Lãnh đạo đất nước thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm

28/03/2016 06:26

Nội dung đáng chú ý trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đó là các bản báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của lãnh đạo đất nước

Kết thúc tuần làm việc đầu tiên, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã bàn thảo nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Trong đó, nổi bật là bức tranh tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; cùng nhiều vấn đề bức xúc được trình ra Quốc hội.

Nhiều nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã được đề cập ngay trong phiên khai mạc. Ngoài báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội là Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước; Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội cũng đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch nước trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016.
Chủ tịch nước trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày khẳng định: Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định trong năm 2016 là tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tình trạng sạt lở bờ biển, mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, chăm lo ổn định đời sống nhân dân, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, bị đói và bùng phát dịch bệnh.

Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được, cũng như dự báo tình hình sắp tới, Chính phủ đề xuất trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4%. Các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tới vẫn bám sát đột phá lớn đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 là: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng...

Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các nhà lãnh đạo đất nước đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm trong những vấn đề gây bức xúc dư luận, cũng như tìm ra phương hướng khắc phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Quốc hội thừa nhận, hoạt động lập pháp còn hạn chế: Việc chuẩn bị một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng trình Quốc hội; không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định...

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn: Với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước có trách nhiệm trước thực trạng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực. Trước một số vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng và bức xúc, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn những vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết, theo quy định của Hiến pháp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo trước Quốc hội.Ảnh: Hoàng Long

Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững; chủ động chỉ đạo chuẩn bị các Đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế; chỉ đạo đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế… Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận, năng lực dự báo của Chính phủ còn hạn chế; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời…

Liên quan đến chương trình xây dựng pháp luật, trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), dự thảo Luật tiếp cận thông tin và dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN