20 năm "trồng người" trên "vạch đỏ"

30/01/2016 07:48

(Baonghean) - Suốt 20 năm qua, thầy Trần Đức Qùy gắn bó với mảnh đất Nhôn Mai (Tương Dương). Chốn rẻo cao biên giới này là quê hương thứ hai của thầy với một gia đình lớn đầm ấm.

Chọn nơi "vạch đỏ"

Năm 1996, tròn 24 tuổi, tốt nghiệp trung cấp Sư phạm Tiểu học, thầy Trần Đức Qùy (quê Giang Sơn Đông- Đô Lương) sửa soạn hành lý ngược dòng Lam lên đất Tương Dương. Vừa chân ướt, chân ráo đến nơi, thầy được lãnh đạo Phòng Giáo dục chỉ những “vạch đỏ” trên bản đồ ngành để lựa chọn. Những “vạch đỏ” ấy biểu thị sự khó khăn, thiếu thốn, chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa. Người thanh niên trẻ ấy đưa ra quyết định trong thoáng chốc: “Vậy em đăng ký đi Nhôn Mai”, ấy là nơi khó khăn bậc nhất trong số những vùng "vạch đỏ".

Hành trình lên Nhôn Mai mất cả ngày dằng dặc, gần 22 giờ đêm mới tìm được đến trường với cái bụng đói meo và toàn thân mệt lả. Chưa kịp hỏi han đồng nghiệp thì cơn buồn ngủ đã ập đến, một giấc ngủ sâu chưa từng có trong cuộc đời. Thức dậy, thấy ngôi trường làm bằng tre nứa đã xập xệ giữa chốn hoang sơ, những đứa trẻ lấm lem cắp sách đến trường, thầy giáo Qùy bắt đầu thấm thía những gian nan đang đợi chờ phía trước.

Từ đó, thầy Qùy gắn bó với Nhôn Mai xa xôi, heo hút, nơi thừa nắng gió và rét buốt nhưng thiếu quá nhiều thứ. Bước chân của thầy đã in dấu khắp các bản làng Nhôn Mai, kể cả những bản làng xa cuốc bộ cả ngày trời như Huồi Cọ, Huồi Măn, Phá Mựt, Thăm Thẩm...

Chúng tôi hỏi : “Chừng ấy năm bám trụ ở Nhôn Mai, thầy sợ nhất điều gì?”, thầy Qùy liền trả lời: “Đó là những trận sốt rét, ai chưa trải qua những cơn sốt rét rừng chắc không thể hình dung nổi nó đáng sợ như thế nào”. Những trận sốt rét rừng thường theo từng cơn, từng giờ nhất định. Người run lẩy bẩy, tím tái, đầu nặng như búa bổ.

Thầy Trần Đức Qùy bên bố mẹ
Thầy Trần Đức Qùy bên bố mẹ.

Với thầy Trần Đức Qùy, có khi đó là một sự may mắn vì có cơ duyên gắn bó cuộc đời với một thiếu nữ Thái xinh đẹp ở đất này. Những trận sốt rét khiến cho thầy Qùy tong teo, cơm chẳng buồn ăn, nước chẳng buồn uống. Thương anh giáo miền xuôi ốm đau không người thân chăm sóc, Vi Thị Túc- cô gái trẻ bản Nhôn Mai tự nguyện lo cơm nước hàng ngày.

Khi trận sốt rét lùi đi thì tình yêu của hai người đã đến, rất đỗi bất ngờ nhưng cũng rất hợp lẽ, hợp tình. Đến nay, sau gần 15 năm chung sống, mái ấm của thầy Qùy đã có 4 thành viên, 2 con của thầy (1 gái, 1 trai) đều ngoan ngoãn và học giỏi. Cuộc sống gia đình hạnh phúc là nguồn động lực và giúp thầy yên tâm cống hiến trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp “gieo chữ” nơi biên cương xa xôi.

Từ giáo viên cắm bản đến hiệu trưởng...mầm non

Lên Nhôn Mai công tác được 3 năm, thầy Trần Đức Qùy được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đã 3 khóa liên tục là Uỷ viên BCH Đảng bộ xã. Từ một giáo viên cắm bản đến cán bộ quản lý, thầy đã hiểu một cách cặn kẽ đất và người Nhôn Mai. Tại những cuộc họp quan trọng, các ý kiến đóng góp của thầy luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm và ghi nhận.

Với tư cách một đảng viên, một cán bộ quản lý, thầy Qùy luôn là người gương mẫu và tận tụy, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt những công việc khó khăn. Năm 2013, đang là Phó hiệu trưởng trường Tiểu học, thầy được điều chuyển làm Hiệu trường Mầm non. Lúc đầu, không tránh khỏi những băn khoăn, ái ngại, vì công việc mới không thuộc chuyên môn, lại chưa có tiền lệ giáo viên nam làm quản lý ở bậc Mầm non.

Thầy Trần Đức Qùy sắm sửa vật dụng cho căn nhà mới đón mới Bính Thân.
Thầy Trần Đức Qùy sắm sửa vật dụng cho căn nhà mới đón mới Bính Thân.

Nhưng khi bậc học Mầm non ở Nhôn Mai còn hạn chế, nếu tăng cường nữ giáo viên lớn tuổi sẽ không đủ sức đảm nhiệm ở địa bàn khó khăn này. Nếu tăng cường nữ giáo viên trẻ sẽ không đủ kinh nghiệm quản lý, vì Nhôn Mai là vùng đặc thù. Chỉ có thầy Qùy là người thích hợp nhất, vì đã gắn bó lâu năm, am hiểu vùng đất này, có đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ trên một địa bàn xa xôi, cách trở.

Khi được phân tích như thế, thầy Qùy đã nhận ra sự hợp lý và vui vẻ nhận nhiệm vụ mới. 2 năm học đã trôi qua, từ chỗ đứng tốp cuối toàn huyện, đến nay Trường Mầm non Nhôn Mai đã vượt lên khoảng tốp giữa. Bước đi ấy có sự đóng góp không nhỏ của thầy Hiệu trưởng Trần Đức Qùy.

Thầy Qùy chia sẻ: “20 năm trước, tôi đặt chân đến Nhôn Mai, lúc ấy vùng đất này còn rất đỗi hoang vu, cách trở. Nay đã hoàn toàn khởi sắc, có những đổi thay cả trong mơ mình cũng không dám nghĩ tới. Tôi thật sự rất vui, vì Nhôn Mai không còn xa lắm nữa”.

Không vui sao được, khi trước đây vừa phải đi thuyền vượt bao thác ghềnh, vừa cuốc bộ cả ngày trời mới đến được với Nhôn Mai. Rồi sông Nậm Nơn được chặn dòng, thuyền máy lướt êm ru trên lòng hồ Bản Vẽ. Nay con đường miền Tây đã hoàn thành, nối 3 huyện vùng rẻo cao Kỳ Sơn- Tương Dương- Quế Phong, việc đi lại đã dễ dàng và thuận tiện, xe khách ra vào Nhôn Mai đều đặn hàng ngày.

Không vui sao được khi cánh sóng điện thoại đã phủ hầu khắp các bản làng, rút ngắn khoảng cách với quê hương. Và không vui sao được khi điện lưới quốc gia cũng vừa được kéo về, nguồn ánh sáng văn minh ấy sẽ là động lực giúp Nhôn Mai vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Không thể ngờ rằng, những niềm mơ ước đến cháy bỏng của bà con đã trở thành hiện thực

Thầy Trần Đức Qùy (ngoài cùng, bên trái) thăm hỏi bà con họ tràng trong dịp Tết.
Thầy Trần Đức Qùy (ngoài cùng, bên trái) thăm hỏi bà con họ tràng trong dịp Tết.

Tết Bính Thân này, thầy Trần Đức Qùy có được nhiều niềm vui, khi bố mẹ đều trên 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và song toàn. Và sau 20 năm gom góp, vợ chồng thầy đã xây dựng được ngôi nhà mới ở quê, Tết này sẽ đưa cả gia đình về làm lễ nhập trạch.

Nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt sạm đen báo hiệu mùa Xuân này thầy giáo mầm non Trần Đức Qùy có thêm nhiều niềm vui. Chia tay thầy, chúng tôi thực sự cảm phục một đảng viên gương mẫu và tận tụy, một thầy giáo tâm huyết, một người con hiếu thảo và một người chồng, người cha mẫu mực.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN