Chiếc ghế ngồi đặc biệt của Thủ tướng khi đối thoại với công nhân

30/04/2016 14:41

“Tôi cảm thấy an toàn”, Thủ tướng vui vẻ nói khi ngồi đối thoại với công nhân trên chính chiếc ghế họ ngồi làm việc 8 giờ/ngày.

Một ngày sau cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về Đồng Nai gặp gỡ khoảng 3.000 công nhân của 8 tỉnh, thành phía Nam (Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên chiếc ghế của công nhân ngồi làm việc hàng ngày, bắt đầu cuộc đối thoại với họ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên chiếc ghế của công nhân ngồi làm việc hàng ngày, bắt đầu cuộc đối thoại với họ.

Cuộc đối thoại rộn ràng từ chiếc ghế ngồi chuẩn bị cho Thủ tướng trên bục sân khấu.

Sau phần mào đầu ngắn gọn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thoải mái ngồi lên chiếc ghế mà mỗi công nhân ngồi 8 giờ hàng ngày để bắt đầu cuộc đối thoại.

Người dẫn chương trình ngỏ ý hỏi cảm xúc của Thủ tướng, ông cười nói: Tôi cảm thấy rất an toàn.

Tăng lương

Các công nhân đã thẳng thắn nêu khó khăn, đặt hàng loạt câu hỏi với Thủ tướng.

Chị Trịnh Thị Mai Thanh (khu công nghiệp ở Long An) cho hay với mức thu nhập hiện nay, công nhân khó tích lũy mua nhà. Việc gửi con đi nhà trẻ, mẫu giáo cũng là một khó khăn.

“Chính phủ có giải pháp gì giúp chúng tôi?”, chị Thanh hỏi Thủ tướng.

Thừa nhận vấn đề nhà ở công nhân, nhà trẻ cho con em công nhân còn nhiều bất cập trong hệ thống khu công nghiệp dù Chính phủ đã có quy định, Thủ tướng ghi nhận ý kiến phản ánh và sẽ chỉ đạo giải quyết, đảm bảo người lao động trong các khu công nghiệp có nhà ở, con em công nhân có nhà trẻ đi học.

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Hùng Anh
Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Hùng Anh
Ảnh Zing.vn
Ảnh Zing.vn

Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã ban hành ưu đãi đất đai, cho vay lãi suất thấp cho các khu công nghiệp. Do đó, các tỉnh, thành trên cả nước, bên cạnh Nhà nước hỗ trợ cần thực hiện xã hội hóa để công nhân có nhà ở, con em có nhà trẻ mẫu giáo.

“Đừng để công nhân làm thêm ca mà con em họ thất học”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề lương, Thủ tướng cho hay, ông đến đây, hỏi công nhân nắm được có người lương thấp nhất 5 triệu, cao nhất 10 triệu.

“Tôi thấy mức sống anh em công nhân còn khó khăn. Hội đồng tiền lương nhà nước, cơ quan chức năng cần thảo luận cùng công đoàn, nâng lương năm nay lên 12%. Việc tăng lương giúp công nhân có đời sống tốt hơn năm trước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một công nhân làm việc tại tỉnh Đồng Nai, anh Nguyễn Văn Thái kể quê ở Hà Tĩnh, cuộc sống khó khăn phải bươn chải đi kiếm tiền phụ cha mẹ, nuôi em. Nhưng làm việc tại khu công nghiệp cũng gặp những khó khăn, lo lắng.

“Có ngày đi làm về thấy cửa phòng mở toang, không còn gì hết. Ngay cả chiếc xe máy làm mấy năm mới mua được cũng không cánh mà bay. Vì vậy con đã mất hết tinh thần, ngã quỵ, không thể đứng vững trên đôi chân của mình nữa”, anh Thái nói.

Trước khi vào buổi đối thoại với công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian trò chuyện, thăm hỏi một số công nhân và cán bộ công đoàn. Ảnh: Hùng Anh
Trước khi vào buổi đối thoại với công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian trò chuyện, thăm hỏi một số công nhân và cán bộ công đoàn. Ảnh: Hùng Anh

Trước khi vào buổi đối thoại với công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian trò chuyện, thăm hỏi một số công nhân và cán bộ công đoàn. Ảnh: Hùng Anh

Nghe chuyện công nhân, Thủ tướng lên tiếng đề nghị công đoàn, liên đoàn lao động có biện pháp hỗ trợ những công nhân như anh Thái.

“Các địa phương cần tăng cường quản lý tình hình an ninh trật tự nhằm bảo vệ công nhân”, ông nói với lãnh đạo các tỉnh có mặt.

Lo đời sống tinh thần

Quà tinh thần đặc biệt của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trao tặng mỗi tỉnh 3 tivi (32 inch) để lắp trong các khu sinh hoạt chung của công nhân. Thủ tướng tặng mỗi anh chị em công nhân một cây bút mang từ Hà Nội vào.

Mỹ Linh, một công nhân làm việc tại Trảng Bàng, Tây Ninh chia sẻ với Thủ tướng nhu cầu muốn có điều kiện nâng cao tay nghề để nâng cao thu nhập.

“Tuy nhiên doanh nghiệp chưa chú trọng đào tạo tay nghề, đồng thời công nhân không có thời gian”, nữ công nhân cho hay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc nâng cao tay nghề là cần thiết. Một tỉnh đang khó khăn như Tây Ninh thì công đoàn cần có chủ trương nâng cao tay nghề, bồi dưỡng trình độ cho anh em công nhân.

“Các giới chủ làm được điều đó là tạo tiền đề phát triển vũng mạnh, lâu dài. Kết hợp đồng bộ giữa chính quyền, giới chủ, công đoàn và công nhân để thực hiện”, ông nói.

Anh Nguyễn Tất Khang (Mỹ Tho, Tiền Giang) chia sẻ, công nhân là thanh niên xa quê hương rất cần nhu cầu giải trí, văn hóa sau giờ làm việc.

“Thủ tướng định hướng gì giải quyết vấn đề này?”, công nhân hỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, mới đây Chính phủ có đề án triển khai vấn đề này trên cả nước. Nhiều tỉnh, thành thiết lập các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân.

“Nhưng đây đúng là khâu yếu chúng ta chưa làm tốt thời gian qua”, Thủ tướng nói và đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành quan tâm.

Anh Hồ Quang Trung (công ty Chansing Thạnh Phú, Vĩnh Cửu) muốn xin Thủ tướng một lời khuyên như một người cha người chú về công việc, cuộc sống của người công nhân.

Thủ tướng giản dị chia sẻ: “Cha ông ta nói “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Quan trọng là sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo trong lao động. Nếu chúng ta có nghề nghiệp tốt, làm tốt nghề của mình là vũ khí lợi hại để chúng ta vào đời”, ông nói và mong mỏi công nhân phải thường xuyên học tập, học tập suốt đời để nâng cao tay nghề.

Theo Vietnamnet.vn

TIN LIÊN QUAN