Ngỡ ngàng với phí môn bài!

20/03/2016 06:55

Không những không bãi bỏ như đề nghị của nhiều doanh nghiệp, thuế môn bài được chuyển đổi sang lệ phí môn bài và còn tăng mức thu lên 3 lần - theo dự thảo nghị định của Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến

Dự thảo nghị định chuyển đổi thuế môn bài thành lệ phí môn bài, đồng thời tăng mức thu lên gấp 3 lần của Bộ Tài chính đang vấp phải sự phản ứng của đông đảo doanh nghiệp.

Tăng để phù hợp mức lương tối thiểu

Hiện nay, thuế môn bài được thu theo 2 đối tượng với mức thu khác nhau. Đối tượng thứ nhất là doanh nghiệp (DN), phải nộp thuế theo 4 mức, tương đương số tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/năm, căn cứ vào vốn đăng ký kinh doanh.

Đối tượng thứ hai là các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, nộp thuế theo 6 mức, từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm, căn cứ vào mức thu nhập một tháng. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có thu nhập dưới 300.000 đồng/tháng cũng phải nộp 50.000 đồng thuế môn bài hằng năm.

1

Làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM

Theo dự thảo nghị định của Bộ Tài chính, nhà nước sẽ không thu thuế môn bài mà chuyển thành lệ phí môn bài và mức thu cũng được điều chỉnh. Đối với DN, lệ phí môn bài vẫn chia thành 4 bậc nhưng mức thu cao nhất tăng lên 10 triệu đồng, mức thu thấp nhất là 2 triệu đồng/năm. Đối với hộ gia đình và cá nhân, lệ phí môn bài được rút gọn xuống còn 2 bậc căn cứ vào doanh thu một năm và mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế. Như vậy, lệ phí môn bài được điều chỉnh tăng gấp khoảng 3 lần so với thuế môn bài.

Diễn giải cho sự thay đổi này, Bộ Tài chính đưa ra một số lý do. Theo đó, thuế môn bài của hộ kinh doanh chia thành 6 mức thu nên hằng năm, căn cứ vào thu nhập trung bình một tháng, chi phí hành thu cao lại dễ bị bỏ sót, không phát huy hết chức năng kiểm đếm số lượng cơ sở kinh doanh. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, dưới 16,2 triệu đồng/tháng nếu có 2 người phụ thuộc cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, hộ kinh doanh có thu nhập 300.000 đồng/tháng cũng phải nộp thuế môn bài là không phù hợp.

Bên cạnh đó, thuế môn bài xây dựng căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1,15 triệu đồng (từ ngày 1-5 tăng lên 1,21 triệu đồng) nên việc xác định bậc thuế môn bài không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương.

Có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội

Đáng lưu ý là Bộ Tài chính đề xuất tăng lệ phí môn bài trong bối cảnh Chính phủ đã có chủ trương miễn giảm thuế để hỗ trợ cho cộng đồng DN. Đặc biệt, vào tháng 10-2014, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó có nội dung bỏ thuế môn bài.

Từng đề xuất bỏ thuế môn bài và không chuyển khoản thuế này thành lệ phí vì DN đã nặng gánh thuế, phí tại diễn đàn Quốc hội vào tháng 6-2015, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam) bày tỏ băn khoăn khi Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm thu lệ phí môn bài. Theo bà, bản chất khoản thu này là phí nhưng cần xem xét nó phục vụ gì cho DN. Phải làm sao cho biểu phí và lệ phí Quốc hội thông qua không làm phát sinh thêm phí và lệ phí dân phải chịu.

“Tôi không cho rằng lệ phí môn bài phải căn cứ vào lương tối thiểu. Tôi cũng không cho rằng cần duy trì loại phí này để kiểm kê, kiểm soát số lượng vì đây là chức năng của cơ quan cấp phép kinh doanh, không phải của cơ quan thuế. Cần đánh giá kỹ tác động tăng thu của lệ phí môn bài đến ngân sách nhà nước và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Khoản thu này đóng góp vào ngân sách không lớn nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Giảm được thuế, phí và thủ tục hành chính, DN có thể hoạt động tốt hơn. Theo tôi, trước khi quyết định thu lệ phí môn bài, Bộ Tài chính phải lấy ý kiến DN - đối tượng bị tác động của chính sách, đây là quy định chung” - bà Hường đề nghị.

Theo Người lao động

TIN LIÊN QUAN