Mẹ Việt ở Nhật bày cách trị tật xấu của trẻ 3-4 tuổi

26/03/2016 21:39

Khi con nói 'không' với tất cả mọi yêu cầu của mẹ, thay vì phạt con đứng xó, Nguyệt Phạm phạt trực tiếp vào kết quả hành động mà con từ chối.

Nuôi con trong giai đoạn bé 3-4 tuổi, các bố mẹ phải đối mặt với nhiều tình huống "đau đầu" khi tâm lý của bé đang thay đổi. Chị Nguyệt Phạm, bà mẹ một con ở Tokyo (Nhật Bản), cũng không phải là ngoại lệ. Tuy vậy, sau hơn 8 năm sinh sống tại đất nước mặt trời mọc, chị có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ từ bạn bè và thầy cô giáo của con. Chia sẻ dưới đây của chị Nguyệt Phạm có thể giúp bố mẹ hiểu được tâm lý và biết cách xử lý những "tật xấu" điển hình của trẻ 3-4 tuổi.

1. Bắt đầu nói dối

Lần đầu tiên, con gái Kimura Akino (tên Việt là Bình Minh) của Nguyệt Phạm nói dối là khi mẹ hỏi: "Con đánh răng chưa?". Bé khẳng định với mẹ là đã đánh răng rồi trong khi mẹ "biết thừa" rằng con nói dối. Hay lần khác, bé đi vệ sinh xong thì không xả nước nhưng vẫn nói với mẹ là đã làm rồi.

Theo mẹ Bình Minh, lý do con nói dối có muôn vàn, ví dụ như con không thích đánh răng, thấy phiền toái, cứ nghĩ mẹ không nhìn thấy là mẹ không biết... Trong trường hợp này, cách xử lý của chị là đưa ra các bằng chứng để chứng minh con chưa làm, chẳng hạn: "Mẹ có thấy bố đưa bàn chải cho con đâu", "Con nói dối như thế là không được. Lần sau nói dối là mẹ đưa đi bác sĩ răng miệng luôn đấy"... Bố mẹ không nên đánh giá việc trẻ ở độ tuổi này nói dối chứng tỏ con hư, ngược lại, chị Nguyệt Phạm cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy con đang "khôn" ra và tâm lý của trẻ lúc này muốn khẳng định bản thân.

2. Bé hay bày đặt lý do

"Ngày trước, muốn ăn kem, ăn bánh, bạn ấy cứ nói trực tiếp là: 'Mẹ ơi mua bánh, mua kem'. Như thế mẹ còn dễ đối phó. Nhưng giờ bạn ấy 'khôn' hơn. Nhìn thấy kem, bạn bảo: 'Mẹ ơi, con đói'. Mình không đề phòng, cũng mấy lần bị lừa. Còn nhiều lần bày đặt lý do nữa nhưng tiêu biểu nhất là bày đặt lý do để ăn, để uống", Nguyệt Phạm chia sẻ.

Và cách xử lý của bà mẹ một con này là "dùng trí để đấu lại với bạn ấy". Ví dụ khi con bảo đói thì mẹ sẽ nói: "Con mới ăn cơm ở trường, ở nhà xong cơ mà, sao lại đói giờ này nhỉ?".

me-viet-o-nhat-bay-cach-tri-tat-xau-cua-tre-3-4-tuoi

Một cách để mẹ không bị stress là chị Nguyệt Phạm luôn để bé Bình Minh phát triển một cách tự nhiên.

3. Phớt lờ và nói 'không' với những yêu cầu

Nuôi con ở độ tuổi này, có những giai đoạn Nguyệt Phạm thấy "phát điên với bệnh này của con". Bé nói "không" với mọi yêu cầu của mẹ dù đó là việc đã trở thành thói quen như rửa tay, đánh răng... Hay đến giờ chuẩn bị đi học, mẹ bảo bé mặc quần áo vào thì bé lại đóng sập cửa rồi nhảy múa... Thậm chí, bé còn làm ngược lại hoàn toàn những điều mẹ nói, chẳng hạn khi mẹ vừa dứt lời là: "Thịt sống đấy, con đừng ăn" thì bé đã bỏ tọt miếng thịt vào miệng...

Nhiều bố mẹ đã không kiềm chế được cảm xúc mà đánh đòn con trong những tình huống như thế này mà không hiểu được lý do "chống đối" của các bé chỉ là muốn xem bố mẹ phản ứng như thế nào. Vị thế, cách của mẹ Bình Minh là:

"Khi bạn phớt lờ, coi như không nghe thấy lời mẹ thì mình bảo: 'Con không trả lời mẹ nhé, con phớt lờ lời mẹ nhé, lần sau mẹ sẽ làm thế với con. Rồi mình làm thật. Khi bạn gọi mình, mình phớt lờ, khi bạn nhờ mình làm gì, mình phớt lờ. Kết quả, sau vài lần bạn thôi hẳn.

Còn với bệnh nói 'không' của bạn thì mình bảo, nếu không rửa tay, con không được ăn bất cứ thứ gì đâu đấy. Nếu con không đánh răng, ngày mai đi bác sĩ đấy... Mình không bao giờ phạt con đứng xó vì mình thấy nó không hiểu quả. Mình thường phạt trực tiếp vào kết quả của hành động mà con từ chối".

4. Lề mề

Bước sang giai đoạn này, hầu như các bé đều như vậy. Khi mẹ bảo làm cái này thì quay ra làm cái khác hoặc đang định làm cái này lại để ý đến cái khác, thành ra việc muốn làm, cần làm mãi chả xong. Nguyệt Phạm cũng từng gặp vài lần con như thế, nhất là vào buổi sáng, những lúc đi học hay chuẩn bị ra ngoài.

Cách xử lý của chị là bảo với con gái rằng: "Con thấy chưa, con mà nhanh thì giờ mẹ đâu phải cuống lên, vất vả thế này". Sau vài lần như thế, bé hợp tác với mẹ hơn chứ không lề mề nữa.

5. Nhõng nhẽo

Nhiều bà mẹ hay than phiền là cảm thấy xấu hổ vì con 4 tuổi rồi mà chưa hết nhõng nhẽo, chưa tự lập được, lúc nào cũng thích được mẹ làm hộ cái này, cái kia, được làm em bé để mẹ vuốt ve, ôm ấp, rồi để mẹ bón ăn...

Theo Nguyệt Phạm, đây cũng là những dấu hiệu chứng tỏ các bạn ấy đang lớn và khôn hơn mà thôi. "Biết rằng khi mình bé thì mẹ sẽ yêu mình hơn nên cứ giả vờ như vậy. Bạn Bình Minh nhà mình cũng hay đòi mẹ đánh lại răng cho con cơ, không chịu bố đâu; Con đi rửa tay với mẹ cơ; Mẹ mặc quần áo cho con cơ.. Nhiều lúc thấy phiền nhưng mà cũng rất là yêu. Cũng chỉ còn một thời gian nữa, các bạn ấy sẽ tự lập hẳn. Đến lúc đấy, mẹ muốn được nhờ có khi bạn ấy cũng chả cần. Muốn thơm bạn ấy lại bảo ngại. Thế nên, lúc này đây, khi bạn ấy muốn nhõng nhẽo thì hãy hưởng ứng nhiệt tình các mẹ nhé".

Theo Ngoisao.net

TIN LIÊN QUAN