Khi trường học thiếu nước sạch

13/04/2016 20:52

(Baonghean) - An toàn vệ sinh nước sạch có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe của học sinh trong các trường học. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này còn nhiều bất cập…

Khan hiếm nước sạch

Trường Mầm non Châu Thái là một trong những điểm trường khó khăn, thuộc vùng 135 của huyện Quỳ Hợp. Nằm ở vùng khô hạn, nắng nóng, hơn một nửa thời gian trong năm học, trường lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng.

Tháng tư này, tình trạng khan hiếm nước lại càng nặng nề hơn bởi tất cả các giếng ở trong trường đã cạn kiệt. Trong tình thế cấp bách này, giải pháp duy nhất mà nhà trường đưa ra là vận động giáo viên và phụ huynh mỗi ngày đưa con đi học chở theo một can nước để các cháu sử dụng. Ngoài ra, giáo viên phải đến các gia đình ở bản Tam Thành xin nước về phục vụ nấu nướng, sinh hoạt cho học sinh. Nhưng hiện tại, hầu hết các giếng khơi ở các gia đình cũng đang rơi vào tình trạng khô cạn. Phụ huynh Trương Thị Nữ có 2 con đang học ở trường cho biết: Sáng nào vợ chồng tôi cũng phải dậy thật sớm, chắt từng gàu nước mới đủ 2 can mang tới trường. Vất vả lắm nhưng nếu không mang thì lấy đâu nước cho các con ở trường.

Phụ huynh Trường Mầm non Châu Thái (Quỳ Hợp) đem nước sinh hoạt đến trường.
Phụ huynh Trường Mầm non Châu Thái (Quỳ Hợp) đem nước sinh hoạt đến trường.

Cô giáo Vũ Thị Duyên - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 3/3 điểm trường đều thiếu nước sạch trầm trọng. Nhà trường cũng đã tính đến việc đào giếng khoan nhưng do địa hình cao, núi đá nhiều nên kinh phí đào giếng cao gấp 10 lần các nơi khác... Không có nước sạch, việc đảm bảo nguồn nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh gặp nhiều khó khăn; nhà trường cũng khó kiểm soát chất lượng nguồn nước mà phụ huynh mang đến hàng ngày. Giải pháp khả thi nhất là mua máy lọc nước nhưng với hơn 400 học sinh (chia thành 3 điểm trường), máy lọc nước công suất nhỏ (dùng cho các hộ gia đình) nên chắc chắn lượng nước sạch được xử lý là rất ít.

Tình trạng khan hiếm nước sạch cũng xảy ra ở nhiều trường khác trên địa bàn các xã: Văn Lợi, Minh Hợp, Tam Hợp và vùng Ngã ngã ba Săng lẻ... Ông Hồ Bình Minh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Hợp cho biết: Do đặc thù địa chất nên việc có đủ nước sạch cho các trường trên địa bàn là hết sức khó khăn. Huyện cũng có giải pháp để khắc phục ở một số điểm “nóng”; còn lại, vẫn đang phải phụ thuộc vào quá trình vận động xã hội hóa các trường và phụ huynh.

Thiếu nước sạch vào mùa khô cũng diễn ra phổ biến ở các huyện vùng núi cao như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong. Theo ước tính, khoảng 25% số trường không đủ nước sạch để dùng hoặc nước bị phèn chua. Huyện Tương Dương, hiện có 59 trường và điểm trường học sinh đang phải tự túc nước uống hàng ngày, huyện Anh Sơn còn 6 điểm trường, huyện Kỳ Sơn còn 18 điểm trường... Theo bà Vi Thị Bích Thủy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, việc cung cấp nước sạch cho học sinh vùng cao gặp nhiều khó khăn bởi nguồn nước cung cấp tự nhiên không ổn định, nguồn nước máy thì chỉ có ở vùng trung tâm. Vùng sâu, vùng xa do địa hình chia cắt, các trường điểm lẻ nhiều nên không có điều kiện đầu tư các hệ thống xử lý nước...

Nỗi lo chất lượng

Theo ông Nguyễn Đình Thái - Phó Chánh văn Phòng, phụ trách y tế học đường của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện trên địa bàn, học sinh toàn tỉnh sử dụng nước uống hàng ngày dưới các hình thức: Nước sôi do nhà tường tự đun nấu, do gia đình tự túc cho con, hoặc nước đóng bình tinh khiết hoặc sử dụng hệ thống máy lọc nước. Vướng mắc chính hiện nay đó là sở chưa đánh giá kiểm nghiệm được chất lượng nguồn nước lọc thông qua các máy lọc nước hoặc nước tinh khiết được đóng sẵn trong các bình. Trong khi đó, số trường sử dụng nguồn nước này ngày càng đông với 872 trường ở bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và 184 trường THPT - cao gần gấp 3 so với các hình thức còn lại.

Tìm hiểu thực tế ở Trường Tiểu học Hưng Lộc (thành phố Vinh) thì vấn đề lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Trường Tiểu học Hưng Lộc ký hợp đồng với Công ty Cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại và đầu tư Hải Hà (Khu công nghiệp Đông Vĩnh, thành phố Vinh) từ tháng 1/2013 để đầu tư công trình trạm uống nước học đường. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, quá trình ký kết, về phía nhà trường không phải bỏ bất cứ một khoản kinh phí nào. Tuy nhiên, nhà trường sẽ thu phí để thu hồi vốn đầu tư theo số lượng học sinh thực tế của trường trong vòng 7 năm để hoàn phí lại cho công ty.

Học sinh Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP. Vinh) uống nước qua xử lý bằng máy lọc.
Học sinh Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP. Vinh) uống nước qua xử lý bằng máy lọc.

Từ khi có trạm lọc nước tinh khiết đưa vào sử dụng, nhà trường hoàn toàn yên tâm về chất lượng bởi theo như công ty cho biết, hệ thống máy lọc nước do công ty cung cấp rất đảm bảo nhờ sử dụng công nghệ lọc thẩm thấu ngược R.O – Mỹ. Tuy nhiên, chất lượng thực tế hoạt động của máy thế nào thì ban giám hiệu nhà trường không nắm được, bởi máy được đặt trên mái của tầng 2 được phủ kín mít. Mỗi khi có sự cố, nhân viên nhà máy sẽ trực tiếp đến kiểm tra.

Được biết, sau gần 3 năm ký kết công ty cung ứng máy lọc nước đã tăng giá nước 3 lần từ 11.000 - 11.500 đồng và nay là 15.000 đồng/em/tháng. Mặc dù vậy, từ năm 2013 đến nay, công ty chỉ mới duy nhất một lần cung cấp Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ số nước sạch cho nhà trường. Trong khi đó, theo quy định, ít nhất 6 tháng/1lần các công ty phải đi lấy mẫu, xét nghiệm nguồn nước theo quy định...

Ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm bày tỏ lo ngại: Thực tế, hiện nay tại các trường học có rất nhiều công ty đến xin lắp đặt hệ thống máy lọc nước. Tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng nước như thế nào thì chưa kiểm soát được. Điều này, về lâu dài sẽ dẫn đến rất nhiều những hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe học sinh.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Y tế Nghệ An vừa có văn bản yêu cầu phối hợp giữa ngành y tế và ngành giáo dục để rà soát, thống kê tất cả các trường học trên địa bàn sử dụng dây chuyền xử lý nước sạch hoặc các bình lọc để cung cấp nước uống cho học sinh. Trên cơ sở đó, có giải pháp để quản lý các đơn vị cung ứng, tránh xảy ra tình trạng không nắm được chất lượng của thiết bị lọc nước tại các trường học như hiện nay.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN