Có dấu hiệu giả mạo giấy tờ cơ quan nhà nước để lừa đảo

01/04/2016 15:29

(Baonghean.vn) - Trong quá trình “chạy việc”, các đối tượng không ít lần dùng chiêu trò tạo niềm tin với vợ chồng thương binh nặng Lô Văn Minh, Bùi Thị Hòa. Trong đó, sử dụng một số giấy tờ như: Hợp đồng, giấy báo trúng tuyển nhân sự mà trên đó có thể hiện chữ ký của người có chức vụ, con dấu của cơ quan nhà nước…

Bà Bùi Thị Hòa kể lại, con gái đầu của bà có người bạn công tác tại trường THCS ở thành phố. Trong một lần gặp gỡ, chị này được cho biết cô em của bạn mình tốt nghiệp khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia đã 3 năm nhưng chưa có việc làm. Vậy nên, sau đó đã giới thiệu ở nơi công tác có một giáo viên quen người tên T, là thân thích của lãnh đạo thành phố Vinh; và T có khả năng “chạy việc”, đã giúp cho nhiều người vào cơ quan nhà nước. Giáo viên có mối quan hệ với anh T là N.T.N.A.

Phấn khởi trước thông tin này, chị của Lô Thị T.H đã đưa hồ sơ của em mình cho bạn để N.T.N.A đưa T “nghiên cứu”. Ít hôm sau thì được thông tin trở lại: “Anh T đã xem, và nói “Hồ sơ đẹp như thế này thì chỉ hết 180 triệu đồng là hoàn tất các thủ tục để cháu có việc làm…”. Thấy gia đình đồng tình, N.T.N.A đề nghị giao trước 80 triệu đồng để “chi phí ban đầu”.

Thời điểm đó, gia đình bà Hòa gom nhặt, vay mượn các nơi được 50 triệu đồng. Ngày giao tiền cho các đối tượng vào cuối tháng 9/2015. Theo hẹn, Lô Thị T.H cùng chị gái đưa toàn bộ 50 triệu đồng đến một quán cà phê gần Trường Đặng Thai Mai để giao cho N.T.N.A. Ở đây, ngoài N.T.N.A còn có một người đàn ông, được giới thiệu là anh T. Khi nhận tiền, N.T.N.A là người viết giấy biên nhận, ký tên còn tiền thì trao toàn bộ cho ông T. Cơ quan “chạy” cho Lô Thị T.H vào làm việc là Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội. Khi nhận tiền, ông T nói: “Có giúp được thì mới nhận tiền. Cứ yên tâm không có vấn đề gì phải lo đâu..”.

a
Bản “Danh sách trúng tuyển nhân sự quý I năm 2016” các đối tượng đưa cho gia đình thương binh nặng Lô Văn Minh.

Đến cuối tháng 10/2015, những đối tượng “chạy việc” đến nhà bà Hòa, đưa ra một tờ hợp đồng của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó thể hiện Lô Thị T.H được nhận làm hợp đồng với thời hạn ba tháng. Các đối tượng nói “vào làm tạm thời để chờ có quyết định biên chế”. Cũng ngay lúc đó, các đối tượng kiểm tra lại thông tin trên hợp đồng, và “phát hiện” ngành học của Lô Thị T.H ghi trên đó là “Luật kinh tế” trong khi em học “Luật hình sự” nên đã lấy lại tờ hợp đồng để “trả để cho họ sửa lại hợp đồng”. Lần này, gia đình bà Hòa giao thêm 10 triệu đồng vì các đối tượng đã “cho mượn trước để chi phí”.

Ít hôm sau, N.T.N.A và người tên T đưa Lô Thị T.H đến Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (trụ sở tại đường Hồng Bàng, Tp. Vinh). Tuy nhiên khi đến đây do thủ trưởng cơ quan “đi vắng” nên cả ba về. Họ trao đổi với Lô Thị T.H, chờ quyết định chính thức rồi đi làm luôn.

Một thời gian sau, người tên T lấy điện thoại của N.T.N.A gọi cho Lô Thị T.H nói rằng, danh sách được duyệt và yêu cầu đưa nốt số tiền đợt một. Thời điểm này sát Tết Dương lịch 2016. Gia đình bà Hòa tiếp tục vay mượn, giao cho N.T.N.A 30 triệu đồng.

Một thời gian dài sau đó không thấy các đối tượng hồi âm, bà Hòa lần theo địa chỉ trên giấy biên nhận tiền để tìm gặp N.T.N.A. Thế nhưng, khi đến nhà ngõ số 9, đường Nguyễn Thị Minh Khai thì được biết, nhà này đã bán cho chủ khác. Liên lạc qua điện thoại, N.T.N.A động viên cứ yên tâm chờ.

Tin nhắn của N.T.N.A gửi bà Bùi Thị Hòa xin khất việc trả lại tiền đã nhận để
Tin nhắn của N.T.N.A gửi bà Bùi Thị Hòa xin khất việc trả lại tiền đã nhận để "chạy việc".

Khoảng tháng 1/2016, người tên T chủ động gọi điện thoại cho bà Hòa 2 lần. Lần thứ nhất, đề nghị “gia đình thông cảm” và cam đoan sẽ “lo được”; nếu không sẽ “hoàn trả tiền”. Lần thứ hai, trao đổi là đang hoàn thiện hồ sơ, đến ngày 1/3/2016, Lô Thị T.H sẽ được đi làm.

Đến ngày 14/3, N.T.N.A đến nhà, đưa cho vợ chồng bà Hòa tờ danh sách trúng tuyển nhân sự của Sở LĐ&TBXH. Trên văn bản này thể hiện có chữ ký của lãnh đạo và con dấu Sở LĐ&TBXH; và có tên của Lô Thị T.H. Đối tượng N.T.N.A nói: “Bây giờ thì gì yên tâm nhé. Đã có danh sách thì trong tháng này sẽ hoàn tất thủ tục. Đầu tháng 4 sẽ được đi làm…”.

Cũng như lần đưa bản hợp đồng thời hạn 3 tháng của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, sau vài tiếng đồng hồ, các đối tượng trở lại đề nghị trả “thông báo trúng tuyển” vì “chỉ xin họ cho mượn để biết”. Phân vân, bà Hòa đã nhờ người quen xác minh và được cho hay, quý I/2016, Sở LĐ&TBXH không ra thông báo danh sách trúng tuyển nhân sự nào cả!

Trong các giấy tờ mà gia đình thương binh nặng Lô Văn Minh, Bùi Thị Hòa lưu giữ, bên cạnh các giấy biên nhận tiền; giấy cam kết trả tiền, có bản “Danh sách trúng tuyển nhân sự quý I năm 2016” mà Lô Thị T.H vì cảnh giác mà sao chụp lại. Xem kỹ văn bản này, chúng tôi đặc biệt lưu tâm vì có những dấu hiệu cho thấy các đối tượng “chạy việc” đã giả mạo giấy tờ, con dấu, chữ ký của cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo.

Với những gì trên văn bản, dù thể hiện có chữ ký của lãnh đạo và con dấu Sở LĐ&TBXH nhưng bộc lộ rõ những điểm bất hợp lý. Đó là nội dung mang tính chất thông báo nhưng văn bản có số quyết định (số 491/QĐ –SLĐTBXH) nêu việc trúng tuyển nhưng không nêu trúng tuyển vào vị trí công tác và cơ quan tiếp nhận.

Báo Nghệ An sẽ tiếp tục điều tra, xác minh và thông tin về vụ việc này.

Hà Giang

TIN LIÊN QUAN