Thâm nghiêm đình Long Thái

23/02/2016 14:45

(Baonghean.vn) - Đến xã Thái Sơn (Đô Lương), ai cũng ấn tượng trước vẻ đẹp của đình Long Thái, ngôi đình cổ có lịch sử hàng trăm năm và được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đình Long Thái tọa lạc ở vị trí cao ráo, phía trước là cánh đồng bao la.
Đình Long Thái tọa lạc ở vị trí cao ráo, gắn liền với sự tích về Vua Lê Trang Tông - vị vua thời hậu Lê có nhiều công lao đối với đất nước. Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện về một người phụ nữ chạy loạn đến làng Vĩnh Long (nay là làng Long Thái) thuộc tổng Bạch Hà (Đô Lương ngày nay) trú ẩn trong lúc mang thai được dân làng cưu mang và một thời gian sau sinh hạ một người con trai, đặt tên là Lê Ninh.
Đình Long Thái thờ vua Lê Trang Tông- vị vua có công lớn đối với đất nước và nhân dân.
Lớn lên, Lê Ninh được một cựu thần tìm cách đưa sang nước Ai Lao (Lào) để chiêu tập binh sỹ, thực hiện khát vọng chấn hưng nhà Lê, lấy hiệu là Trang Tông. Lê Trang Tông ở ngôi 16 năm (1533-1548), qua đời khi 34 tuổi. Người dân làng Vĩnh Long chọn một điểm cao ráo ở phía nam của làng để lập miếu thờ, rồi mở rộng quy mô và sau này dựng thành ngôi đình lớn, tôn làm Thành hoàng làng và tổ chức cúng tế vào các dịp lễ, tết.
Các vì, kèo được chạm trổ tinh vi, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của bàn tay những người thợ.
Trước cách mạng, đình Long Thái là nơi hoạt động bí mật của Chi bộ Đảng, cũng là nơi chứng kiến các chức sắc của chế độ cũ nộp ấn tín cho chính quyền cách mạng trong ngày tổng khởi nghĩa. Trải qua 2 cuộc chiến tranh, đình Long Thái bị xuống cấp và đã được trùng tu cách đây chưa lâu. Kiến trúc của ngôi đình cơ bản còn giữ được vẻ cổ kính và linh thiêng với các linh vật được chạm trổ tinh vi và sắp đặt hài hòa, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của bàn tay những người thợ.
Mái đình lượn cong làm nên sự mềm mại và uyển chuyển.
Mái đình lượn cong làm nên sự mềm mại và uyển chuyển, toát lên vẻ đẹp cổ kính của một làng quê xứ Nghệ.
Buổi lễ tế Xuân năm Bính Thân (2016) tại đình Long Thái thu hút đông đảo nhân dân xã Thái Sơn tham gia.

Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội mang đậm dấu ấn truyền thống như lễ tế Xuân, mừng thọ, kỳ phúc. Trong đó, quan trọng nhất là lễ tế Xuân vào đầu tháng Giêng Âm lịch, đây là dịp để nhân dân gửi gắm ước vọng mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên bình vào mỗi độ Tết đến, Xuân về. Trong ảnh: Buổi lễ tế Xuân năm Bính Thân (2016).


Tường Anh - Nguyễn Lê