Chọn thực đơn phù hợp... cho thuốc
Thực phẩm và thuốc uống đều được chuyển hóa và hấp thụ ở cơ quan tiêu hóa. Cả thực phẩm và thuốc đều cần thiết cho cơ thể nhưng đôi khi sự hòa lẫn với nhau lại mang đến những phản ứng bất lợi. Do vậy, để thuốc phát huy tối đa hiệu quả điều trị cần cân nhắc trước khi kết hợp hai yếu tố này cùng một lúc.
Ảnh hưởng qua lại giữa thực phẩm và thuốc
Nguy cơ gây tương tác giữa thực phẩm và thuốc uống tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng quát của cơ thể, tình trạng bệnh, chế độ ăn uống, chủng loại thực phẩm, sử dụng nhiều loại dược phẩm… Thuốc có thể làm tăng hoặc giảm dinh dưỡng của thực phẩm. Ngược lại, tình trạng dinh dưỡng của người bệnh có thể làm giảm tác dụng hoặc làm tăng độc tính của thuốc. Ngoài ra, thực phẩm có thể làm trì hoãn hoặc gây khó khăn cho sự hấp thụ thuốc, làm sự chuyển hóa mau hoặc chậm, ngăn chặn tác dụng của thuốc. Cần lưu ý là thức ăn đặc biệt ảnh hưởng lớn đến sự hấp thu của các dạng thuốc phóng thích chậm.
Một số thực phẩm có thể gây khó khăn cho sự hấp thụ thuốc. |
Nếu thuốc được uống vào sau bữa ăn thì thức ăn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hấp thu của thuốc. Thức ăn còn tạo thành rào cản vật lý ngăn cản việc hoà tan của thuốc và sự tiếp xúc của thuốc với niêm mạc ruột hoặc tạo ra các liên kết và các phản ứng hoá học với thuốc, từ đó gây cản trở sự hấp thu của thuốc.
Những thức ăn chứa nhiều lipid thường nổi ở bên trên nên chậm tống ra khỏi dạ dày hơn so với các thức ăn chứa nhiều glucid và protid. Các loại thuốc dưới dạng không ion hóa có ái tính cao với lipid, nếu được uống sau bữa ăn có thể hòa tan trong lớp lipid của thức ăn và do đó sẽ chậm được đưa xuống ruột và cũng sẽ chậm được hấp thu vào máu. Bữa ăn chứa nhiều protid làm tăng lượng máu đến ruột, trong khi lipid gây giảm lượng máu này. Thông qua nhiều cơ chế khác nhau, thức ăn có thể làm chậm hoặc làm giảm sự hấp thu của khá nhiều loại thuốc như alendronate (thuốc điều trị gút và các bệnh xương khớp), doxazosin (thuốc chữa bệnh tim mạch), levodopa (thuốc chữa bệnh parkinson), atenolol (thuốc chống tăng huyết áp)... Tuy nhiên, thức ăn có thể làm tăng đáng kể sự hấp thu của nhiều loại thuốc như: kháng sinh clarithromycin, cefuroxime; danazol (nội tiết tố); itraconazole (thuốc trị ký sinh trùng, chống nấm)...
Kết hợp thuốc và thức ăn như thế nào?
Thực phẩm có thể gây cho thuốc nhiều trở ngại trong việc phát huy tác dụng và hiệu quả điều trị, nhưng nếu sử dụng thực phẩm và thuốc đúng cách sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc, đồng thời thức ăn có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột trước sự kích thích của thuốc, giúp tránh được nhiều bệnh đối với hệ tiêu hóa khi dùng thuốc kéo dài. Vì vậy, việc biết được loại thuốc mình đang dùng phù hợp hoặc không phù hợp với lọai thực phẩm nào sẽ giúp cho hiệu quả dùng thuốc cao hơn.
Thông thường, trong khi kê đơn, bác sĩ sẽ dặn dò người bệnh thời điểm dùng thuốc phù hợp và trong các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc có ghi thời gian dùng: trước, trong hay sau khi ăn, nhưng không bao giờ nhà sản xuất nói rõ là nên hay không nên ăn thức ăn gì khi đang dùng thuốc. Vì vậy, người dùng thuốc cần biết một số nét cơ bản về tính tương thích của các thực phẩm và thuốc chữa bệnh.
Các loại thuốc glicozid chữa bệnh tim mạch rất giống về mặt hóa học so với protein. Do đó, khi dùng chúng, cần giảm lượng protein trong thức ăn (ăn ít thịt, gia cầm, cá, phô mai, đậu đỗ). Đừng bỏ hoàn toàn các thực phẩm này, nhưng cần giảm bớt lượng sử dụng và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian uống được nêu trong hướng dẫn hay do bác sĩ chỉ định.
Mỡ (lipid) làm giảm sự tiết dịch vị dạ dày, làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn chậm đi, điều đó có nghĩa sau khi ăn, thuốc sẽ được hấp thu chậm hơn. Nhưng lipid lại cần cho sự hấp thu các loại thuốc tan trong mỡ (vitamin A, D, E, K, thuốc chống đông máu...). Ngược lại, khi phải dùng thuốc aspirin, nên ăn thức ăn có ít chất đạm, mỡ.
Đường và các thực phẩm ngọt làm chậm sự tác động của các chất có trong dạ dày, dẫn đến sự hấp thu các loại thuốc sulphadimetoxin, sulphametoxipiridazin, các thuốc tương tự với chúng và nhiều thuốc khác chậm đi. Thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa thường có vị đắng để kích thích dịch vị dạ dày, tăng cảm giác thèm ăn và giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn. Nếu ăn đồ ngọt trong khi sử dụng thuốc tiêu hóa sẽ làm giảm hiệu quả vốn có của thuốc và gây ra tác dụng phụ ngoài mong muốn.
Dịch tiêu hóa có ảnh hưởng mạnh đến quá trình biến đổi thuốc trong cơ thể. Khi đói, độ acid của dịch dạ dày thấp, tốt cho những loại thuốc như glicozid chữa bệnh tim mạch cũng như những loại thuốc không kích thích niêm mạc dạ dày. Các thuốc này uống khi đói sẽ được hấp thu nhanh hơn.
Trong thời gian ăn, độ acid của dịch dạ dày rất cao, do đó ảnh hưởng đáng kể đến độ ổn định của thuốc và sự hấp thu chúng vào máu. Trong môi trường acid, tác dụng của erytromixin, lincomixin và các thuốc kháng sinh khác bị giảm một phần.
Hiệu quả trị liệu của các thuốc sulphanilamid (kháng sinh) bị suy giảm đáng kể hay mất hoàn toàn khi dùng cùng thực phẩm giàu acid folic (có nhiều trong gan, thận, rau bina, xà lách và bí đỏ).
Khi uống các loại thuốc tẩy giun sán, cần ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như trái cây, rau xanh để tăng thêm nhu động của ruột, giúp nhanh chóng tống giun sán ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, không nên ăn những thức ăn nhiều mỡ vì thuốc tẩy giun sán có khả năng hòa tan trong mỡ, làm tăng độc tính đối với cơ thể, hạ thấp hiệu quả trị giun.
Theo SKĐS
TIN LIÊN QUAN |
---|