong đó có tài sản, phải chịu trách nhiệm về bản kê khai đó. "Không phải kê khai xong rồi là xong, mà bản kê khai sẽ theo người đó đến hết nhiệm kỳ, nên phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung bản kê khai đó. Nếu có khiếu nại tố cáo của cử tri về người đó thì Mặt trận sẽ yêu cầu xác minh theo đúng quy trình pháp luật", ông Pha cho hay.

bat-dau-gioi-thieu-nguoi-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-1

Lịch trình bầu cử Quốc hội.

Chậm nhất là ngày 13/3, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử để đến ngày 15/3, đưa vào danh sách hiệp thương. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16 đến 18/3.

Theo Nghị quyết 1140, dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa 14 và số lượng người của các cơ quan ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 là 198 (39,6%). Trong đó, các cơ quan Đảng 11; cơ quan Chủ tịch nước 3; các cơ quan của Quốc hội 114; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu.

Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) 15 đại biểu; Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Công an) 3; Tòa án nhân dân tối cao 1; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 1; Kiểm toán Nhà nước 1; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 31 đại biểu.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN