Tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương và nguyên tắc "không thích nợ nần ai"
Ban Kinh tế T.Ư vừa chính thức có tân Trưởng ban là nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình. Ông được nhiều người đánh giá là con người của hành động, quyết liệt và biết giữ lời.
Câu chuyện về ông Bình thì có nhiều, nhất là thời kỳ ông làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Có thể nói, đây là thời điểm mà hệ thống ngân hàng cũng như chính sách tiền tệ có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng trong số đó, có một góc nhìn ít người thấy hết: Đó là chủ trương tham gia hỗ trợ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bình được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ giữ chức Trưởng Ban Kinh tế T.Ư sáng nay. |
Nhiệm kỳ của hành động
Nhiệm kỳ ông Bình làm Thống đốc NHNN được đánh giá là nhiệm kỳ hành động và công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Ông ngồi “ghế nóng” vào thời điểm hệ thống ngân hàng ở tình trạng báo động đỏ, nợ xấu tăng lên tới 17%, thanh khoản khủng hoảng, các ngân hàng ở trong trạng thái “ăn đong”, lãi suất cao vút.
Tuy vậy, với nhiều giải pháp đồng bộ được đưa ra như thực hiện một loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập những ngân hàng yếu kém và thậm chí là mua lại với giá 0 đồng 3 ngân hàng, hệ thống ngân hàng đã được thanh lọc, đi vào hoạt động ổn định.
Ai cũng hiểu, đằng sau mỗi ngân hàng luôn tồn tại câu chuyện lợi ích nhóm, cho vay sân sau, sở hữu chéo và những chiêu trò về vốn điều lệ ảo, lãi ảo. Hành động quyết liệt trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như sáp nhập, hợp nhất và mua lại 0 đồng một số ngân hàng yếu kém, ban hành những thông tư, văn bản để chấn chỉnh lại hoạt động của hệ thống ngân hàng như Thông tư 09, 02, 36… của ông đã vấp phải nhiều rào cản, phản đối của những nhóm lợi ích.
Lãi suất ngân hàng từ mức cao vút, hơn 20%/năm, nay giảm xuống còn 7 – 9%/năm với lãi suất cho vay ngắn hạn, 9 – 11%/năm với lãi suất cho vay dài hạn. Hệ thống ngân hàng từ tình trạng “ăn đong” thanh khoản dưới thời kỳ ông Bình đã ổn định và trở nên dồi dào.
Xử lý nợ xấu cũng được đánh giá cao trong thời Thống đốc Bình. Nợ xấu từ mức 17,2% vào tháng 9.2012, đến cuối năm 2015 tỷ lệ này xuống dưới 2,5%.
Tỷ giá cũng là một vấn đề nóng, tốn không ít giấy mực trong thời gian qua. Đây cũng là thành công của Thống đốc Bình trong nhiệm kỳ.
Người lo cho nông dân
Có lẽ câu chuyện đáng nói nhất của ông Bình, nhưng chưa được nhiều người nhắc tới, là việc đẩy dòng tín dụng chuyển hướng sang khu vực sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bình trong chuyến công tác cuối cùng trên cương vị Thống đốc NHNN tới An Giang tháng 3/2016 |
Trong một lần trò chuyện với báo giới, ông Bình giải thích việc hệ thống ngân hàng “đá lấn sân” sang lĩnh vực nông nghiệp là hoàn toàn đúng với yêu cầu của ông. Đó là yêu cầu đối với cả ngành ngân hàng và NHNN.
Ông giải thích, một bộ phận lớn khách hàng của ngành ngân hàng, cả huy động và cho vay, thuộc khu vực nông nghiệp và nông thôn. “Do đó, ngân hàng phải nâng cao vai trò của mình, tham gia sâu hơn vào khu vực này. Đây cũng chính là làm việc của mình, để củng cố cho nền tảng hoạt động cho mình”.
Suốt 5 năm làm Thống đốc, ông Bình đã đến hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Một nội dung chính và quen thuộc của các chuyến đi, được nhấn mạnh trong hầu hết các phát biểu của người đứng đầu NHNN, là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Trong chuyến công tác cuối cùng với cương vị là Thống đốc về An Giang cuối tháng 3 vừa qua, ông Bình đã dùng đến từ “nhiệm kỳ”. “Trong nhiệm kỳ vừa rồi (2011-2015), chúng ta đã đặt ra mục tiêu mạnh mẽ là tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và đó là xu hướng tất yếu”, ông Bình nhấn mạnh.
Đó là một nhiệm kỳ mà sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể và trực tiếp là Thống đốc Bình, vào việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tái cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp khá nổi bật.
Cũng trong chuyến công tác này, ông Bình chia sẻ, vì là lần cuối cùng ông đến An Giang với tư cách là Thống đốc nên ông sẽ ghi nhận những vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện triển khai mô hình liên kết cho vay cá tra và thời gian tới đây sẽ sơ kết, tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả triển khai chương trình này để từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách thành chủ trương của nhà nước, tiếp tục thể chế hoá thành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp, người nông dân và ngân hàng yên tâm triển khai thực hiện.
“Tính tôi không thích nợ nần ai cả, đã hứa là phải thực hiện”, ông Bình quả quyết.
Giờ đây, với vai trò là Trưởng ban Kinh tế T.Ư, ông Bình càng có điều kiện để xây dựng, hoàn thiện những chính sách có lợi cho người nông dân.
Đúng như lời ông Bình vừa nhấn mạnh khi nhận trọng trách mới: “Nhiệm vụ của tôi khi về Ban Kinh tế T.Ư là biến những chính sách vĩ mô to tát thành những vấn đề cụ thể, chi tiết, làm sao cho người dân hiểu rõ hơn và được hưởng lợi nhiều hơn”.
Ngày 11.4, thay mặt Bộ Chính trị, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Kinh Tế T.Ư. Ông Đinh Thế Huynh tin tưởng, với sự tín nhiệm của Ban Chấp hành T.Ư và Bộ Chính trị cùng với bề dày kinh nghiệm công tác của mình, ông Nguyễn Văn Bình sẽ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường và sự năng động, sáng tạo để cùng các thành viên Chính phủ, cũng như cùng với tập thể cán bộ, đảng viên, công chức Ban Kinh tế T.Ư hoàn thành tốt nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất quan trọng và vẻ vang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Phát biểu tại buổi lễ, tân Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình đã bày tỏ lời cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tín nhiệm phân công mình vào cương vị mới. Ông Bình nhấn mạnh: “Trên cương vị mới là Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, tôi mong muốn được Đảng, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các cơ quan của Nhà nước và toàn thể các đồng chí… tiếp tục chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ hợp tác chặt chẽ để Ban Kinh tế T.Ư và cá nhân tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới”. |
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Ngày sinh: 04.3.1961 Quê quán: Phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ Dân tộc: Kinh Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI, XII Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Tóm tắt quá trình công tác 12.1986 – 1.1992: Chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 2.1992 – 4.1995: Phó Trưởng Phòng các Tổ chức quốc tế; rồi Trưởng Phòng Ngân hàng Thế giới, Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước. 5.1995 – 10.1998: Phó Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế; rồi Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước. 11.1998 – 10.2001: Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội. 11.2001 – 6.2005: Phó Chủ tịch, rồi quyền Chủ tịch Ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư quốc tế (MIB) tại Liên bang Nga. 7.2005 – 3.2008: Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. 4.2008: Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. 01.2011: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư. 7.2011: Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn. |
Theo Dân Việt