Bỏ tư duy manh mún trong phát triển du lịch

21/02/2016 09:48

(Baonghean) - Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, du lịch được xác định xây dựng thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm nhờ khả năng đem lại cả giá trị kinh tế lẫn lợi ích về mặt xã hội. Với mong muốn phát huy, khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên và con người của Nghệ An nói riêng, vùng Bắc - Nam Trung Bộ nói chung, Hội thảo khoa học liên kết phát triển du lịch vùng lần đầu tiên được tổ chức tại Nghệ An ngày 20/2/2016.

Bên cạnh sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo cấp Trung ương và địa phương, tham dự hội thảo còn có hơn 400 đại biểu khách mời là đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức và dự án quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu về kinh tế - xã hội.

Đến với hội thảo, các đại biểu khách mời không chỉ thích thú trước những sản phẩm, sản vật đặc sắc mà các địa phương vùng Bắc - Nam Trung Bộ mang đến trưng bày tại gian triển lãm hội thảo mà còn được nghe nhiều ý kiến tham luận tâm huyết, những kinh nghiệm phát triển du lịch chia sẻ bởi đại diện các địa phương, các tổ chức, dự án có “thương hiệu” trong ngành công nghiệp du lịch.

Triển lãm trưng bày các sản vật địa phương tai Hội thảo khoa học phát triển du lịch liên kết vùng Bắc - Nam Trung Bộ.
Triển lãm trưng bày các sản vật địa phương tai Hội thảo khoa học phát triển du lịch liên kết vùng Bắc - Nam Trung Bộ.

Từ thực trạng nền du lịch thiếu đồng bộ của vùng

Phát biểu và báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, nhà tài trợ chính của sự kiện - nhận định vùng Bắc - Nam Trung Bộ bao gồm 13 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc TƯ tạo thành một hành lang địa lý kéo dài theo đường bờ biển và đường biên giới giáp 2 nước bạn Lào - Campuchia. Đây là khu vực có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hoá cũng như điều kiện tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi không chỉ để các địa phương phát triển du lịch nội tỉnh mà còn có khả năng hình thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ du lịch liên kết vùng.

Trong tương lai, hình thành liên kết chặt chẽ giữa các vùng Bắc - Nam Trung Bộ sẽ nâng cao hiệu quả khai thác của “con đường di sản” độc đáo với 5/8 di sản vật thể thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm: Thành nhà Hồ (Thanh Hoá), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Đô thị cổ Hội An - một trong những điểm đến ưa thích nhất của du khách nước ngoài trên
Đô thị cổ Hội An - một trong những điểm đến ưa thích nhất của du khách nước ngoài trên "con đường di sản" Việt Nam.

Vùng còn có các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận là Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế), Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và tới đây là Dân ca Bài Chòi khu vực Nam Trung Bộ. Đồng thời, đây cũng là “con đường du lịch biển đảo” đẹp nhất tại Việt Nam, với đường bờ biển dài gần 1.900km, có nhiều bãi biển, vịnh xếp hạng đẹp nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, mức phát triển và giá trị đem lại từ ngành du lịch tại vùng Bắc - Nam Trung Bộ chưa tương xứng với tài nguyên thiên nhiên và văn hoá vốn có. Nguyên nhân là do hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, quy mô và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng mất cân đối.

Đơn cử như: vùng Nam Trung Bộ ước thu hơn 32 nghìn tỷ đồng từ du lịch trong năm 2015, gấp 2 lần doanh thu của vùng Bắc Trung Bộ; số lượng cơ sở lưu trú 3 - 5 sao vùng Bắc Trung Bộ chỉ bằng 32% so với phía Nam, các khu du lịch cao cấp, quy mô lớn hiện cũng tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ…

Sự cần thiết thay đổi tư duy làm du lịch

Trên cơ sở những lợi thế về tài nguyên và thực trạng phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ, hội thảo đã đề ra các nhóm vấn đề để các đại biểu tham gia diễn thuyết, đóng góp ý kiến.

PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đem đến một góc nhìn mới về du lịch miền Trung khi nhận xét:

“Lâu nay miền Trung mới chỉ sử dụng các bãi tắm để làm du lịch là chủ yếu, còn nhiều tài nguyên khái thì chưa khai thác được. Cách tư duy, nhìn nhận về tài nguyên du lịch phải thay đổi để mang tầm thời đại và đúng với đẳng cấp của nó.

Ví dụ như cố đô Huế thì phải được coi là di sản của loài người chứ không của riêng Việt Nam. Hay gió Lào - cái mà chúng ta vẫn coi là bất lợi thì trên thế giới cũng chẳng nơi nào có và đương nhiên có thể biến thành đặc sản du lịch”.

PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nên phát triển du lịch đẳng cấp từ những điều bình thường nhưng mang bản sắc địa phương.
PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nên phát triển du lịch đẳng cấp từ những điều bình thường nhưng mang bản sắc địa phương.

Tham luận của ông nhấn mạnh giá trị của sự khác biệt, đề cao sự phong phú, đặc sắc của thiên nhiên, văn hoá, con người bản địa, ngay từ những điều ta vẫn cho là bình thường nhất. Qua đó, càng khẳng định sự cần thiết phải thiết lập chuỗi du lịch liên kết vùng để tăng “hàm lượng” và chất lượng du lịch, đem đến cảm giác phong phú, đặc sắc cho du khách.

Phát biểu chỉ đạo và định hướng tại hội thảo, đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định phát triển du lịch là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, với tầm nhìn đến năm 2020 phấn đấu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các tỉnh miền Trung cần có nhận thức sâu về lợi thế tĩnh và động của từng địa phương, đánh giá đúng thực trạng nền du lịch khu vực. Đồng thời, cần học hỏi kinh nghiệm từ ngành du lịch của các nước bạn, đẩy mạnh liên kết ngành và liên kết vùng để phát triển ngành công nghiệp không khói.

Lãnh đạo các tỉnh vùng Bắc - Nam Trung Bộ ký cam kết thoả thuận liên kết phát triển du lịch.
Lãnh đạo các tỉnh vùng Bắc - Nam Trung Bộ ký cam kết thoả thuận liên kết phát triển du lịch.

Khép lại hội thảo, đồng chí Hồ Đức Phớc - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai phát triển du lịch ở vùng Bắc - Nam Trung Bộ nói chung, Nghệ An nói riêng:

“Qua hội thảo hôm nay, chúng tôi sẽ rất quyết tâm tạo ra và nhất quán thực hiện những cơ chế, chính sách và chương trình hành động để phát triển du lịch. Nghệ An cam kết với các tỉnh trong cả nước, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ để tạo ra sự liên kết giữa các tỉnh với nhau, cùng nhau phối hợp và hỗ trợ cho nhau để đẩy du lịch của chúng ta phát triển đi lên”.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN