Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tết là sợi dây gắn bó với gia đình, quê hương đất nước
(Baonghean.vn) - Giáo sư Ngô Bảo Châu được biết đến là người Việt Nam đầu tiên giành Giải thưởng Fields - giải thưởng danh giá nhất về Toán học của thế giới. Nhân dịp đâu xuân năm mới, ông đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo Nghệ An về công tác phát triển giáo dục, về tuổi trẻ và niềm đam mê Toán học...
Giáo sư Ngô Bảo Châu. |
Sự học cũng cần phải được giao thoa
P.V: Đến thăm và làm việc tại Nghệ An lần này, Giáo sư có cảm nhận gì về những đổi thay trên quê hương Bác Hồ?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Phải hơn 15 năm tôi mới trở lại thành phố Vinh và thấy thành phố đã “thay da đổi thịt”, khang trang, đẹp đẽ hơn nhiều. Tôi rất vui.
Học sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh chào đón giáo sư Ngô Bảo Châu |
P.V: Nghệ An được biết đến là vùng đất học. Theo Giáo sư, người Nghệ cần phải tiếp tục làm gì để phát huy tốt sự học?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi có 2 mong đợi dành cho Nghệ An trong chuyến đi này. Về mặt tình cảm, tôi được gặp lại những người thầy dạy tôi từ thời cấp II. Họ là những người đã nắm tay tôi, dìu dắt tôi đến với Toán học và họ đều là những học sinh chuyên Toán của Trường Đại học Vinh. Thứ hai, với tư cách là Giám đốc khoa học của Viện Toán, chúng tôi thường làm việc với khoa Toán Trường Đại học Vinh và hy vọng sẽ có sự hợp tác lâu dài trên lĩnh vực Toán học, đặc biệt là trong nghiên cứu, hợp tác, đào tạo...
Giáo sự Ngô Bảo Châu giảng bài tại Đại học Vinh về Lý thuyết số. |
Nghệ An là một vùng đất hiếu học. Được biết, hiện hơn 50% giáo sư đầu ngành nước ta hiện nay là người Nghệ. Riêng môn Toán học có đến 70 - 80%. Giá trị tinh thần bao giờ cũng đáng quý hơn giá trị vật chất, sự học của người Nghệ rất đáng chia sẻ, trân trọng và nể phục.
Tuy nhiên, để Nghệ An phát triển hơn nữa, cần phải có nhiều yếu tố. Để tinh thần hiếu học được phát triển thì cái cần nhất là sự giao thoa văn hóa, cần được cọ xát với thế giới... Cá nhân tôi nghĩ rằng, bản sắc văn hóa thì mình cần gìn giữ. Và cách tốt nhất để lưu giữ thì phải mở rộng cho toàn nhân loại…
P.V: Với riêng Toán học, như Giáo sư chia sẻ, hiện có hơn 70% giáo sư đầu ngành của Việt Nam là người Nghệ. Nhưng những năm gần đây, Toán học không phải là thế mạnh của Nghệ An trên các “đấu trường” quốc tế. Phải chăng, đang có một “lỗ hổng” trong môn Toán hiện nay?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ rằng với Toán học, để duy trì được niềm đam mê lâu dài điều quan trọng là ý thức, sự nghiêm khắc, kỷ luật trong học tập. Đây là bí quyết, chìa khóa để chia sẻ nguồn năng lượng.
Giáo sư Ngô Bảo Châu thích thú với phần giao lưu của các học sinh |
Điều thứ hai, đó là đam mê, năng khiếu và tài năng. Ở Nghệ An có rất nhiều tài năng trẻ. Nếu các em được ươm mầm, nở rộ thì sẽ được trưởng thành. Nghệ An đang cần nhiều nhà khoa học quốc tế đến với các em, nói với các em về nghiên cứu, khoa học. Tôi cũng nghĩ rằng, trong kỷ nguyên hiện nay, internet là một nguồn tư liệu phong phú để các em tìm kiếm tư liệu, rút ngắn khoảng cách với thế giới. Nhưng để có thành tích cao, cái cần hơn cả là những người thầy có trình độ, có tâm huyết. Giống như với bộ môn Vật lý mà Nghệ An đang làm.
Đổi mới giáo dục là điều cần thiết
P.V: Hiện ngành Giáo dục nước nhà đang trong tiến trình “đổi mới căn bản toàn diện”, Giáo sư có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cơ sở hạ tầng trí thức là một điều rất cần thiết. Nhìn vào giáo dục Việt Nam hiện nay ta có thể thấy một sự thật, nếu so sánh các trường chuyên THPT của chúng ta với các trường THPT hàng đầu thế giới thì chúng ta hoàn toàn có thể tự hào, so vai sánh ngang. Tuy nhiên, nếu so với các trường đại học thì thật khó. Năm thứ nhất, sinh viên vẫn có thể so găng, nhưng đến năm 2, năm 3, năm 4 thì ngày càng đuối. Đó là chưa nói đến đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Giáo dục đại học hiện vẫn còn một khoảng trống.
Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta có tiềm năng, có ưu thế về con người nhưng chúng ta lại không phát huy được? Ở châu Á, có 2 ví dụ thần kỳ ở Hàn Quốc và Singapore. Có thể nền giáo dục của họ cũng khởi điểm như chúng ta, nhưng họ đã có những bước tiến bộ vượt bậc vì đã mạnh dạn đổi mới, mạnh dạn thay đổi. Theo ý kiến của riêng tôi, mảng cần phải cải cách nhiều nhất không phải là giáo dục phổ thông, mà là giáo dục đại học. Rõ ràng đây là mấu chốt cần giải quyết, vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội.
Giáo sư Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm với sinh viên Đại học Vinh. |
Để đổi mới giáo dục thì người thầy cũng phải có nhiều sự thay đổi. Bản thân tôi đã được gặp nhiều người thầy và vì họ mà tôi tiến bộ. Những người thầy đó đã chỉ cho tôi thấy cái hay, cái đẹp của môn học mình yêu thích. Tôi yêu quý các thầy đến mức mình thích học Toán không phải vì mình yêu môn Toán mà muốn bản thân mình đẹp nhất trong mắt những người thầy. Người thầy là một tấm gương để mình noi theo.
Tuy nhiên, để có một nền giáo dục tốt thì vị trí xã hội của người thầy phải được đề cao, tôn trọng. Trong đó, mặt vật chất cũng phải đảm bảo, không phải xa hoa mà đầy đủ để đảm bảo họ được tôn trọng. Ngoài ra, cần phải tôn trọng về tinh thần.
P.V: Là người Việt Nam đầu tiên giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ năm 25 tuổi, đoạt Giải thưởng Fields… Để đạt những thành công ấy, Giáo sư phải trải qua rất nhiều khổ luyện. Vậy, Giáo sư muốn nhắn nhủ gì cho lớp trẻ, nhất là những người còn gặp nhiều khó khăn trong hành trình khởi nghiệp?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Thế hệ trẻ ngày nay chênh vênh hơn so với thế hệ của tôi và bố mẹ tôi. Ngày trước, con đường đưa ra hầu như không có nhiều sự lựa chọn và tất cả mặc nhiên phải cố gắng theo những gì đã định sẵn. Bây giờ các bạn trẻ đứng trước rất nhiều cơ hội, sẽ có sự đắn đo, băn khoăn. Nhưng hãy nghĩ một cách tích cực, như vậy các bạn có sự may mắn hơn. Tuy nhiên, vì có nhiều sự lựa chọn, mình hãy can đảm hơn, hãy nghiêm khắc với bản thân và tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
P.V: Ngày Tết cổ truyền là một dịp quan trọng đối với tất cả người dân Việt Nam. Riêng với gia đình Giáo sư, điều đó có thay đổi khi đã sống ở nước ngoài nhiều năm?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Đối với tôi và những người làm việc ở nước ngoài, không còn cảm nhận rõ được “hồn” của Tết cổ truyền như ngày còn ở Việt Nam. Bởi những ngày đó ở nước sở tại, mọi người đều phải đi làm.
Gia đình giáo sư Ngô Bảo Châu. |
Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì vui tết cổ truyền. Đây không phải là một cách để thương nhớ cái tết cổ truyền ngày bé. Nhưng việc đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bạn bè rất quan trọng, nhất là với con cái chúng tôi, để các con biết tết cổ truyền ở Việt Nam như thế nào; để các con hiểu, dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng mình vẫn là người Việt Nam. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, cả nhà tôi thường thắp nén hương tưởng nhớ những người thân đã mất. Đây chính là sợi dây gắn bó giữa tôi và con cái, giữa con cái với gia đình và đất nước Việt Nam.
P.V: Xin cảm ơn Giáo sư và chúc Giáo sư cùng gia đình một năm mới đầm ấm, hạnh phúc và thành công!
Mỹ Hà (Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN