Những kỷ vật của trung tá phi công F4 Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Nghệ An
(Baonghean.vn) – Thomas Eugene Wilber – con trai của Walter Eugence Wilber – Trung tá phi công Mỹ - người lái chiếc máy bay chiến đấu F4 của Quân đội Mỹ từng bị quân và dân ta bắn hạ trên bầu trời Thanh Chương vào năm 1968, thêm một lần nữa trở lại Nghệ An để hiến tặng cho Bảo tàng Quân khu IV những kỷ vật thời lính của cha mình.
Ông Thomas Eugene Wiber đến với Bảo tàng Quân khu IV và mang theo những kỷ vật của cha mình. |
Thomas đến Nghệ An theo tâm nguyện của người cha để tìm kiếm những nhân chứng lịch sử hoặc nếu may mắn có thể biết được tin tức gì về Bernard Francis Rupinsk – viên phi công tử nạn trong chuyến bay cùng với cha mình. Tại đây, người đàn ông Mỹ này đã vô cùng may mắn khi được gặp những người bạn hết mực tốt bụng, chân thành giúp đỡ ông trong hành trình tìm kiếm. Họ chỉ là những người dân, những cán bộ bình thường, là cô chủ quán cà phê, là người chiến sỹ công an, là anh cán bộ Bảo tàng… nhưng đã giúp cho Thomas chắp nối liền mạch một quá khứ ngỡ chừng ngủ quên sau gần 50 năm đã trôi qua.
Những kỷ vật của Wilber trong chiến tranh Việt Nam 50 năm trước |
Thomas đã xác định được khu vực máy bay rơi, ông cũng đã gặp được những người cần tìm kiếm. Đó là ông Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu, 2 trong số 3 người đầu tiên bắt giữ Walter Eugence Wilber sau khi máy bay bị bắn rơi. Thomas trở về Mỹ với lời hứa sẽ đưa cha mình trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, vì lâm trọng bệnh, Walter đã mất vào ngày 8/7/2015 và ông đã không thể thực hiện mong ước cuối đời của mình.
Lần trở về Việt Nam vào tháng 4 này, Thomas đã mang đến một “món quà” vô cùng ý nghĩa cho Bảo tàng Quân khu IV, cũng là nơi chắp nối đầu tiên giúp ông hoàn thành nguyện ước của cha mình. Đó chính là những “kỷ vật” đời lính của cha mình- những kỷ vật in đậm dấu ấn Việt Nam và những năm tháng chiến tranh ác liệt đã khiến ông Walter không nguôi hối hận khi cùng đồng đội đem đạn bom trút lên đất này.
2 bao thuốc lá còn nguyên chưa bóc, ông Wilber được Chính phủ Việt Nam gửi tặng vào ngày được thả tự do 12/2/1973 |
Phù hiệu sỹ quan của ông Wilber |
Huy hiệu sỹ quan chỉ huy và phù hiệu có chữ Wilber, là một phần trong bộ quân phục bay được Wilber sử dụng trong chiến tranh Việt Nam |
Tất cả những kỷ vật đó, đã được ông Walter giữ gìn cẩn trọng. Chúng gần như còn nguyên nếp sau gần 50 năm. Đó là bộ quần áo ông được cấp phát tại Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội, sau khi bị bắt sống tại Thanh Chương năm 1968 được đưa về đây giam giữ. Bộ quần áo lót cũng được ông giữ gìn cẩn thận, là 100% cotton và đây là sản phẩm dùng để xuất khẩu, chứng tỏ chế độ chăm sóc của ông trong nhà tù cũng là chế độ chăm sóc đặc biệt. Có 2 bao thuốc lá còn nguyên chưa bóc, ngày xưa chỉ sỹ quan cao cấp mới được dùng . 2 bao thuốc lá là món quà mà Chính phủ Việt Nam gửi tặng tù nhân vào ngày họ được thả tự do là ngày 12/2/1973
Ngoài ra, còn huy hiệu sỹ quan chỉ huy và phù hiệu có chữ Wilber, là một phần trong bộ quân phục bay ông ấy sử dụng trong chiến tranh Việt Nam
Được biết, ông Walter Eugence Wilber bị giam tại nhà tù Hoả Lò 4 năm 8 tháng. Trong suốt 4 năm 8 tháng bị giam tại đây ông Walter đã có nhiều báo cáo kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ kết thúc cuộc chiến chống lại nhân dân Việt Nam.
Lễ trao tặng kỷ vật của ông Wilber cho Bảo tàng Quân khu IV. |
Trong lễ trao tặng diễn ra rất giản dị nhưng không kém phần trang trọng tại Bảo tàng Quân khu IV, Thomas Eugene Wilber tỏ ra rất xúc động. Ông nói: Những người Việt Nam không chỉ đã dạy cho “chúng tôi” (cha, con nhà Wiber) những bài học quý giá về tình người, mà còn cho ông thêm tình yêu với đất nước này, cảm thấy mình vẫn còn nặng trách nhiệm với nó. Ông mong mỏi sẽ còn đến với Việt Nam nhiều lần, gặp lại những người bạn đã giúp đỡ ông và có thể giúp đỡ được chút nào cho câu chuyện lịch sử có liên quan đến cha mình.
Đón nhận kỷ vật, các cán bộ của Bảo tàng được nghe lại câu chuyện của Thomas về hành trình đi tìm chiến trường xưa của cha mình |
Còn Đại tá-Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV Nguyễn Công Thành cũng chia sẻ: Chiến tranh đã qua, những vết thương cũng cần được hàn gắn, nhưng như vậy không có nghĩa chúng ta có quyền được quên đi quá khứ. Câu chuyện của người con tìm về chiến trường xưa của cha mình, nhận được sự giúp đỡ từ chính những người ngày xưa đã bắt sống cha mình là một câu chuyện đầy nhân văn. Những kỷ vật mà Thomas trao tặng cho Bảo tàng đã góp thêm một tiếng nói của một người Mỹ về cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam. Và mong mỏi lớn nhất thì ai cũng đã biết, đó là mong mỏi về hòa bình, về tự do, về con người sống với nhau bằng yêu thương…
Thùy Vinh - Trà My
TIN LIÊN QUAN