Những 'Mẹ Suốt' trên dòng Lam

30/04/2016 09:17

(Baonghean.vn)-Thời chống Mỹ, trên dòng sông Lam, không thể kể hết có bao nhiêu bà mẹ chèo thuyền đưa bộ đội qua sông. Có thể xem họ là những “Mẹ Suốt” của quê hương Nghệ An.

Bà mẹ Cửa Rào

Ở huyện rẻo cao Tương Dương, nhiều người ở độ tuổi 60-70, trở về từ chiến trường miền Nam còn nhớ bà mẹ già chèo thuyền ở bến Cửa Rào, nơi khởi nguồn của dòng sông Lam. Những năm 60 của thế kỷ trước, việc qua lại đôi bờ không có phương tiện nào hơn những con thuyền nhỏ.

Cửa Rào (Xá Lượng- Tương Dương)- nơi có bà mẹ chèo thuyền chỏ bộ đội qua sông trong những năm đánh Mỹ.
Cửa Rào (Xá Lượng- Tương Dương)- nơi có bà mẹ chèo thuyền chở bộ đội qua sông trong những năm đánh Mỹ.

Chẳng ai nhớ bà mẹ ấy chèo thuyền bao nhiêu năm, chỉ biết lớp lớp thanh niên vùng “4 Yên, 1 Nga” (gồm các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng và Nga My) lên đường vào chiến trường miền Nam đều qua sông trên con thuyền của mẹ. Ngày trở về, người chèo thuyền qua sông không phải là bà mẹ năm ấy, hỏi thăm thì hay tin mẹ đã bị dòng nước cuốn trôi cùng con thuyền trong một ngày mưa lớn, con nước lên cao.

Có lần, ông Vang Văn Phùng ở bản Phòng (Thạch Giám) dẫn chúng tôi dò hỏi thân nhân và những người có thể biết chút ít thông tin về bà mẹ chèo thuyền nhưng không còn một ai nhỡ rõ. Không ai còn nhớ tên tuổi, thân nhân, bản làng nên thường gọi là bà mẹ chèo thuyền. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dòng chảy thời gian đã cuốn người bà mẹ ấy vào sâu trong miền dĩ vãng, thân xác mẹ hòa thấm vào sông nước và đồng bãi quê hương.

"Đội quân tóc dài" Vạn Rú

Về bến đò Vạn Rú thuộc xã Khánh Sơn (Nam Đàn), chúng tôi được nghe câu chuyện về “10 cô gái sông Lam”. Ông Tống Xuân Hùng là Bí thư Đảng ủy xã Nam Đông (nay là xã Khánh Sơn) trong những năm đánh Mỹ cho biết: “Sau chiến tranh, mỗi người tản đi một hướng, người lấy chồng xa, người đi ngành nghề, người theo con cháu đến cư trú nơi khác, người đã qua đời”.

“10 cô gái sông Lam” năm xưa nay đều đã xấp xỷ tuổi 90, hiện ông Hùng chỉ biết 2 người đang sinh sống ở khối Lam Sơn (Thị trấn Nam Đàn). Chúng tôi ngược lên đây, tìm gặp cụ Đặng Thị Dương và Trần Thị Út- là 2 trong số “10 cô gái sông Lam”.

Cụ Đặng Thị Dương (Thị trấn Nam Đàn- huyện Nam Đàn) từng chèo thuyền chở bộ đội qua sông ở bến đò Vạn Rú, xã Khánh Sơn (Nam Đàn).
Cụ Đặng Thị Dương (Thị trấn Nam Đàn- huyện Nam Đàn) từng chèo thuyền chở bộ đội qua sông ở bến đò Vạn Rú, xã Khánh Sơn (Nam Đàn).

Cụ Dương nay đã vào độ tuổi 90, không còn nhớ gì nhiều, chỉ nhớ có một thời chèo thuyền đưa bộ đội qua sông. Còn cụ Út (85 tuổi), tóc đã trắng xóa nhưng vẫn còn minh mẫn, vẫn nhớ khá nhiều chi tiết về nhiệm vụ đưa đò năm xưa. Theo trí nhớ của cụ, tuyến đường 15A qua xã Khánh Sơn hết sức hiểm trở, một bên là núi, một bên là dòng sông nên máy bay Mỹ thường xuyên dội bom xuống đây để cắt đứt tuyến đường chiến lược.

Hầu như ngày nào vị trí này cũng bị chia cắt, dân quân đã không kể ngày đêm san lấp hố bom nhưng khi vừa làm xong thì máy bay Mỹ lại đến dội bom đợt khác. Có khi chưa hoàn thành việc san lấp do loạt bom trước, chúng lại kéo đến thả loạt tiếp theo.

Cụ Trần Thị Út kể lại những năm tháng chèo đò chở bộ đội qua sông ở bến đò Vạn Rú.
Cụ Trần Thị Út kể lại những năm tháng chèo đò chở bộ đội qua sông ở bến đò Vạn Rú.

Để tránh thương vong và giảm thiệt hại do bom Mỹ gây ra, khi hành quân đến Thị trấn Nam Đàn, bộ đội ta rẽ theo hướng đê Tả Lam, đến địa bàn xã Xuân Lâm vượt qua bến đò Vạn Rú. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, địch phát hiện hướng di chuyển mới của bộ đội ta và liên tục dội bom khu vực bến đò Vạn Rú.

Trước cảnh máy bay Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, xã Nam Đông thành lập Đại đội “thép” và Tiểu đội “10 cô gái sông Lam” sẵn sàng quyết tử. Nhiệm vụ của Tiểu đội “10 cô gái sông Lam” là chở bộ đội qua sông vào ban đêm, ban ngày ngụy trang những con thuyền, các loại vũ khí, phương tiện của bộ đội và tham gia ứng cứu trong trường hợp có thương vong.

Bắt đầu từ 5h chiều, khi màn đêm bắt đầu buông xuống, sương phủ mờ mặt sông, tiểu đội triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đến 6h sáng hôm sau, các đội viên ngụy trang, cất giấu thuyền để tránh sự phát hiện của địch. Cứ thế, mỗi đêm có từ 4.000- 5.000 chiến sỹ qua sông an toàn

Phong cảnh bến đò Vạn Rú hôm nay.
Phong cảnh bến đò Vạn Rú hôm nay.

Cụ Út kể lại: “Có những thời điểm, hầu đêm nào chúng tôi cũng chèo thuyền chở bộ đội qua sông. Địch thả pháo sáng nhìn rõ như ban ngày, rồi máy bay kéo đến cắt từng loạt bom xuống mặt sông. Tôi bảo các anh bộ đội nằm sát xuống thuyền, còn mình nhảy ra, tay bám chặt mạn thuyền và để thuyền tự trôi, lúc máy bay địch đi xa mới lên chèo tiếp”.

Gặp và nghe chuyện về những người phụ nữ quê hương từng phục vụ chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chúng tôi chợt nhớ tới những câu thơ trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm: Nhưng em biết không/ Có biết bao người con gái, con trai/ Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước...”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN